Thứ bảy, 27/04/2024 17:26
|
Hà nội 21*C/61%
Chủ nhật, 11/09/2022 05:30

9X bỏ phố về quê làm nông nghiệp sạch

Đang có công việc ổn định nhưng chị Võ Thị Nhung Nhi (27 tuổi, ở xã Đăk Mar, H.Đăk Hà, Kon Tum) vẫn quyết định trở về quê khởi nghiệp với mô hình nông nghiệp sạch.

“Bỏ phố” về quê

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại xã Đăk Mar (H.Đăk Hà, Kon Tum) nên chị Võ Thị Nhung Nhi hiểu rõ nỗi nhọc nhằn của những người làm nghề nông. Với khát khao cống hiến sức lực của mình cho gia đình, quê hương nên Nhung Nhi quyết tâm thi đậu vào trường đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành marketing.

Năm 2018, sau khi tốt nghiệp đại học Nhung Nhi ở lại Thành phố Hồ Chí Minh và làm việc trong một công ty truyền thông. Dù có công việc ổn định với mức thu nhập tốt nhưng cuộc sống huyên náo nơi Sài thành hoa lệ vẫn không giữ chân Nhung Nhi được lâu. Tháng 3/2022, Nhung Nhi quyết định rời thành phố về quê làm nông nghiệp trong sự ngỡ ngàng của mọi người.

Bo-pho (11)

Bỏ phố về quê, Nhung Nhi quyết tâm tìm cho mình lối đi riêng khi khởi nghiệp làm nông nghiệp sạch.

“Trước khi vào Nam học tập, mình đã tự đặt ra câu hỏi rằng bản thân vào thành phố học tập để làm gì, nhằm mục đích gì. Và câu trả lời là vì những mong ước của bản thân và khát khao góp sức lực để phát triển tiềm lực gia đình, rộng hơn là đem những nông sản, đặc sản của mảnh đất Kon Tum đi xa hơn”, Nhung Nhi nhớ lại.

Lúc rời Thành phố Hồ Chí Minh để về quê làm nông nghiệp, cả người thân và bạn bè đều cảm thấy bất ngờ và tiếc nuối thay cho chị vì nỡ rời bỏ cơ hội phát triển tại mảnh đất hiện đại bậc nhất đất nước.

Thế nhưng không để những tác nhân bên ngoài ảnh hưởng đến quyết định của mình khi "bỏ phố về quê", Nhung Nhi nhận ra bản thân yêu thích cây cối, gần gũi với thiên nhiên và thích hợp với cuộc sống an yên, bình dị.

Cuộc sống của những người trẻ khi rời phố thị về quê lập nghiệp dù được coi là bình yên hơn thì vẫn không thể thoát khỏi vòng xoáy “cơm áo gạo tiền”. Do đó, Nhung Nhi quyết định khởi đầu công việc với những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đã tích luỹ cùng số vốn tiết kiệm được trong quá trình làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bo-pho (6)

Heo bản – một trong những sản phẩm chủ lực trong mô hình nông nghiệp của Nhung Nhi.

Vạn sự khởi đầu nan, thực tế khắc nghiệt khiến những người trẻ chọn khởi nghiệp nơi quê nhà như Nhung Nhi có thể bị nhấn chìm hết mọi mộng mơ, kỳ vọng bất cứ lúc nào, nếu không có lòng quyết tâm và sự kiên định.

May mắn là gia đình sẵn có hơn 2ha đất nông nghiệp cùng sự hậu thuẫn của cả bố mẹ nên Nhung Nhi như được tiếp thêm động lực để thực hiện ý tưởng của mình. Từ đó, chị vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã học được và tự tạo cơ hội để đi đến hầu hết các tỉnh thành trong nước. Đặc biệt Nhung Nhi đã có cơ hội đến 6 quốc gia là Philippines, Singapore, Malaysia, Indonesia, Campuchia và Hàn Quốc để học hỏi kinh nghiệm làm nông nghiệp.

Trở về với lượng kiến thức phong phú đã có, Nhung Nhi phân chia diện tích đất hơn 2ha thành các phần nhỏ, sau đó ra sức cải tạo, tăng gia sản xuất để làm nên thương hiệu Nông sản – đặc sản Kon Tum.

Khởi nghiệp làm nông nghiệp sạch

Trên diện tích đất sẵn có, Nhung Nhi đã và đang chăm sóc các loại cây trồng, cây ăn quả như cà phê, sầu riêng, chuối, cam, quýt, bơ, ổi. Về vật nuôi cô tập trung chủ yếu với hai loại chính là heo bản và gà rẫy, bên cạnh đó còn có gà, vịt, ngan, ngỗng. Với quy hoạch như vậy, từ khu đất sơ sài chỉ lác đác một số loại cây, dưới sự đầu tư bài bản của Nhung Nhi nơi này dần trở nên phong phú, đa dạng và quy mô hơn.

Bo-pho (7)

Công việc hàng ngày của cô gái 9X trong trang trại rộng 2ha của mình.

Nhung Nhi cho biết, với diện tích đất hơn 2ha của gia đình ngoài chăm sóc, trồng cây cà phê và các loại cây ăn quả chị dành ra quỹ đất để chăn nuôi. Trái cây sau khi thu hoạch, những trái tốt, chất lượng, đẹp sẽ được chọn lựa đem bán tới các tỉnh thành như Kon Tum, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Hà Nội hoặc biếu tặng cho bạn bè, người thân. Những loại với hình thù không được bắt bắt chị tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

“Mình tạo ra một vòng tròn khép kín trong quá trình nuôi trồng. Như vậy, nguồn nguyên liệu vừa tiết kiệm, đảm bảo lại cho ra sản phẩm chất lượng. Đó là cách mình giữ chân khách hàng", chỉ về phía khu vực chăn nuôi, chị Nhi cho hay.

Hiện trang trại của Nhung Nhi có đàn heo bản, gà, vịt hàng trăm con. Cùng với đó là 1.500 gốc cà phê xen canh cùng 400 cây cam, 400 bụi chuối, 200 cây sầu riêng và hàng chục loại cây ăn quả khác như bơ, chôm chôm, đu đủ.

Bo-pho (8)

Sản phẩm heo bản sau sau khi đã được hút khí, đóng gói.

Nói về lý do lựa chọn các nguồn giống cây trồng, vật nuôi, Nhung Nhi vui vẻ cho biết bản thân đều tập trung bắt đầu từ những cái sẵn có, mình làm tốt nhất rồi từ đó mới xây dựng lớn hơn.

"Trước kia gia đình mình có nuôi vài con gà, con lợn chỉ để cải thiện bữa cơm hàng ngày, cũng với diện tích đất đó, gia đình xen canh giữa cây cà phê và số ít cây ăn quả. Dựa trên tiềm năng sẵn có, Nhi lấy nó làm gốc rồi phát triển rộng ra, mạnh lên”, Nhung Nhi chia sẻ thêm.

Trung bình, giá bán các loại trái cây trong mô hình của chị dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Sản phẩm heo bản từ 200.000 – 250.000 đồng/kg, những loại đặc thù ở mức 350.000 đồng/kg. Đỉnh điểm có tháng chị bán được từ 8 tạ - 1 tấn đặc sản heo bản và gà rẫy.

Có nền tảng về kiến thức truyền thông, tiếp xúc và hiểu được tâm lý khách hàng, am hiểu thị trường nông sản nên chị đã linh hoạt điều chỉnh mức giá phù hợp theo từng thời điểm để ai cũng có thể sử dụng sản phẩm mà chị tạo ra.

Dù đang trong thời điểm manh nha phát triển, thế nhưng thương hiệu Đặc sản – nông sản Kon Tum do Nhung Nhi làm chủ đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận nhiệt tình với những phản hồi tích cực.

Nằm trong kế hoạch phát triển mô hình nông nghiệp sạch, Nhung Nhi còn giúp đỡ những hộ gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số có thêm thu nhập bằng cách chia sẻ nguồn giống để họ cùng chăm sóc đồng thời giúp bao tiêu sản phẩm.

Bo-pho (12)

Từ một khu đất sơ sài chỉ lác đác một số loại cây, dưới sự đầu tư bài bản của Nhung Nhi nơi này dần trở nên phong phú, đa dạng và quy mô hơn.

Nói về dự định sắp tới, Nhung Nhi tự đặt ra cho mình hạn định để phát triển mô hình nông nghiệp sạch: “Mình đặt ra mốc 1 năm để phát triển mảnh vườn này. Đó là việc mở rộng quy mô, phát triển số lượng cây trồng, con giống và đi kèm với đó là cho ra những sản phẩm chất lượng, tạo dựng thương hiệu vững mạnh, uy tín”.

Hiện tại, chị đang kết hợp với người thân để xây dựng một cơ sở nuôi chim yến. Chia sẻ thêm, chị Nhi cho biết, sẽ còn đến những vùng đất phát triển để sưu tầm nguồn giống, học hỏi kỹ thuật làm nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cùng với đó là tích hợp một số hoạt động trải nghiệm tại mô hình nông nghiệp dể vừa kích thích sự phát triển vừa đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng.

Là người trẻ dám nghĩ dám làm, Nhung Nhi luôn tâm niệm và khát khao được học hỏi, cống hiến. Với Nhi luôn luôn phải học hỏi, phải trải nghiệm mới biết những gì tốt và không tốt. Luôn tạo cơ hội trải nghiệm để không hối tiếc vì những gì đã làm thay vì tiếc những điều chưa làm.

Thu Hiền  
Mê mẩn góc check-in trên con tàu biểu tượng chim Hạc 
Có gì trên chiếc thắt lưng đắt nhất thế giới giá 1,8 tỷ đồng?
Vì sao máy điều hòa có mùi hôi?
Cùng ngư dân Thanh Hóa thắp sáng đèn trên biển
Gần 1,500 vận động viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng Cúp Nestlé MILO lần thứ VII
Vì sao công nghệ, máy móc ngày càng hiện đại nhưng con người lại bận rộn hơn?
5 lý do nên chọn du học nghề Đức tại Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội
89% khách đi buýt điện là người đi làm
Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng ngày lễ 30/4 - 1/5
Tận mắt xem thợ thủy tinh làm chiếc cốc uống bia hơi huyền thoại
Khuyến cáo 10 biện pháp phòng chống cháy nổ gia đình dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
6 cách tẩy bay mọi vết bẩn trên nệm
Hà Nội thí điểm ứng dụng cảnh báo cháy gắn với định danh số nhà
Hành trình đến Korea Global School của một học sinh Hà Nội
Uống gì để xua tan căng thẳng mệt mỏi trước mùa thi?
Acecook Việt Nam chung tay hỗ trợ trẻ em là con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn với dự án 'Thả lưới ước mơ'
Vì sao ngủ đủ 8 tiếng nhưng đi làm vẫn “gật gà gật gù”?
5 lưu ý phòng chống cháy nổ khi sử dụng điện mùa nắng nóng
Hành trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Hậu Lộc - tỉnh Thanh Hoá
Vụ 2 cháu bé đạp xe xuống Hà Nội tìm mẹ: Thông tin bất ngờ
Xem thêm