6 điều cha mẹ ít biết về chứng trầm cảm ở trẻ
Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở trẻ nhỏ rất khó nhận biết. Do đó, nhiều cha mẹ đã không chú ý đến những biểu hiện trầm cảm của con.
Bệnh thậm chí sẽ nguy hiểm hơn nếu cha mẹ không có những hiểu biết và đánh giá cần thận về bệnh. Vì thế, 6 điều ít được biết đến về trầm cảm ở trẻ dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về căn bệnh này.
1. Bệnh phổ biến hơn chúng ta nghĩ
Mọi người có suy nghĩ trầm cảm không phải là một căn bệnh thường gặp ở trẻ em, nhưng giờ đây nó đang ngày một phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là ở độ tuổi lên 5, 6. Bác sĩ Robert L. Hendren, cựu chủ tịch của Viện tâm thần học Trẻ em và Vị thành niên (AACAP) của Mỹ đã ước tính cứ 20 trẻ em và thanh thiếu niên thì có 1 em luôn cảm thấy chán nản. "Một cách khác dễ hiểu là trung bình mỗi lớp học sẽ có một trẻ mắc bệnh trầm cảm" – ông nhấn mạnh.
Việc biết được khi nào một đứa trẻ bị trầm cảm không đơn giản chỉ thể hiện qua việc chúng không vui vẻ. "Nỗi buồn của người bình thường thì đến và đi khi liên quan đến một sự việc"- bác sĩ Hendren, giám đốc của Viện Tâm thần học Trẻ em và Vị thành niên tại Đại học California, San Francisco chia sẻ - "Còn với những trẻ trầm cảm, nỗi buồn giống như một đám mây đen luôn treo lơ lửng trên đầu các con, gây ra cảm giác u ám, khó chịu và không hứng thú."
Vì trầm cảm ở trẻ em không được cha mẹ chú ý đến nên nó có thể dễ dàng bị bỏ qua. Thậm chí nhiều bác sĩ tâm lý học phủ nhận trầm cảm bởi họ cảm thấy trẻ em còn quá ít tuổi cảm thấy chán nản. Do đố nhiều trường hợp không được chẩn đoán đúng cho đến tận bảy năm sau đó.
Bệnh nào đi chăng nữa cùng cần được đánh giá thực sự cẩn thận và điều trị thích hợp. Tin tốt hiện nay là chúng ta đã có những biện pháp có thể giúp hầu hết trẻ em và thanh thiếu niên thoát khỏi căn bệnh này.
2. Trầm cảm có thể di truyền
Nhiều nghiên cứu cho thấy 25% trẻ có cha mẹ đã bị trầm cảm lâm sàng cũng sẽ bị trầm cảm theo. Nếu cả hai bố mẹ bị trầm cảm thì nguy cơ mắc bệnh ở trẻ tăng lên khoảng 75%.
Các nhà khoa học tuy chưa tìm ra nguyên nhân chắc chắn cho điều này, nhưng một giả thuyết cho rằng những đứa trẻ này chịu một thương tổn di truyền, và càng trầm trọng thêm bởi môi trường áp lực. Nhưng nhớ rằng gen không phải là yếu tố quyết định vì ngay trong một gia đình đông con có một trẻ trầm cảm thì không phải lúc nào đứa trẻ kia cũng bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này.
3. Bị che lấp hoặc giống một căn bệnh khác
"Khoảng 40% trẻ em và thanh thiếu niên bị trầm cảm cũng có rối loạn lo âu như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và khoảng 1/4 thiếu sự chú ý như rối loạn tăng động (ADHD). Các chuyên gia không biết những chứng bệnh này liên quan đến nhau như thế nào, nhưng họ biết rằng khi những biểu hiện này cùng tồn tại, rất khó để điều trị từng bệnh một.
Các triệu chứng có thể chồng chéo lên nhau, làm cho các triệu chứng khó xác định hơn, hoặc thuốc được kê sẽ không hiệu quả. Đó là lý do tại sao một số chuyên gia sức khỏe tâm thần cho rằng khi chẩn đoán trầm cảm ở trẻ phải đánh giá các rối loạn khác, và ngược lại.
4. Dễ bị kích thích có thể là một triệu chứng quan trọng
Sự khác biệt lớn nhất giữa các triệu chứng của người lớn và trẻ nhỏ là trong khi người lớn thường buồn bã và thu hẹp mình thì trẻ nhỏ dễ dàng cáu gắt hơn và có thể bùng phát bất hợp lý. Trẻ em có thể không nhận thấy chúng đang cảm thấy chán nản. Chúng không biết xác định cảm giác này như thế nào để bày tỏ qua lời nói.
5. Chẩn đoán và điều trị sớm là “chìa khóa” của thành công
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trầm cảm không được điều trị kéo dài có thể thay đổi hình dạng của bộ não. Ví dụ, bộ não sẽ thu nhỏ vùng hải mã, nơi điều chỉnh cảm xúc. Và trầm cảm có thể sẽ tăng thêm trầm trọng nếu trẻ gặp các vấn đề trong trường học, lạm dụng thuốc, thậm chí hơn là tự làm tổn thương bản thân và tự tử khi không được giúp đỡ kịp thời. Vì vậy, nếu bạn nghi ngờ con mình bị trầm cảm, tốt hơn hết hãy đưa con đến bác sĩ càng sớm càng tốt.
6. Các phương pháp điều trị trầm cảm ở trẻ em phức tạp hơn so với người lớn
Các bác sĩ sử dụng cùng phương án điều trị cơ bản cho cả hai nhóm tuổi: người lớn và trẻ em. Những người tham gia phải thay đổi tất cả mọi thứ từ cách sống (tập thể dục nhiều hơn, ăn uống tốt hơn) tới các liệu pháp hành vi nhận thức, trong đó tập trung vào việc phát triển những cách thực tế, thiết thực nhằm đối phó với những suy nghĩ và phản ứng trầm cảm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy không nhiều trẻ em và thanh thiếu niên đáp ứng được với liệu pháp điều trj này. Tuy nhiên, tùy thuộc vào độ nặng nhẹ của trầm cảm và thời gian bị bao lâu mà cần đến sự giúp đỡ cần thiết của thuốc tâm lý.