5 vấn đề thường gặp trên ô tô khi thời tiết nồm ẩm
Thời điểm này, nhiệt độ các tỉnh phía Bắc xuống thấp, kèm theo đó là mưa phùn, độ ẩm cao. Điều kiện thời tiết này không chỉ gây khó khăn trong quá trình di chuyển, thời tiết nồm ẩm ở miền Bắc còn khiến nhiều bộ phận trên ô tô bốc mùi, nấm mốc...
Thời tiết miền Bắc đang bước vào mùa nồm ẩm, những ngày này độ ẩm trong không khí lên cao khoảng 90% dẫn đến hiện tượng hơi nước bị ngưng tụ, đọng lại trên bề mặt mọi vật.
Môi trường ẩm ướt chính là điều kiện tốt cho các vi khuẩn nấm mốc độc hại sinh sôi nảy nở. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, trời nồm ẩm còn khiến cho các vật dụng nhanh hỏng hơn rất nhiều và xe ô tô cũng vậy.

Bề mặt sơn xe bị ăn mòn
Do mưa phùn kéo dài, độ ẩm không khí rất cao, nồng độ axit và các chất ăn mòn khác cùng bụi bẩn và tro bụi công nghiệp trong nước mưa cũng vì thế mà cao hơn nhiều so với mưa mùa hè, những tác động trên khiến ô tô dễ bị hỏng hóc hơn.
Cụ thể, trong mùa nồm ẩm, vỏ thân xe ô tô bị nhanh oxy hóa, ăn mòn hơn. Trời nồm, độ ẩm không khí cao sẽ là tác nhân thúc đẩy quá trình oxy hóa mạnh hơn. Chính vì thế, nếu phải thường xuyên di chuyển trong thời tiết mưa phùn ẩm ướt như thế, xe hơi sẽ nhanh bị cũ, xuống cấp.
Để quá trình oxy hóa sẽ diễn ra chậm hơn, chủ xe nên chú ý đỗ xe ở nơi có mái che, thường xuyên rửa xe. Bùn đất bám lâu ngày trên xe có nồng độ các chất ăn mòn cao hơn trong nước mưa. Dù rửa xe thường xuyên không giữ xe luôn sạch nhưng việc đó làm giảm lượng chất ăn mòn bám trên xe. Hơn nữa, khi xe được rửa thường xuyên, điều kiện để xảy ra quá trình oxy hóa sẽ giảm đi, hiện tượng hoen gỉ sẽ được giảm thiểu.
Kính lái bị mờ hơi nước
Khi gặp trời mưa lạnh, độ ẩm cao như những ngày hôm nay, kính ô tô thường có hiện tượng đọng hơi nước mờ đục khiến tầm nhìn hạn chế. Điều này không chỉ gây bất tiện khi lái xe mà còn cực kỳ nguy hiểm, nhất là vào buổi tối.
Nhiều lái xe ít kinh nghiệm sẽ loay hoay lấy tay lau kính để cải thiện tầm nhìn. Thế nhưng, điều đó có thể lại phản tác dụng bởi những vết lau bằng tay hoặc giẻ không sạch khiến kính lái trở nên lem nhem hơn.
Theo các chuyên gia, bản chất hiện tượng kính lái, kính cửa sổ hai bên của xe bị mờ xuất phát từ sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên ngoài và trong khoang lái, dẫn đến hơi nước ngưng tụ và đọng vào kính. Do đó, nguyên tắc để khắc phục là điều chỉnh nhiệt độ trong và ngoài xe cân bằng nhau.
Khi phát hiện dấu hiệu kính xe bị mờ do hơi nước ngưng tụ, lái xe nên kích hoạt chức năng sấy kính. Đây được xem là cách nhanh và đơn giản nhất để khắc phục hiện tượng kính ô tô bị mờ khi lái xe trong trời mưa.
Tuy vậy, ở một số xe đời sâu thì lại không có chức năng này. Khi đó, người lái có thể hạ cửa kính xe xuống nhằm cân bằng nhiệt độ bên trong và ngoài. Khi hạ kính xe, không khí bên ngoài tràn vào trong xe sẽ giúp giảm sự chênh lệch nhiệt độ, giảm tình trạng hơi nước tích tụ lại trên kính xe.
Ngoài ra, chủ xe có thể bật điều hòa lạnh. Lựa chọn chế độ đường gió thổi lên kính chắn gió (nút điều khiển chế độ đường gió có ngay trên hệ thống điều hòa của xe), sử dụng cấp gió và nhiệt độ hợp lý bởi nếu để quá lạnh, rất dễ bị khiến kính bị đọng nước ở bên ngoài.

Nội thất ẩm ướt, có mùi hôi
Khoang nội thất ẩm ướt và có mùi khó chịu là vấn đề thường gặp trên ô tô trong những ngày nồm ẩm. Bởi, khi hạ cửa kính, không khí ẩm ướt bên ngoài sẽ ùa vào trong và ngưng đọng trên khoang nội thất. Đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển mạnh, từ đó gây mùi hôi khó chịu.
Động cơ trục trặc
Khi thời tiết nồm ẩm, nước không chỉ ngưng tụ ở bên ngoài xe, mà còn đọng trên các điểm tiếp xúc của hệ thống điện, ắc quy. Từ đó, gây ảnh hưởng xấu tới khối động cơ, hệ thống điện. Các bộ phận này sẽ rất dễ bị ăn mòn, hay bị hỏng hóc do hơi ẩm…và vì thế, tuổi thọ của chiếc xe cũng bị giảm sút rất nhiều. Nếu sử dụng trong thời gian dài và không được bảo dưỡng, động cơ ô tô có thể bị oxy hóa, gây hư hỏng nghiêm trọng. Thậm chí, động cơ có thể ngừng hoạt động.
Phanh kẹt cứng, kêu rít
Tương tự với động cơ, hơi nước trong không khí cũng có thể ngưng đọng trên hệ thống phanh. Bởi lẽ, bộ phận này được đặt ở vị trí thấp, ngay gần khu vực hoạt động của bánh xe, tạo điều kiện cho bùn đất và nước mưa dễ xâm nhập. Từ đó, quá trình oxy hóa sẽ diễn ra nhanh hơn, khiến phanh ô tô bị gỉ sét và kẹt cứng trong quá trình vận hành. Ngoài ra, tốc độ nhả của đĩa phanh cũng chậm hơn đáng kể do khớp di động của yên phanh bị han gỉ.