Chân dung triệu phú gốc Việt và thương vụ mua tháp Eiffel
Thông tin nhà triệu phú gốc Việt Chuc Hoang mua tháp Eiffel đang là mối quan tâm của nhiều người trong những ngày qua. Tuy nhiên, mới đây xuất hiện thêm nhiều thông tin cho rằng sự việc nói trên không hoàn toàn đúng.
Chân dung nhà triệu phú gốc Việt Chuc Hoang
Được biết đến với danh hiệu "Chuc Hoang, nhà triệu phú của tháp Eiffel", doanh nhân 70 tuổi này là người gốc Thái Bình, qua Pháp từ năm 1961. Với thành tích xuất sắc, ông đã được học ở những ngôi trường danh tiếng nhất của Pháp như Saint-Louis, Polytechnique Paris.
Ông Chuc Hoang và tháp Eiffel (Ảnh: Phap luat TP HCM) |
Trong nhiều thập niên, ông Chuc Hoang sống ẩn mình sau các công ty hoạt động âm thầm như Tổng Công ty Thương mại Phương Đông, Công ty MI29 (nhà đầu tư 29) hay Quỹ địa ốc Wilson.
Những năm gần đây, ông Chuc Hoang đã bắt đầu tham gia mua cổ phần của các công ty có đăng ký trên thị trường chứng khoán như Bigben Interactive (doanh nghiệp Pháp chuyên phân phối phụ tùng thiết bị trò chơi điện tử và trò chơi điện tử ở châu Âu).
Ông đã được đưa vào danh sách 200 doanh nhân giàu nhất nước Pháp do Tạp chí Challenges bình chọn với tài sản ước tính lên tới 290 triệu euro.
Mới đây, trên nhiều tờ báo Pháp, vị đại gia gốc Việt này đang gây "sốt" vì thương vụ đặc biệt nhất trong 70 năm cuộc đời , với mục tiêu mua lại Société d'Exploitation de la Tour Eiffel (SETE) - công ty đang thay mặt chính quyền thành phố Paris quản lý biểu tượng văn hóa nổi tiếng nhất của nước này.
Được biết, doanh nhân Chúc Hoàng bắt đầu quan tâm đến Công ty tháp Eiffel từ cuối năm 2012 và cho đến nay sở hữu 30,74% cổ phần.
Thực hư chuyện đại gia người Pháp gốc Việt mua tháp Eiffel
Theo thông tin mới đây nhất về thương vụ mua bán nói trên thì tin đồn triệu phú người Pháp gốc Việt muốn mua lại tháp Eiffel là hoàn toàn sai lạc.
Công ty Tháp Eiffel cho hay : Công ty này đúng là do kỹ sư Gustave Eiffel thành lập năm 1889 để quản lý tháp Eiffel nhưng quyền quản lý đã được trao lại cho chính quyền thành phố Paris từ năm 1979.
Société de la Tour Eiffel ngày nay tuy vẫn còn thừa hưởng cái tên nhưng hoàn toàn không còn dính dáng gì đến tháp Eiffel nữa. Hiện công ty này chuyên kinh doanh địa ốc và đang rất lao đao vì những khoản nợ chồng chất dù sở hữu không ít bất động sản ở Paris.
Theo website chính thức của tháp Eiffel (www.toureiffel.paris), quyền quản lý và khai thác kinh doanh biểu tượng này đang được Tòa thị chính Paris trao cho Société d’Exploitation de la Tour Eiffel (SETE - Công ty Khai thác tháp Eiffel), với 59,9% cổ phẩn do thành phố Paris nắm và 40% cổ phần còn lại thuộc các tập đoàn khác (Dexia Crédit Local, Eiffage, Safidi SA, Ufipar, Unibail Participations…).
Với 7 triệu lượt khách du lịch/năm tại tháp Eiffel, vai trò chính của SETE là bảo trì, tu sửa cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh, quản lý các dịch vụ có liên quan…SETE và Société de la Tour Eiffel là hai công ty khác nhau hoàn toàn.
Thanh Hảo (tổng hợp)