Cứu sống bệnh nhân bị đâm nhiều nhát nguy kịch
Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ vừa tiếp nhận cùng lúc 2 trường hợp bệnh nhân bị đâm trọng thương nhiều nhát, trong đó có một bệnh nhân nguy kịch.
Trước đó, vào ngày 25/5 bệnh nhân N.T.K.T (41 tuổi, ngụ tại phường Xuân Khánh, Cần Thơ) được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ trong tình trạng lơ mơ, tái nhợt, mạch huyết áp không đo được, tràn dịch màng phổi bởi 4 vết thương vùng trước ngực.
Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân T. bị người thợ quét bê đâm trong lúc đang giúp việc tại một gia đình gần nhà. Cùng lúc đó, bệnh nhân Đ.Q.Đ. (ông chủ nhà) vào can ngăn thì bị đâm vào người 3 nhát (1 nhát ở cổ, 2 nhát ở lưng), gây tràn khí tràn máu màng phổi phải.
Nhận thấy tình trạng bệnh nhân T. nguy kịch, ca trực khẩn trương thực hiện các biện pháp sơ cứu truyền dịch truyền máu hồi sức và chuyển thẳng bệnh nhân T. lên phòng mổ chỉ để kịp thời xử trí vết thương. Kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị thùy thủng phổi 2 bên, thủng cơ hoành phải, thủng gan, do bị dao đâm và trật khớp khuỷu tay trái. Bệnh nhân được ê kíp gồm 2 chuyên khoa Ngoại Lồng ngực và Ngoại Tổng hợp và ê kíp Phẫu thuật – Gây mê hồi sức chuẩn bị các phương án về phẫu thuật mạch máu, gan cũng như dự trù mất máu cấp.
Hiện tại, bệnh nhân ổn định, có thể thực hiện các y lệnh và đang được theo dõi sát sao tại bệnh viện.
Quá trình phẫu thuật mở ngực trái thám sát trong khoang màng phổi có khoảng 2000 ml máu loãng và máu cục, vết thương đứt bó mạch liên sườn đang chảy máu, thủng thùy dưới phổi trái 2 cm đang chảy máu và dò khí.
Ê kíp xử trí khâu cầm máu và mở ngực phải dọc theo vết thương thám sát thấy 200 ml máu loãng, thủng thùy dưới phổi phải 3 cm, xiên thủng cơ hoành và thủng gan. Mở bụng đường giữa trên rốn thám sát ổ bụng và khâu lại vết thương gan, dẫn lưu màng phổi 2 bên, đóng lại các vết mổ và vết thương.
Theo bác sĩ chuyên khoa Ngoại Lồng ngực và Ngoại Tổng hợp, may mắn cho bệnh nhân là cả 4 nhát dao đều xuyên qua và chưa chạm đến thành động mach chủ ngực, động mạch chủ bụng. Nếu lên cao sẽ vào tim hoặc sâu một chút sẽ xuyên động mạch chủ bụng thì nguy cơ tử vong trước viện là rất cao. Đối với những trường hợp cấp cứu như bệnh nhân T. thì ngoài việc sơ cấp cứu kịp thời còn đòi hỏi sự phối hợp đánh giá, chẩn đoán tổn thương nhanh chóng, chính xác cùng kinh nghiệm chuyên môn vững vàng của đội ngũ phẫu thuật viên, để có nhận định đúng và hướng xử trí tốt nhất.
Hiện tại, tri giác bệnh nhân ổn định, có thể thực hiện các y lệnh, hiện đang được theo dõi sát sao quá trình hồi phục tại buồng hậu phẫu của Khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức.
Đối với bệnh nhân Đ.Q.Đ, ê kíp phẫu thuật đã xử trí khâu các vết thương và dẫn lưu màng phổi phải ra khoảng 500 ml máu loãng. Hiện bệnh tỉnh và theo dõi tại khoa Ngoại Lồng ngực.