Báo động tình trạng vô sinh và vô sinh thứ phát tại Việt Nam
Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên và thành niên tại Việt Nam còn cao. Vì thế tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang trở thành vấn đề đáng báo động.
TS. Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng TCDS-KHHGĐ tại Hội thảo hưởng ứng Ngày Tránh thai Thế giới 26/9/2021.
Chia sẻ tại hội thảo “Chủ động tránh thai - vững vàng tương lai!” do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình (DS-KHHGĐ) tổ chức nhân kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Tránh thai Thế giới (26/9), TS. Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đã nói nhiều đến công tác dân số tại Việt Nam và nhấn mạnh những lợi ích của phòng tránh thai mang lại.
Theo TS. Phạm Vũ Hoàng, lợi ích đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là chủ động trong việc sinh con. Lợi ích của việc phòng tránh thai sẽ giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như chủ động về thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra.
Việc tránh thai giúp mỗi người trong độ tuổi sinh đẻ cả nam lẫn nữ trở thành những cha mẹ có trách nhiệm. Ngành Dân số và các ngành liên quan cần truyền thông để nâng cao ý thức làm cha mẹ có trách nhiệm cho mỗi người dân.
Lợi ích thứ hai là tránh được những tai biến sản khoa và tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhờ việc không sinh con sớm, quá dày, quá nhiều, đặc biệt khi người phụ nữ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn sinh lý sẽ hạn chế được các tai biến cho bà mẹ và thai nhi.
"Chủ động tránh thai - vững vàng tương lai" là chủ đề được quan tâm nhân Ngày Tránh thai Thế giới năm nay
Lợi ích thứ ba là nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Lợi ích của việc phòng tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều. Từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn.
Nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình. Do có sức khỏe, văn hóa và kinh tế tốt, chị em phụ nữ và các cặp vợ chồng có đủ điều kiện để thực hiện quyền hưởng thụ và bồi dưỡng sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49) vẫn tiếp tục gia tăng.
Nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng. Hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân.
Tuy nhiên, các kết quả điều tra cho thấy nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại ở phụ nữ độ tuổi 15-24 là 29,6%. Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên và thành niên còn cao. Tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng.
Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Lan Hương - Giám Đốc Y khoa đại diện Công ty Bayer Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Xuất phát từ thực tế trên, trong thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về KHHGĐ vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số. Đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai, đảm bảo tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau.
Tình trạng vô sinh đang trở thành nỗi lo của xã hội (Ảnh minh họa)
Phát biểu tại Hội thảo, Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Lan Hương - Giám Đốc Y khoa đại diện Công ty Bayer Việt Nam cho biết, chăm sóc sức khỏe phụ nữ là một phần quan trọng trong tầm nhìn “Người người khỏe mạnh” của Bayer. Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, việc nâng cao nhận thức và kiến thức về KHHGĐ lại càng đặc biệt quan trọng.
"Khi hiểu rõ các biện pháp tránh thai, chị em phụ nữ sẽ luôn chủ động được việc mang thai và sinh con theo kế hoạch để bảo vệ sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, chúng tôi đã và sẽ luôn nỗ lực đồng hành cùng các hoạt động về KHHGĐ để đảm bảo không một phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào", Bác sĩ Trần Thị Lan Hương chia sẻ.