7 biện pháp tránh thai hiệu quả cao, được sử dụng nhiều nhất
Lựa chọn biện pháp tránh thai nào để an toàn, hiệu quả lại không ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản, đời sống vợ chồng,… là thắc mắc của nhiều chị em.
Hiện nay, vấn đề mang thai ngoài ý muốn không chỉ gây ảnh hưởng tinh thần mà còn để lại những hậu quả sau sinh. Do đó, các biện pháp tránh thai an toàn luôn là một giải pháp tối ưu cho các gia đình khi chưa sẵn sàng có con.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng khoa khám Sinh đẻ kế hoạch, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, hiện có 7 biện pháp tránh thai phổ biến và hiệu quả được sử dụng nhiều nhất.
Bao cao su
Công dụng của bao cao su không chỉ ngừa thai mà còn bảo vệ chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs).
- Ưu điểm: Dễ sử dụng, hiệu quả ngay lập tức. Không cần kê đơn. Phù hợp với cả nam và nữ.
- Nhược điểm: Có thể gây dị ứng latex. Nguy cơ rách hoặc tuột bao nếu không sử dụng đúng cách.
Thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai hàng ngày chứa hormone estrogen và progestin giúp ngăn ngừa sự rụng trứng.
- Ưu điểm: Ngăn cản rụng trứng, làm mỏng niêm mạc tử cung, không thuận lợi cho việc làm tổ và làm đặc chất nhầy cổ tử cung không cho tinh trùng xâm nhập.
- Nhược điểm: Thuốc phải nhớ uống hàng ngày, có thể gây tác dụng phụ như buồn nôn, tăng cân, thay đổi tâm trạng. Không bảo vệ chống lại bệnh lây qua đường tình dục.
Vòng tránh thai (IUD)
IUD là dụng cụ nhỏ được đặt vào tử cung để ngăn cản sự thụ tinh. Chúng có hai loại chính: IUD đồng và IUD nội tiết.
- Ưu điểm: Hiệu quả cao, kéo dài từ 3 đến 10 năm. Người dùng không cần nhớ uống hàng ngày. IUD nội tiết có thể giảm đau bụng kinh và lượng máu kinh.
- Nhược điểm: Nữ giới cần thủ thuật đặt và tháo vòng bởi bác
sĩ. Chúng có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau bụng, chảy máu không đều
trong vài tháng đầu.
Cấy que tránh thai
Que tránh thai chứa hormone progestin, được cấy dưới da cánh tay và có hiệu quả trong 3 đến 5 năm.
- Ưu điểm: Hiệu quả cao, kéo dài. Người dùng không cần nhớ uống hàng ngày. Khả năng sinh sản phục hồi nhanh sau khi tháo que.
- Nhược điểm: Có thể gây rối loạn kinh nguyệt. Cần thủ thuật cấy và tháo que bởi bác sĩ.
Miếng dán tránh thai
Miếng dán tránh thai cung cấp hormone qua da để ngăn ngừa sự rụng trứng. Cúng được dán lên da mỗi tuần một lần.
- Ưu điểm: Dễ sử dụng, chỉ cần thay miếng dán mỗi tuần. Hiệu quả cao khi sử dụng đúng cách.
- Nhược điểm: Có thể gây kích ứng da. Không bảo vệ người dùng chống lại bệnh lây qua đường tình dục.
Thuốc tiêm tránh thai
Thuốc tiêm tránh thai chứa hormone progestin, được tiêm mỗi 3 tháng một lần.
- Ưu điểm: Hiệu quả cao và kéo dài. Không cần nhớ uống hàng ngày.
- Nhược điểm: Có thể gây tăng cân, thay đổi kinh nguyệt. Khả năng sinh sản có thể mất vài tháng để phục hồi sau khi ngừng tiêm, cần thận trọng cho ngời dưới 35 tuổi.
Phương pháp tự nhiên
Các phương pháp tự nhiên như tính ngày rụng trứng, đo thân nhiệt cơ bản, kiểm tra chất nhầy cổ tử cung.
- Ưu điểm: Không cần dùng thuốc hay dụng cụ. Không có tác dụng phụ hóa học.
- Nhược điểm: Hiệu quả thấp hơn so với các phương pháp khác. Các biện pháp này đòi hỏi sự theo dõi chặt chẽ và kiên nhẫn.
Bác sĩ Thanh nhấn mạnh việc lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp phụ thuộc vào nhu cầu và tình trạng sức khỏe của mỗi người. Điều quan trọng là hiểu rõ ưu và nhược điểm của từng phương pháp. Bên cạnh đó, người dân cũng cần thảo luận với bác sĩ để tìm ra giải pháp tốt nhất cho bản thân.
Tránh thai không chỉ giúp kiểm soát sinh sản mà còn bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.