Thứ năm, 08/05/2025 13:54     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ năm, 08/05/2025 05:00

Con sán trong miếng lòng lợn

Một con sán nằm cuộn mình trong miếng lòng non trồi ra khiến tôi ớn cả người. Mâm bên cạnh, các chú, các bác vẫn gắp đều, chốc lát lại khà một tiếng khen lòng ngon, tiết canh ngọt.

Lòng lợn, món khoái khẩu

Buổi sáng cuối tuần, nhóm kín trên mạng xã hội của chúng tôi bao giờ cũng gọi nhau bằng một câu quen thuộc: “cuối tuần làm mét lòng cho rực rỡ anh em ơi?”. Đi kèm với đó là hình ảnh một đĩa lòng lợn nóng hổi, rắc ít rau thơm, bát nước nắm cốt pha với lạc rang, tiêu, ớt, hành tươi thái lát mỏng. Nhìn những hình ảnh như thế, rất ít người không “toát mồ hôi lưỡi” vì thèm, cho dù bây giờ ai cũng hiểu những tác hại đối với sức khỏe từ việc ăn quá nhiều nội tạng động vật.

Mẹt lòng như thế này có thể gây kích thích vị giác với nhiều người. Ảnh minh họa

Ông Lượng, thợ xây từ quê lên phố giám sát công trình nói bản thân có thói quen ăn lòng lợn từ nhỏ. Theo người đàn ông 55 tuổi, có 2 lý do khiến đàn ông, bao gồm cả thanh niên, trung niên và người cao tuổi ở nông thôn rất thích ăn lòng lợn cũng như các loại nội tạng động vật khác được chế biến như lòng bò xào khế, dồi chó nướng, đó là giá rẻ và sẵn hàng. Chỉ cần hơn trăm ngàn, mấy anh em có thể nhậu hết buổi sáng với món lòng lợn, bao gồm một đĩa lòng dồi và mấy bát cháo “không người lái”. Ở quê, làng nào cũng có quán ăn sáng mang thương hiệu quen thuộc “điểm tâm – tiết canh lòng lợn”. Về quê, buổi sáng cứ ra khỏi nhà là có người gạ gẫm “làm mét lòng” cho rực rỡ.

Ông Lượng chia sẻ, mỗi lần đọc báo, xem tivi nghe tin cơ quan chức năng bắt giữ hàng tấn nội tạng lợn cấp đông không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng thấy ái ngại, lo lắng cho sức khỏe nhưng thói quen ăn uống rất khó bỏ ngay mà chỉ có thể giảm bớt dần.

“Lòng lợn, tiết canh vẫn là món khoái khẩu, món dân dã, quen thuộc, giá rẻ, hợp với thu nhập của dân lao động nên dù biết là ăn nhiều không tốt cho sức khỏe nhưng không phải muốn thì bỏ được ngay. Cùng với thịt chó, nhiều người nghiện món lòng lợn.”, ông Lượng quả quyết.

Lòng se điếu được cho là rất hiếm trong thực tế nhưng lại xuất hiện khá nhiều tại các quán ăn

Bạn tôi, nhiều người còn trẻ, nhất là những anh bạn sinh ra từ làng luôn xem tiết canh lòng lợn là thức nhắm mang đậm hồn quê. Cảm giác giữa thành phố sôi động, hiện đại, ngồi trong quán làm mét lòng với cút rượu nút lá chuối không hẳn vì thèm mà còn để đỡ nhớ hương vị quê nhà.

Con sán trong miếng lòng lợn

Nhà có giỗ, bác họ tôi làm thịt một con lợn “cỏ”. Vừa tay dao tay thớt ông vừa oang oang khoe lợn nhà nuôi cả năm nhưng chỉ ăn rau, không sử dụng thức ăn gia súc, cám siêu nạc… nên thịt chắc, lòng ngon "hết nước chấm". Thấy tôi ái ngại khi nhìn ông làm vệ sinh phần ruột non khá sơ sài, ông xua tay: “cái món phèo này mà ken hết cái thứ màu vàng phía trong đi thì mất hết chất. Cứ phải đăng đắng một chút, thum thủm một chút nó mới ra món phèo lợn. Làm sạch như nhà hàng trên phố các anh là làm kiểu công nghiệp, trắng nõn, giòn giả tạo, ăn như bị lừa”, ông vừa nói vừa cười khoái trá.

Nhiều người ăn lòng lợn từng gặp sán. Ảnh minh họa

Vì con lợn không có lòng se điếu nên ông còn nghĩ ra một cách không giống ai. Đó là lồng các đoạn ruột non vào nhau, tạo độ dày cho chúng rồi luộc như kiểu trần qua nước sôi sẽ có cả… mét lòng se điếu. Ông nói thêm rằng, luộc lòng, nhất là đối với ruột non và se điếu, phải lửa to, nước sôi thật mạnh, luộc thật nhanh, chín “lòng đào” thì mới đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ. Kết quả là đến khi ăn, thấy gợn gợn, tôi buộc phải nhè miếng ruột non được luộc theo phương pháp thủ công truyền thống “ba sôi hai lạnh” ra khỏi miệng. Một con sán nằm cuộn mình trong miếng lòng non trồi ra khiến tôi ớn cả người. Mâm bên cạnh, các chú, các bác vẫn gắp đều, chốc lát lại khà một tiếng khen lòng ngon, tiết canh ngọt.

Chuyên gia nói gì?

Những động vật được con người ăn nội tạng phổ biến nhất phải kể đến bò, lợn, cừu, dê, gà và vịt. Theo chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Quỳnh Trang, Bệnh viện đa khoa Hợp Lực, thành phần dinh dưỡng của nội tạng động vật có thể khác nhau, tùy thuộc vào nguồn động vật và loại nội tạng. Tuy nhiên hầu hết, nội tạng có hàm lượng calo tương tự như thịt nạc (từ 100-150 calo mỗi 100 gram), chúng có cùng hàm lượng protein (khoảng 16-22% trọng lượng, trừ não và tủy) và hàm lượng chất béo tương tự (trung bình từ 5-7%) chủ yếu là chất béo bão hòa và lượng cholesterol và purin rất cao, khoáng chất thiết yếu và một số vitamin. Nội tạng động vật đặc biệt giàu vitamin nhóm B: Vitamin B12, folate, các khoáng chất: Sắt, kẽm, selen, magie, và các vitamin tan trong chất béo như vitamin: A, D, E và K.

Trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện đa khoa Hợp Lực Lê Thị Quỳnh Trang khuyến cáo những người tăng mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh gout, hoặc mắc các bệnh lý về tim mạch,...  không nên ăn các loại nội tạng động vật.

“Người dân luôn có quan niệm “Ăn gì bổ nấy” là quan niệm hoàn toàn không đúng. Việc tiêu thụ quá nhiều nội tạng động vật như óc, lòng, tim, cật,… có thể gây hại cho sức khỏe, dễ dẫn đến các bệnh lý tim mạch, các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng huyết áp, gout, đái tháo đường. Ngoài ra, nội tạng là cơ quan dễ nhiễm độc, nếu không được chế biến sạch sẽ có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm ký sinh trùng. Nội tạng động vật không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng (giun, sán) lao, than,..., các bệnh ký sinh trùng như sán dây, sán chó và giun xoắn cho người. Người mắc các bệnh này thông thường để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe và thậm chí có thể tử vong. Một số ruột động vật có chứa lượng lớn vi khuẩn E.Coli và các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn”, bà Trang cảnh báo.

Chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Quỳnh Trang khuyến cáo, người dân nên ăn với lượng vừa phải, lựa chọn nguồn gốc rõ ràng và chế biến hợp vệ sinh để bảo vệ sức khỏe lâu dài. Trẻ em, phụ nữ có thai cho con bú, người thiếu máu thiếu sắt, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi có thể ăn các loại phủ tạng, nhưng khi ăn cũng chỉ nên vừa phải, mỗi tuần ăn không quá 2 lần, mỗi lần ăn từ 50 - 70g đối với người lớn, còn trẻ em chỉ ăn từ 30 - 50g/bữa. Tuy nhiên, đối với những người cao tuổi, thừa cân - béo phì, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh gout, hoặc mắc các bệnh lý về tim mạch,... thì không nên ăn các loại nội tạng động vật.

Quang Duy  
Con sán trong miếng lòng lợn
Ngày Quốc tế Lao động 1/5: Tôn vinh những hy sinh thầm lặng
5 bài học từ Đức Giáo hoàng Francis
Nổi tiếng đến tai tiếng rồi... bặt tiếng
Xem thêm