Đái tháo đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Đi khám thai định kỳ, chị Mai Anh (25 tuổi, Hà Nam) bất ngờ được bác sĩ thông báo bị tiểu đường thai kỳ. Chị rất hoang mang bởi trước giờ chỉ nghe trên mạng chứ không nghĩ mình lại gặp phải tình trạng này.
Theo BSCKI Đặng Văn Hà - Bệnh viện Đa khoa An Việt thì với phụ nữ mang bầu, đái tháo đường thai kỳ là một bệnh lý không thể chủ quan. Bất cứ ai cũng có nguy cơ gặp phải tình trạng này. Đây là bệnh lý thuộc về rối loạn chuyển hóa của cơ thể, khiến cho nồng độ đường trong máu tăng cao trong thời kỳ mang thai.
Có khoảng 10% thai phụ gặp phải tình trạng này. Nếu đường huyết không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến các kết cục xấu cho mẹ và thai nhi. Bệnh đái tháo đường thai kỳ thường biến mất sau khi sinh, một số trường hợp tiến triển thành đái tháo đường thật sự.

Bệnh đái tháo đường thai kỳ đang ngày một gia tăng, những người có nguy cơ cao hơn gặp phải tình trạng này gồm: Có cha mẹ, anh em có người bị tiểu đường, thai kỳ lần trước bị thai lưu, thai dị tật, con to hoặc ở những người có lối sống ít vận động, béo phì, cao huyết áp.
Thai phụ gặp phải tình trạng này thường không có triệu chứng. Hầu hết phát hiện bệnh nhờ đánh giá yếu tố nguy cơ và khám thai định kỳ. Một số dấu hiệu nghi ngờ mắc đái tháo đường như: Thường xuyên cảm thấy khát nước, tiểu nhiều hơn và ăn nhiều hơn bình thường.
BSCKI Đặng Văn Hà cho biết nếu không kiểm soát tốt đường huyết, thai kỳ có nguy cơ gặp phải một số kết cục xấu như sảy thai, sinh non, thai dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, đa ối, thai to hoặc thai chậm tăng trưởng. Mẹ bầu cũng tăng nguy cơ mắc phải tiền sản giật, mổ lấy thai…
Sau khi chào đời, trẻ có nguy cơ bị hạ đường huyết, vàng da. Nguy cơ suy hô hấp sau sinh cũng tăng lên ở những trẻ có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ.
Muốn biết mình có bị đái tháo đường khi mang thai hay không, nhất là ở các thai phụ có nguy cơ cao, thì nên tầm soát đái tháo đường trong thai kỳ. Nếu xác định bị mắc đái tháo đường thai kỳ thì thai phụ cần được điều trị sớm.
Mục tiêu của việc điều trị là giúp đường huyết ổn định, từ đó giảm tối đa nguy cơ gặp phải các biến chứng xấu cho thai kỳ như sảy thai, sinh non, thai chết lưu, thai dị tật bẩm sinh, đa ối, thai to hoặc thai chậm tăng trưởng…