Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam: "Dân số có bền vững thì gia đình mới hạnh phúc"
Với góc nhìn của một chuyên gia, một nhà quản lý, TS Nguyễn Bá Thủy, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam đã chia sẻ với báo Gia đình Việt Nam bài viết sâu sắc về dự thảo Luật dân số. Chúng tôi xin giới thiệu để bạn đọc cùng có những trải nghiệm và suy ngẫm.
Trước hết phải nói đến Quyền sinh sản là quyền quyết định tự nguyện và có trách nhiệm về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Với định nghĩa trên, quyền sinh sản phù hợp với các quyền con người cơ bản đã được chấp nhận trong luật pháp Quốc gia, trong các văn bản nhân quyền quốc tế đã được thông qua tại Liên Hiệp Quốc Tuyên bố của Hội nghị quốc tế về quyền con người (Teheran-1968) xác định: “Cha mẹ có quyền cơ bản để quyết đinh một cách tự nguyện vá có trách nhiệm về số con và khoảng cách giữa các lần sinh của mình”.
Quyền sinh sản cũng đã được khẳng định tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và phát triển họp tại Cairo năm 1994 mà Việt Nam đã tham gia và ký kết.
Để thực hiện quyền sinh sản, mọi người cần phải cân nhắc nhu cầu số con trong hiện tại và tương lai cũng như trách nhiệm của mình trước nhà nước, xã hội và cộng đồng. Khuyến khích việc thực hiện các quyền này một cách có trách nhiệm là nhiệm vụ cơ bản của chính sách và chương trình liên quan đến SKSS bao gồm KHHGĐ. Quy mô gia đình ít con là chuẩn mực xã hội trong công tác DS-KHHGĐ, chuẩn mực này đã được xây dựng và thực hiện từ chính sách dân số đầu tiên là quyết định 216-CP với mục tiêu của cuộc vận động là “hướng tới quy mô gia đình ba con” trong giai đoạn 1961 – 1975; chỉ thị 265/CP với mục tiêu vận động cho giai đoạn 1978 - 1991 là đẻ ít từ 2-3 con; đẻ muộn (từ 20 tuổi trở lên) và đẻ thưa (cách nhau từ 3 đến 5 năm). Nghị quyết TW4(Khóa VII) đề ra mục tiêu cho đến 2015 là mỗi gia đình chỉ có một hoặc hai con. Pháp lệnh số 08/2008/UBTVQH12, ngày 27-12-2008 sửa đổi điều 10 các pháp lệnh dân số cũng quy định: Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân là sinh từ một hoặc hai con.
TS Nguyễn Bá Thủy - Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam
Thực hiện KHHGĐ nhằm mục đích xây dựng, gia đình ít con, khỏe mạnh tạo điều kiện để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và xây dựng đất nước phồn vinh. Chuẩn mực quy mô gia đình ít con được xây dựng và thực hiện với từng giai đoạn cụ thể, trong đó gia đình ít con đã được xây dựng và thực hiện trong hơn 50 năm qua nhất là từ khi có nghị quyết TW4 (Khóa VII) “tự nguyện chỉ sinh từ 1-2 con để nuôi dạy cho tốt, vì hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phồn vinh của đất nước”, đã được đại đa số nhân dân chấp nhận, hưởng ứng. Chúng ta đã đạt được mức sinh thay thế vào năm 2005 và từ đó đến nay đang duy trì mức sinh thay thế trong vòng 10 năm.
Từ những phân tích trên, Luật Dân số sắp tới cũng không cần quy định cụ thể về số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân. Việc sinh từ 1-2 con vẫn là một mục tiêu của cuộc vận động, tuyên truyền và giáo dục để người dân tự quyết định số con một cách có trách nhiệm.
Các chuyên gia về dân số rất tâm đắc với những lập luận, lý lẽ đưa ra 5 bài học kinh nghiệm từ các nước trong chính sách phát triển dân số của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân và đề xuất của GS cần đổi tên Chương trình mục tiêu Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình thành chương trình mục tiêu quốc gia “Dân số bền vững và gia đình hạnh phúc”.
Dân số vàng vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam
Trong những thập niên tiếp theo, Việt Nam phải đáp ứng nhu cầu của dân số quy mô lớn (trên 100 triệu người, đất nông nghiệp giảm, quốc gia sẽ có nguy cơ lớn từ sự biến đổi của khí hậu, vấn đề an ninh, lương thực cho một nền dân số đồ sộ). Ngoài ra chúng ta còn phải đối mặt với những vấn đề của việc già hóa dân số, tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng tăng cao, chất lượng dân số thấp và cơ cấu dân số có nhiều thay đổi. Thách thức tụt hậu trong chất lượng cuộc sống thể hiện qua GDP bình quân đầu người so với các nước trong khu vực.
Vì vậy, để tận dụng cơ hội và hạn chế những thách thức trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, VN phải giải quyết toàn diện các vấn đề dân số, chuyển hướng chính sách dân số từ chỗ chỉ đạt trọng tâm vào kiểm soát sinh sang trọng tâm gắn dân số với tất cả các mặt của sự phát triển, chuyển chính sách dân số VN từ chủ yếu là KHHGĐ sang chăm sóc SKSS toàn diện, có chất lượng và những vấn đề khác như di dân, cơ cấu dân số. Vấn đề cơ hội “dân số vàng” cần được đặt đúng vị trí trong mọi tính toán chiến lược kinh tế - xã hội, đi theo hướng ưu tiên tạo nhiều việc làm. Giáo dục đào tạo phải trở thành một yếu tố có tầm chiến lược đặc biệt và lâu dài, phải được nhấn mạnh theo hướng phổ cập, dạy nghề, đại chúng và chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nhằm tận dụng số lượng lao động dồi dào một cách có hiệu quả nhất.
TS Nguyễn Bá Thủy