Chườm lạnh hạ sốt cho trẻ có tốt không?
Sốt cao, co giật ở trẻ khiến nhiều phụ huynh lo lắng và cho rằng nên chườm lạnh để hạ nhiệt độ cho con. Tuy nhiên, việc làm này có thể tiềm ẩn nhiều điều.
Không nên chườm lạnh để hạ sốt cho trẻ
Sốt là một phản ứng của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh như các bệnh nhiễm trùng, cơ thể bị nóng lạnh đột ngột hoặc có những biến đổi về chuyển hóa... Theo Trung tâm Y tế Trường đại học Maryland, sốt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể trên 37,5 độ C.
Với trẻ em dưới 3 tháng tuổi, các bậc phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế nếu thân nhiệt đạt 38 độ C hoặc cao hơn. Còn trẻ từ 3 tháng - 12 tháng tuổi, bố mẹ cho con đi khám bác sĩ khi nhiệt độ cơ thể là 39 độ.
Với trẻ sốt nhẹ nhiệt độ từ 37,5 - 38,5 độ C, bố mẹ không cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay. Khi đó, bố mẹ nên tìm cách hạ sốt cho con bằng làm mát từ bên ngoài cơ thể, đặc biệt là chườm, để bé cảm thấy dễ chịu hơn.
Không ít bà mẹ lấy nước đá cho vào túi nilong, bọc vải bên ngoài, rồi đặt lên trán con để hạ thân nhiệt. Điều này thực sự rất nguy hiểm và mẹ tuyệt đối không nên làm.
Tránh chườm lạnh khi trẻ đang bị sốt (Ảnh minh họa)
Cơ thể trẻ đang nóng, nếu mẹ chườm đá lạnh, nhiệt độ nóng – lạnh chênh lệch quá mức có thể gây bỏng lạnh, khiến trẻ bị suy hô hấp ngay lập tức.
Ngoài ra, biện pháp này làm co mạch, khiến lỗ chân lông không "mở" để thân nhiệt thoát ra ngoài. Mẹ sờ thấy trẻ mát bên ngoài chỉ là cảm giác do đá lạnh mang lại, còn thực tế trẻ vẫn sốt.
Cách hạ sốt tại nhà cho trẻ
Vệ sinh tay, để trẻ nằm ngửa trên giường, cởi bỏ bớt và nới rộng quần áo của trẻ.
Dùng khăn nhúng vào chậu nước, vắt ráo nước và lau toàn thân cho trẻ, chủ yếu tại các vị trí: trán, nách, bẹn, lòng bàn tay, bàn chân. Có thể đặt khăn trên trán, 2 bên hõm nách và 2 bên bẹn của trẻ.
Khi khăn bớt ấm, nhúng lại vào chậu nước, vắt ráo nước và lặp lại hành động như trên cho đến khi nhiệt độ giảm.
Khi nước ở trong chậu hết ấm thì thay chậu nước khác hoặc cho thêm nước nóng, kiểm tra lại nhiệt độ của nước và lau người tiếp cho trẻ. Đo lại thân nhiệt của trẻ sau mỗi 15 - 30 phút chườm để kiểm tra sự thay đổi của nhiệt độ. Dừng chườm cho trẻ khi nhiệt độ thấp hơn 37,5 độ C. Lau khô người và mặc lại quần áo mỏng cho trẻ .
Cha mẹ cần lưu ý: khi chườm cho trẻ động tác phải nhẹ nhàng, tránh chà xát làm tổn thương da, gây đau rát, mẩn đỏ. Cho trẻ uống nhiều nước để hạn chế tình trạng mất nước.