Thứ tư, 15/05/2024 18:37
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ hai, 24/04/2017 14:25

Bà giáo già 19 năm dạy học miễn phí cho trẻ khuyết tật

19 năm qua “bà giáo già” 85 tuổi Hồ Hương Nam vẫn ngày ngày bám lớp, bám học sinh để dạy cho các em con chữ.

Không học phí, thậm chí cô giáo còn bỏ tiền mua đồ dùng học tập còn cho học sinh. Ấy thế mà, 19 năm qua “bà giáo già” 85 tuổi Hồ Hương Nam vẫn ngày ngày bám lớp, bám học sinh để dạy cho các em con chữ. Và thật cảm động là, tất cả các học sinh của bà đều mang trong mình một căn bệnh khó chữa.

Bất ngờ đến khó tin khi gặp “bà giáo già”

ba-giao-gia-19-nam-day-hoc-mien-phi-cho-tre-khuyet-tat-giadinhonline.vn 1

Bà Nam đang dạy các cháu tự kỷ tại trường THCS An Dương

Nhân ngày Thế giới nhận thức về bệnh tự kỷ (2/4), chúng tôi đã tìm về trường THCS An Dương (Quận Tây Hồ - Hà Nội) để tìm hiểu về lớp học tình thương (nơi dạy miễn phí cho các cháu tự kỷ và khuyết tật), cũng như cô giáo đang đứng lớp dạy những học sinh đặc biệt tại đây.

Thế nhưng, buổi chiều khi chúng tôi đến lớp thì được thông báo, lớp nghỉ học. Không gặp được giáo viên, không được chứng kiến lớp học đặc biệt này, chúng tôi xin địa chỉ nhà cô giáo và quyết tâm đến tận nơi để đặt lịch.

Sau khi có địa chỉ chúng tôi đã tìm được tới nhà cô giáo Hồ Hương Nam, cũng ở phường An Dương (quận Tây Hồ). Tới địa chỉ ghi trên tờ giấy, chưa kịp gọi cửa, chúng tôi thấy một bà lão đầu tóc bạc phơ từ trong nhà bước ra. Sau khi giải thích lý do, bà mời chúng tôi vào nhà và nói: “Tôi là Hồ Hương Nam đây, thế các anh định viết gì nào?”. Nghe câu nói đó, chúng tôi đã “đứng hình” và không tin vào mắt mình.

Thế nhưng quả thật, sau khi nghe toàn bộ câu chuyện của bà, chúng tôi mới hiểu được: Vì sao, ở cái tuổi đáng ra phải an dưỡng tuổi già, mà hàng ngày dù mưa hay nắng, bà vẫn đến lớp để dạy con chữ cho các cháu khuyết tật. Qua đó, chúng tôi càng khâm phục hơn về cái tâm, cái tầm của một người giáo viên nhân dân, dù chẳng có huân chương hay sắc phong gì cả.

Lớp học bắt đầu như thời “bình dân học vụ”

ba-giao-gia-19-nam-day-hoc-mien-phi-cho-tre-khuyet-tat-giadinhonline.vn 2

Bà Hồ Hương Nam đang khoe chiếc khăn được học sinh tặng

Câu chuyện của tôi với bà bắt đầu bằng màn giới thiệu bản thân hết sức ngắn gọn. Bà kể: “Quê tôi ở tận xứ Huế, năm 1954 tôi được điều chuyển ra ngoài Bắc dạy học, đến năm 1955 lại một lần nữa tôi được điều vào Quảng Bình và dạy tiểu học ở đó cho đến khi về hưu năm 1979. Sau khi về hưu tôi ra Hà Nội sống với gia đình và bắt đầu tham gia vào các hoạt động xã hội ở địa phương, câu chuyện mở lớp học cho các cháu khuyết tật của tôi cũng bắt đầu từ khi tham gia các hoạt động này”.

“Đầu những năm 1990, tôi tham gia làm công tác dân số ở phường, khi đó phải “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền người dân, trong những lần đến nhà dân ấy, tôi gặp những cháu nhỏ bị khuyết tật trông rất tội nghiệp. Gặp lần 1 thì mình không để ý lắm, nhưng lần 2 – lần 3 thì cảnh tượng, ánh mắt các cháu cứ ám ảnh tâm trí tôi. Khi về nhà, tôi cứ nằm suy nghĩ mãi và quyết tâm phải làm một cái gì nhỏ nhoi cho các cháu”, bà Nam nhớ lại.

Nghĩ là làm, bà Nam đến 2 gia đình ở trong khu dân cư có con khuyết tật để vận động cho con đi học. “Ban đầu, họ từ chối thẳng thừng, bảo tôi bị điên. Dù bị từ chối, nhưng tôi chưa từ bỏ ý định, thậm chí hàng ngày tôi cứ sang vận động, hàng tháng trời như vậy mà chẳng đạt kết quả gì.

Cuối cùng, tôi phải dùng biện pháp trao đổi. Đó là sau 1 tháng dạy, nếu các cháu không tiến bộ tôi sẽ từ bỏ ý định và không bao giờ đến vận động các cháu nữa. Thấy tôi kiên trì thuyết phục, gia đình hai cháu cũng gật đầu đồng ý”, bà Nam nhớ lại những ngày đầu tiên.

Sau khi vận động được hai học sinh đầu tiên, bà lại bắt đầu lo nơi dạy học. Khi đó bà phải dạy nhờ ở bốt tuần tra của công an phường, ngày bà dạy 1 buổi, sau 1 tháng các cháu có những tiến bộ rõ rệt cả về nhận thức lẫn hành vi. Thế là gia đình đã thay đổi cách nhìn và gửi gắm con cho bà dạy dỗ.

Sau 2 năm miệt mài dạy các cháu, tiếng lành đồn xa số học sinh cô giáo Nam nhận đã lên con số 10. Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi bốt công an phá đi để xây nhà văn hóa. Khi đó, bà Nam tưởng chừng phải giải thể lớp học vì không có địa điểm. Nhưng với tình yêu thương các cháu sau vài năm gắn bó, bà đã tự mở một lớp học tại trường mầm non bỏ hoang trong phường.

“Khi đó, trường mầm non chưa cải tạo lại, tôi phải đi nhặt từng mảng gỗ ghép vào thành bàn học để dạy các cháu, nhưng cũng chẳng được lâu, vì chỉ một thời gian sau nhà nước lại đập trường này đi để xây mới”, bà Nam nhớ lại.

Đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, không còn cách nào để duy trì lớp học, năm 2002 bà một mình lên phòng giáo dục quận Tây Hồ, gặp trường phòng giáo dục và đề xuất về việc bố trí 1 lớp học cho các cháu. Mọi thứ thuận buồm xuôi gió khi vị trưởng phòng đồng ý cho bà một phòng học tại trường THCS An Dương. Vậy là, sau gần chục nam phiêu dạt cô giáo Hồ Hương Nam và các cháu học sinh đã có một lớp học đúng nghĩa cho đến tận bây giờ.

Dạy học không giáo án, không phấn bảng

ba-giao-gia-19-nam-day-hoc-mien-phi-cho-tre-khuyet-tat-giadinhonline.vn 3

Bà Nam đau đáu về việc duy trì lớp học sau này

Tính đến thời điểm này, bà Hồ Hương Nam chính thức mở lớp học được 19 năm. Trong 19 năm đó, trải qua nhiều khó khăn, thăng trầm bà đã đào tạo được 62 học sinh. Nhưng điều đặc biệt là khi dạy, mỗi học sinh bà Nam phải soạn một giáo án khác nhau, thậm chí lớp học của bà còn không phấn, không bảng, mỗi học sinh là một bục giảng di động ở trong lớp.

“62 cháu học sinh, giờ đã “ra trường” được kha khá, chỉ còn 17 cháu đang theo học nữa thôi. Các cháu ấy, mỗi người mang một bệnh như: tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, down, câm điếc…Vì thế, mỗi học sinh phải có một giáo án, một phương pháp dạy khác nhau, chứ không thể dạy bằng cách viết bảng như lớp học bình thường được”, bà Nam chia sẻ.

Chính điều đó cũng gây nên không ít khó khăn trong quá trình đứng lớp của bà. Bởi, nhiều khi các cháu đang học bài, lại nhảy lên bàn vì lên cơn tăng động, động kinh. Hay những cháu mắc tự kỷ thì sẵng sàng la hét vào mặt cô giáo khi không vừa ý, còn những cháu bị khuyết tật lại có những nỗi khổ riêng.

“Những ngày đầu mới mở lớp, có ai dám vào thăm các cháu đâu, vì lớp học khi đó quá nặng mùi. Nhưng rồi, qua quá trình dạy học và tiếp xúc, tôi hiểu được bệnh, hiểu được tính cách của từng cháu, vì thế công tác vệ sinh dễ dàng hơn”, bà Nam cho hay.

Qua câu chuyện trên, chúng tôi cũng đã mường tượng được những vất vả mà bà giáo già phải trải qua, nhưng một suy nghĩ lại lóe lên trong đầu và chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi về việc, những trẻ tốt nghiệp ra trường là như thế nào?

Với nụ cười hiền, bà Nam đáp: “Nói là ra trường cho oai, chứ lớp học này tôi vừa là hiệu trưởng, vừa là lao công. Việc cho các cháu lên lớp, ra trường là để động viên, khích lệ các cháu phấn đấu mà thôi”.

Theo đó, mục tiêu bà Nam đặt ra khi mở lớp là làm sao cho những cháu bị khuyết tật có thể tự đọc, tự viết và tự tính toán được là sẽ cho các cháu ra trường. Thậm chí, nhiều cháu chưa muốn ra trường, nhưng bố mẹ phải chuyển nơi ở khác cũng phải chia tay lớp để theo gia đình. Hay có những cháu, dù đọc, viết, tính toán thông thạo, cho ra trường nhưng nhất định không ra và ở lớp đã 19 năm nay.

Những kỷ niệm đáng nhớ và nỗi lo còn mãi

Gắn bó với lớp học suốt gần 20 năm, bà giáo già Hồ Hương Nam dù tuổi đã cao nhưng cái tâm, cái tình không cho phép bà dừng lại. Bà nói: “Giờ cơ sở vật chất được chính quyền quan tâm không còn phải xếp ván thành bàn để học như ngày xưa nữa, nhưng tôi tuổi đã cao cũng muốn tìm người thay mình mà khó quá. Nếu mình buông xuôi thì các cháu sẽ ra sao đây? Câu hỏi này khiến tôi đau đáu và không thể từ bỏ công việc này”.

Qua câu chuyện của bà, chúng tôi nhận thấy trong trái tim, suy nghĩ của bà luôn dành hết tình yêu thương cho “lũ trẻ”. Tình yêu thương đó được thể hiện qua hành động “khoe” chiếc khăn của một cháu mắc bệnh tự kỷ tặng bà, hay thậm chí khi nhớ lại những kỷ niệm cũng khiến bà rơi nước mắt vì vui sướng.

“Sướng lắm các anh ạ. Đời tôi dạy tiểu học mấy chục năm, nhưng cũng không có kỷ niệm nào như khi tham gia dạy các cháu mắc bệnh ở đây. Đó là dịp 20/11, các cháu không ai bảo ai, mỗi người một bông hoa ùa lên tặng bà nhân ngày nhà giáo.

Hay như những lần “trái nắng, giở giời”, bệnh người già tái phát, tôi đến lớp trong tâm trạng không được khỏe, các cháu hiểu được đã lên nói chuyện động viện, đứa đấm lưng, đứa bóp vai, đứa thì “nịnh” bằng cách hôn lên trán…Những kỷ niệm đó không thể tìm được trong những lớp học bình thường”, cô giáo Hương Nam nói.

Dẫu biết, tình yêu thương của cô giáo Nam với các em học sinh là vô bờ bến, nhưng “sinh lão bệnh tử” đã là quy luật tự nhiên và chính bản thân “bà giáo” cũng nhận thấy rõ điều này. Chính vì thế, hàng chục năm nay bà luôn tìm người với hy vọng kế thừa “di sản” mà bà để lại.

“Xã hội bây giờ, chẳng có ai làm không công đâu các anh ạ. Với họ, dạy học là phải có tiền, phải có thù lao…chính vì thế, tôi rất lo lắng, bởi khi tôi về với tổ tiên, số phận những cháu nhỏ sẽ ra sao, lớp học sẽ ra sao?...”, bà Nam trầm giọng tâm sự.

Quả thật, những câu hỏi trên của “bà giáo” khiến chúng tôi đến lúc ra về vẫn còn đau đáu, không biết sau cô giáo Nam, lớp học tình thương ấy sẽ như thế nào?

→ Niềm vui của bố mẹ giản dị mà thân thương...

Lê Đình

Tags:
  • Tin liên quan
Người nghèo mua Lamborghini
Trường quốc tế gần 200 năm tuổi của Anh tại Vinhomes Ocean Park có gì?
Tự ý rủ hàng xóm tiêm mật gấu chữa xương khớp
Ôn thi giữa nắng nóng kỷ lục: Làm gì giúp sĩ tử tươi mát mỗi ngày để ôn bài hiệu quả?
Vì sao lau nhà xong thường ngửi thấy mùi tanh?
Vietcombank dẫn đầu tại ba cuộc thi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Làm gì để bản thân luôn tươi mát giữa mùa thi nắng nóng kỷ lục?
Gần 200.000 sản phẩm nước tinh khiết, 620 khối nước ngọt tiếp tục đến tay người dân Bến Tre, Tiền Giang
Sĩ tử hối hả làm mát cơ thể trước nắng nóng mùa cao điểm ôn thi
Hạnh phúc khi còn mẹ
Giúp sĩ tử làm mát cơ thể để tăng tốc ôn thi dưới “chảo lửa” mùa hè
4 sai lầm làm tủ lạnh dễ hỏng khi sử dụng trong mùa hè
Nhiều hoạt động xã hội của SHB tại Điện Biên
T&T Group trao tặng 5 tỷ đồng hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho người nghèo tỉnh Điện Biên
Nữ bác sĩ bệnh viện K gặp tai nạn hi hữu, nguy cơ bị liệt 2 chân
Ngược biên giới gặp anh nông dân hiến tặng 4.000m2 đất xây trường
Cô gái Lào 'hồi sinh' trên giường bệnh viện Bạch Mai
Hình ảnh ấn tượng tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Bật điều hòa trước hay sau khi đóng cửa?
Chuyện rơi nước mắt sau ngôi mộ 2 chị em người Trung Quốc trôi dạt vào biển Hà Tĩnh
Xem thêm