Chuyên gia Quỹ dân số LHQ: "Dân số Việt Nam không cần kiểm soát tỉ lệ suất sinh nữa"
Cùng với việc xóa bỏ chính sách kiểm soát mức sinh, chất lượng dân số cũng là một vấn đề đang được dư luận quan tâm. Lựa chọn các đối tượng dân số có trình độ cao, sức khỏe tốt để khuyến khích và đưa ra chính sách phúc lợi tốt cho họ có phải là giải pháp hợp lý? Về vấn đền này, chuyên gia Quỹ dân số Liên hợp quốc, ông Lê Bá Dương đã có những phân tích thú vị cùng báo Gia đình Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về những đề xuất thay đổi chính sách dân số mới đây, đầu tiên là việc các cặp vợ chồng được tự quyết định số con?
Đấy là đề xuất rất đúng đắn đối với tình hình dân số Việt Nam hiện nay. Chúng ta đã trải qua một quá trình dài trong việc chuyển đổi dân số học. Từ đầu 1960 đến nay, tỉ lệ sinh dân số giảm rất đáng kể. Trước đây tỉ lệ suất sinh của người phụ nữ là 6 con thì bây giờ chỉ còn lại 2 con.
Với mức độ sinh ổn định, bền vững trong vòng 10 năm như thế thì chúng ta không cần kiểm soát tỉ lệ sinh nữa. Vì nếu vẫn còn kiểm soát nghĩa là chúng ta đã không tuân thủ nguyên tắc của công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia (cụ thể là những cam kết trong hội nghị dân số và phát triển mà Việt Nam đã tham gia tại Cairo 1994).
Ông Lê Bạch Dương - chuyên gia Quỹ dân số Liên Hợp Quốc
Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là việc tỉ lệ suất sinh thay thế đã đạt được con số ổn định là 2,1. Nếu chúng ta cứ tiếp tục kiểm soát thì con số mức sinh sẽ tiếp tục giảm. Kinh nghiệm từ những nước trong khu vực, khi tỉ suất sinh bị kiểm soát quá lâu và bị giảm sâu sẽ rất khó để vực lên được. Lúc đó, Viêt Nam sẽ đối diện với tình trạng dân số già và hệ lụy kéo theo là quá lớn.
Sự chênh lệch tỉ lệ mức sinh giữa các vùng miền sẽ gây ra tình trạng gì?
Hiện tại Sài Gòn mức sinh đã giảm xuống còn 1,4 nghĩa là giảm quá sâu so với mức sinh thay thế.Vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là 1,5 – 1,6. Những thay đổi và biến động khó lường của tỉ lệ sinh sẽ gây áp lực lên nền kinh tế, giáo dục, lao động.
Quan điểm của rất nhiều các tổ chức quốc tế và các nhà nghiên cứu cho thấy Việt Nam nên bỏ chính sách kiểm soát tỉ lệ sinh dân số.
Hơn nữa đây là quyền con người, quyền sinh sản, duy trì nòi giống.
Hiện tượng nông thôn đẻ nhiều hơn ở thành phố, tỉ lệ sinh ở phụ nữ ít học nhiều hơn ở phụ nữ có trình độ học vấn cao. Điều này có nguy cơ làm giảm chất lượng dân số?
Mọi thành phần xã hội đều có quyền quyết định sinh số lượng con ngang nhau không phân biệt học vấn cao hay thấp.
Theo tôi, ngành dân số không nên khuyến khích phụ nữ ở vùng nông thôn hay phụ nữ ít học nên sinh ít con. Căn cứ vào học vấn hay thu nhập, nông thôn, thành thị để quyết định số lượng sinh con như thế là không công bằng, thậm chí là kỳ thị, thiển cận.
Thực ra chính sách này đã được Singapore áp dụng từ nhiều năm trước nhưng không có tác dụng. Họ đưa ra những đãi ngộ xã hội đối với những phụ nữ có bằng đại học lấy chồng cũng có trình độ đại học. Đối tượng này khi sinh con sẽ được hưởng những phúc lợi xã hội nhiều hơn người khác. Nhưng chính sách này cũng không giải quyết được vấn đề gì. Phụ nữ hiện đại người ta không quá quan tâm đến những chính sách phúc lợi xã hội mà tập trung nhiều vào sự nghiệp, phát triển bản thân toàn diện.
Quan điểm của tôi là không giới hạn tỉ lệ sinh, không phân biệt các đối tượng phụ nữ, không cần chính sách đặc biệt đối với những nhóm phụ nữ nào. Bởi chẳng có gì chứng minh là con của các phụ nữ có học vấn ít sẽ kém thông minh hơn những phụ nữ có học vấn cao hơn.
Thông minh hay không thông minh là do kiến thức xã hội. chính trị văn hóa.
Theo ông chất lượng dân số phụ thuộc vào những yếu tố nào?
Chất lượng dân sỗ là phải có những đầu tư chính sách để cải thiện được điều kiện sống, sức khỏe, trình độ văn hóa, cơ hội việc làm, thăng tiến, cơ hội tham gia xã hội. Tất cả những vấn đề đó tạo nên chất lượng dân số. Nhưng cái đó phải làm cho tất cả, thậm chí phải đầu tư, khuyến khích cho những nơi có lao động đang khó khăn như những vùng sâu, vùng xa cần được hỗ trợ về y tế, giáo dục, văn hóa để có thể nâng họ lên so với những khu vực khác. Cho nên vấn đề nâng cao dân số là cả một vấn đề tổng thể từ kinh tế, chính trị, văn hóa, chính sách chương trình, vận động toàn xã hội tham gia nhưng không phân biệt vùng miền, bằng cấp.
Tình trạng già hóa dân số sẽ dẫn đến những hệ lụy như thế nào, thưa ông?
Rất nhiều hệ lụy, trong đó có những nguyên nhân chính: Một lực lượng không lao động tăng cao. Dân số bị già hóa đông đảo, nhóm trong độ tuổi lao động giảm mạnh. Lứa tuổi lao động phải tạo ra của cái vật chất để hỗ trợ người cao tuổi. Như vậy, một người lao động phải gánh 1,5 - 2 người phụ thuộc, đây là một gánh nặng rất lớn, không chỉ với người lao động mà còn với các chính sách an sinh, xã hội cũng phải phình lên rất nhiều về mặt y tế, chăm sóc, lương hưu. Những vấn đề này sẽ đè nặng lên ngân sách, nguồn lực của nhà nước.
Dân số già khiến nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam có nguy cơ thiếu lao động.
Dân số bị già hóa là thực trạng của nhiều nước trên thế giới
Đây là thực tế mà nền dân số nước trong khu vực châu Á đang gánh chịu như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản trong đó Hàn Quốc là nước tương đồng về lịch sử với Việt Nam, trải qua chiến tranh, mức sinh cao. Giống như Việt Nam, mức sinh của họ giảm ngoạn mục chỉ sau 2 thập kỷ đã đạt mức sinh thay thế (từ 6 con/phụ nữ xuống 2,1). Tuy nhiên, sau đó mức sinh này liên tục giảm. Thực tế là từ năm 1996, Chính phủ Hàn Quốc đã ngừng kiểm soát mức sinh khi nó tụt xuống chỉ còn 1,6. Quyết định này được đưa ra sau 13 năm đạt mức sinh thay thế. Nhưng bất chấp những cố gắng của chính phủ, thậm chí là với những chính sách khuyến khích sinh “hào phóng”, họ vẫn thất bại trong việc vực mức sinh.
Xin cám ơn những chia sẻ của ông!
Đào Bích