Nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở thôn Nam Quất (xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) là "Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày" là nơi lưu giữ hàng nghìn kỷ vật của các chiến sỹ cách mạng qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc.
Ông Lâm Văn Bảng – Giám đốc bảo tàng vốn là một cựu tù binh bị giặc bắt và tù đày tại nhà tù Phú Quốc cho biết, ý tưởng thành lập một nơi lưu giữ những kỷ vật và tri ân đồng đội được ông nhen nhóm từ cách đây vài chục năm.
Năm 1985, ông khi đó ông Bảng được giao phụ trách mảng giao thông (thuộc Công ty 208 quản lý đường bộ). Khi chỉ huy sửa chữa Cầu Giẽ, đơn vị của ông phát hiện ra một quả bom tấn nằm ngay dưới chân cầu. Sau khi vớt lên, rút thuốc, ông Bảng cho xây một cái bệ ngay trước cầu rồi đặt quả bom lên để trưng bày.
Việc làm này của ông thu hút được sự quan tâm, chú ý của rất nhiều người. Từ đó, người cựu chiến binh Lâm Văn Bảng chợt nảy ra ý tưởng cần sưu tập các hiện vật nhằm lưu lại cho các thế hệ mai sau biết đến một thời hào hùng và tinh thần bất khuất của dân tộc.
Được sự động viên của đồng đội cũ, ông Bảng bắt đầu lên đường đi khắp trong Nam, ngoài Bắc để sưu tập, tìm kiếm các di vật, kỷ vật chiến tranh. Ông đã đặt chân tới các nhà tù để tìm kiếm các di vật chiến tranh từ đồng đội và gia đình các liệt sỹ còn lưu giữ.
Đến ngày 11/10/2006, “Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày” chính thức được thành lập với hơn 2000 hiện vật ban đầu. Những hình ảnh, hiện vật trưng bày tại bảo tàng thực sự đã mang đến cho người xem nhiều cảm xúc tự hào xen lẫn xúc động.
Từ khi thành lập, “Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày” đã trở thành điểm đến của nhiều đoàn khách tham quan, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên, các đồng chí lão thành cách mạng và thân nhân các liệt sĩ…
Nơi đây không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ vật, hiện vật của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày mà còn là nơi tái hiện lịch sử dân tộc, nơi giáo dục cho lớp trẻ về lòng tự hào, tự tôn dân tộc và truyền thống dân tộc.
Sau gần 20 năm đi vào hoạt động, bảo tàng đã đón hàng chục triệu lượt khách tham quan, tổ chức hàng trăm buổi giao lưu với các nhân chứng lịch sử ở các trường học. Được nhiều cá nhân, tổ chức lựa chọn khi muốn tìm hiểu về lịch sử, truyền thống hào hùng của dân tộc.
Hiện tại, “Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày” đang trưng bày, lưu giữ hơn 5.000 hiện vật, hình ảnh, tư liệu, gần 6.000 cuốn sách, tái hiện sự khốc liệt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta và tinh thần bất khuất, kiên trung của các chiến sĩ cách mạng.
Mỗi hiện vật, kỷ vật được trưng bày, lưu trữ tại bảo tàng hiện nay tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng trong đó những kí ức, câu chuyện sống động, bi hùng về những ngày tháng tù đày gian khổ nhưng kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng.
Để giúp cho khách dễ tham quan, tìm hiểu, “Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày” được chia thành 10 khu khác nhau gồm Khu Đền thờ Bác Hồ cùng các liệt sĩ đã hy sinh ở nhà tù Phú Quốc và các chiến trường; khu lưu giữ bút tích của Bác Hồ. Khu lưu giữ vật dụng và nhiều bức ảnh tư liệu về chiến tranh chống Mỹ; khu trưng bày hình ảnh, mô hình về các thủ đoạn tra tấn và chứng tích về tội ác của Mỹ - Ngụy; khu giới thiệu hoạt động đấu tranh của những chiến sỹ, đảng viên trong nhà tù Phú Quốc; khu quản lý chung hoạt động của bảo tàng.
Hiện tại, dù đã bước qua tuổi ngoài 80 nhưng ông Lâm Văn Bảng vẫn mong muốn đem nhiệt huyết của mình để truyền lại cho tuổi trẻ hôm nay và mai sau. Với những nỗ lực đóng góp của mình, cựu chiến binh Lâm Văn Bảng đã vinh dự nhận được gần 20 Bằng khen của các cơ quan từ bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương trao tặng.
Năm 2014, ông Lâm Văn Bảng được UBND TP. Hà Nội tặng danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô; ông cũng được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2018, ông Lương Văn Bảng được Chủ tịch nước biểu dương là một trong 70 Công dân Ưu tú toàn quốc.
Ngày 19/7/2024, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), "Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt, tù đày" đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao Kỷ lục: Bảo tàng tư nhân do các Cựu chiến binh khởi xướng thành lập – Nơi lưu giữ, trưng bày các mô hình, hiện vật hình ảnh về chủ đề “Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đầy” nhiều nhất Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Gia đình Việt Nam, ông Phan Cao Lạc - Chủ tịch UBND xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) cho biết, những hiện vật được ông Lâm Văn Bảng cùng các đồng đội sưu tầm và trưng bày trong "Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày" từ lâu đã trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
"Việc làm của cựu chiến binh Lâm Văn Bảng và các đồng đội rất thiết thực và ý nghĩa. Những kỷ vật giúp người dân ở địa phương, mọi đoàn khách đến đây hiểu được những người chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và bị tù đày đã đổi xương máu, hy sinh cho cuộc sống ngày hôm nay", ông Phan Cao Lạc nói.