Cá độ bóng đá nghìn tỷ: Tiền mất, đối diện án phạt tù chục năm
Chuyên gia pháp lý cho biết, bên cạnh việc bị xử lý hình sự, cơ quan tố tụng còn có thể áp dụng biện pháp tịch thu tài sản và phạt tiền đối với các đối tượng tổ chức đánh bạc và đánh bạc.
Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội vừa triệt phá đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá, lô đề lên tới 1.000 tỷ đồng.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự phát hiện đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên do 2 đối tượng Nguyễn Mạnh Long (SN 1991) và Vũ Mạnh Dũng (SN 1981; cùng trú tại Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cầm đầu.
Lực lượng chức năng đã tiến hành bắt giữ các đối tượng gồm: Nguyễn Mạnh Long, Vũ Mạnh Dũng, Bùi Xuân Thành (SN 1977, trú tại Tân Bình, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương), Bùi Quang Huy (SN 1986, trú tại Phương Lâm, TP. Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình) và Vũ Thị Hảo (SN 1976; trú tại Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Các đối tượng trong đường dây đánh bạc bị bắt giữ (Ảnh: CA)
>>>Đường dây lô đề, cá độ bóng đá nghìn tỷ của thanh niên 9X bị đánh sập như thế nào?
Căn cứ tài liệu điều tra và lời khai của các đối tượng, Phòng Cảnh sát hình sự ước tính số lượng tiền đánh bạc, tổ chức đánh bạc, tính từ đầu năm 2020 đến nay là khoảng gần 1.000 nghìn tỷ đồng.
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng vụ việc các đối tượng đánh bạc ngàn tỷ bị phát hiện, bóc gỡ khiến nhiều người bất ngờ bởi khả năng thu lợi bất chính từ hoạt động phi pháp này.
Qua một số vụ án đánh bạc ngàn tỷ bị bóc gỡ trong thời gian gần đây cho thấy hoạt động đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên mạng internet của nhiều đối tượng thực hiện rất tinh vi, chuyên nghiệp và rất chặt chẽ.
Tuy nhiên, hành vi phạm pháp sẽ có chỗ hở, cơ quan chức năng có thể nhìn vào khối tài sản tăng lên nhanh chóng trong khi đó việc nộp thuế và ngành nghề kinh doanh không hiệu quả để có những nghi ngờ, điều tra, xác minh thực sự của nguồn thu nhập từ đâu, trên cơ sở đó có thể phát hiện và xử lý vi phạm.
Lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ các đối tượng trong đường dây (Ảnh: CA)
Trong thời gian ngắn các đối tượng tổ chức đánh bạc có thể kiếm được ngàn tỷ trong khi đó mức hình phạt cao nhất của tội danh này chỉ đến 10 năm tù. Vì ham lợi nhuận mà nhiều đối tượng đã bất chấp pháp luật đứng ra tổ chức đánh bạc để làm giàu bất chính.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 thì hành vi đánh bạc sẽ phải chịu mức án cao nhất là 7 năm tù, hành vi tổ chức đánh bạc phải chịu mức án cao nhất là 10 năm tù.
"Như vậy, trong vụ việc nêu trên, với hành vi đánh bạc ngàn tỷ, thủ đoạn tinh vi, thu lợi bất chính lớn thì các đối tượng tổ chức đánh bạc trong vụ án này có thể phải đối diện với mức án cao nhất theo quy định tại khoản 2, điều 322 Bộ luật Hình sự lên đến 10 năm tù. Tất cả những tài sản do phạm tội mà có thì đều bị tịch thu, xung công quỹ nhà nước", Luật sư Cường nói.
Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng còn có thể áp dụng biện pháp tịch thu tài sản và phạt tiền đối với các đối tượng tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Với các đối tượng tham gia đánh bạc thì mức hình phạt cao nhất mà các đối tượng có thể đối mặt có thể lên đến 7 năm tù.
Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định Tội đánh bạc như sau:
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 322 quy định về Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tổ chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
b) Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần có giá trị 20.000.000 đồng trở lên;
c) Tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; phân công người canh gác, người phục vụ, sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
d) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương, tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.