Nhiễm liên cầu khuẩn sau khi ăn lòng lợn luộc chín
Phần lớn các ca bệnh liên cầu khuẩn đều có giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món tái. Tuy nhiên, một số trường hợp ăn đồ chín vẫn nhiễm bệnh, nguy kịch.
Những ngày qua, các cơ sở y tế Trung ương và địa phương liên tục tiếp nhận ca bệnh nguy kịch do nhiễm liên cầu khuẩn sau khi ăn tiết canh, lòng lợn hoặc chế biến thịt lợn.
Cụ thể, ngày 1/8, Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết tiếp nhận bệnh nhân 47 tuổi dương tính với liên cầu khuẩn lợn, suy đa tạng, nhiễm trùng nặng sau ba ngày chế biến thịt lợn sống.
Bệnh nhân nổi vân tím toàn thân, xuất huyết dưới da rải rác do nhiễm liên cầu khuẩn lợn (Ảnh: BSCC)
Hay gần đây nhất, bệnh nhân nữ, 59 tuổi (ở Hà Nội) được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết do mắc liên cầu khuẩn sau khi ăn lòng lợn. Đáng chú ý, bệnh nhân này cho biết mình ăn lòng lợn chín mà không phải đồ tái, sống hoặc tiết canh. Điều này, khiến nhiều người lo lắng khi phần lớn mắc bệnh này là do ăn đồ tái, sống.
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ, liên cầu khuẩn lợn (vi khuẩn Streptococcus suis) là loại vi khuẩn thường cư trú ở đường hô hấp trên như mũi, đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Vi khuẩn này có khả năng gây bệnh cho lợn và người. Đặc biệt, kể cả lợn nhà nuôi sạch cũng không đồng nghĩa với việc vi khuẩn gây bệnh không tồn tại trong loài động vật này.
Bệnh liên cầu lợn có hai thể lâm sàng chính mà thường gặp nhất là nhiễm trùng huyết và thể viêm màng não mủ. Bệnh diễn biến nặng rất nhanh. Chỉ vài giờ sau khi có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn hoặc nổi các ban trên người. Nếu nhập viện khi đã nặng, bệnh nhân có nguy cơ bị hoại tử da, tay, mặt và di chứng nặng trên cơ thể như điếc tai, ngón tay phải cắt cụt...
Theo các bác sĩ, hầu hết người nhiễm liên cầu khuẩn lợn và mắc bệnh chủ yếu là do tiếp xúc trực tiếp với lợn bị bệnh, lợn mang vi khuẩn gây bệnh, các chất tiết của lợn bị bệnh (phân, nước tiểu) hoặc do ăn các sản phẩm chế biến từ thịt lợn bị bệnh chưa được nấu chín như tiết canh lợn, ăn thịt sống, thịt tái, nem, thịt lợn bệnh nấu chưa chín kỹ.
Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh.
Lý giải điều này bác sĩ Phúc thông tin nguyên nhân là do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn tái, sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.
Tiết canh là món ăn ưa thích của nhiều người nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc liên cầu khuẩn (Ảnh minh họa)
Do đó, bác sĩ khuyến cáo để phòng tránh bệnh liên cầu lợn ở người cần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thật tốt như: Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín như nem chua, nem chạo..., không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh.
Người dân không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, người chế biến thịt lợn cần thường xuyên rửa tay với xà phòng; nếu lợn bị bệnh thì không được giết mổ mà cần tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy trình đã quy định.