5 điều báo động khi trẻ thường xuyên xem điện thoại
Điện thoại thông minh là giải pháp giúp cha mẹ nhàn rỗi hơn nhưng lại gây ra những tác hại khôn lường. Trên thực tế, những đứa trẻ thường xuyên xem điện thoại thông minh từ nhỏ và không sử dụng thiết bị này khi lớn lên sẽ có rất nhiều sự khác biệt.
Với sự phát triển của công nghệ, điện thoại di động đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người hiện đại. Không có gì đáng ngạc nhiên khi có những trẻ em được bố mẹ cho tiếp xúc điện thoại từ nhỏ.
Thậm chí, với nhiều gia đình hiện nay, điện thoại được xem là "cứu tinh" của những bậc cha mẹ thường xuyên bận rộn, giúp việc trông trẻ, cho trẻ ăn trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tác hại khi trẻ xem điện thoại gây ra là quá nhiều đối với thể chất và tâm lý của trẻ.
Đại học Harvard (Mỹ) đã tiến hành một cuộc thí nghiệm với 100 trẻ em được chia làm 2 nhóm. Một nhóm là các em không tiếp xúc điện thoại, nhóm còn là những đứa trẻ nghiện dùng điện thoại. Kết quả thí nghiệm cho thấy, nhóm những đứa trẻ nghiện điện thoại chỉ có 2 em đỗ đại học, còn nhóm không tiếp xúc thì phần lớn đều đỗ đại học.
Từ thí nghiệm trên, đại học Harvard đã rút ra một kết luận: Khi trưởng thành, so với những đứa trẻ không dùng điện thoại, những đứa trẻ nghiện điện thoại có sự khác biệt rất lớn và được thể hiện thông qua một số phương diện.
Khác biệt về tính cách
Các nhà nghiên cứu phát hiện, những đứa trẻ nghiện điện thoại sẽ coi điện thoại là bạn bè. Dần dần các em không thích giao lưu với thế giới bên ngoài, tính cách cũng có thể khép kín hơn, sau này lớn lên năng lực xã hội bị ảnh hưởng rất lớn.
Ngoài ra, những đứa trẻ thường xuyên xem điện thoại đa phần sẽ hướng nội, tự ti, không thích giao lưu với người khác. Khi lớn rất khó để hòa nhập thế giới bên ngoài.
Ngược lại, những đứa trẻ không thích xem điện thoại sẽ thích đi ra ngoài chơi với những đứa trẻ khác, tính cách hướng ngoại hơn.
Khả năng diễn đạt
Theo nghiên cứu khoa học của Đại học Harvard, những trẻ thích xem điện thoại thông minh có khả năng diễn đạt ngôn ngữ kém hơn so với các em dành thời gian đó để vui chơi ngoài trời.
Lý giải cho tình trạng này, các chuyên gia cho biết tất cả các chương trình, trò chơi đều được thiết kế màu sắc, âm thanh sống động, bắt mắt để thu hút sự chú ý trẻ. Lâu dần, trẻ khó có thể thoát ra và bị lệ thuộc vào thế giới ảo trên điện thoại, ít giao tiếp với thế giới thực nên kỹ năng diễn đạt bị kém đi.
Trong khi đó, những trẻ dành nhiều thời gian vui chơi, tránh xa điện thoại để giao tiếp với mọi người giúp khả năng diễn đạt ngôn ngữ được linh hoạt hơn.
Khả năng tập trung
Nghiên cứu của đại học Harvard cũng cho thấy những đứa trẻ thường xuyên xem điện thoại thông minh từ nhỏ có khả năng tập trung rất kém, ảnh hưởng đến khả năng tư duy và học tập của trẻ.
Bởi vì trẻ em còn quá nhỏ, không có khả năng tự kiểm soát bản thân. Lâu dần, trẻ dễ sa đà vào việc dùng điện thoại mà không tập trung vào việc học tập. Dần dần, điểm số của trẻ cũng sẽ giảm sút. Nếu không sớm khắc phục, điều này sẽ tạo nên sự chênh lệch rất lớn giữa trẻ và bạn bè. Do đó, việc trẻ học hành sa sút đi không phải do IQ mà là trẻ thiếu dần sự tập trung.
Ảnh hưởng đến cột sống
Thông thưởng khi sử dụng điện thoại, trẻ em có xu hướng cúi đầu nhìn xuống, để cổ ở góc 45 độ. So với lúc đứng, tình trạng cổ của chúng còn tệ hơn khi ngồi. Do đó, nếu sử dụng điện thoại thông minh từ năm 8 tuổi, nhiều khả năng các em có thể phải phẫu thuật cột sống cổ vào năm 28 tuổi do đường cong sinh lý tự nhiên đã bị "bẻ" ngược.
Thậm chí nhiều trẻ có thói quen nằm sấp để xem điện thoại. Tư thế này cũng gây hại đến cột sống.
Ảnh hưởng đến thị lực
Những trẻ thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh thường ngồi rất lâu trước màn hình khiến mắt không được nghỉ ngơi, vận động. Ngoài ra ánh sáng từ màn hình dễ làm trẻ bị cay mắt, khô mắt, mỏi mắt,… Đây chính là những nguyên nhân cơ bản khiến nhiều trẻ bị giảm thị lực, cận thị.
Trong khi đó những trẻ không thích sử dụng điện thoại di động sẽ dành nhiều thời gian cho các môn thể thao ngoài trời hoặc chơi với các loại đồ chơi khác nhau, giúp tầm nhìn của trẻ không bị ảnh hưởng, mắt cũng không cần thiết phải hoạt động quá sức như khi tiếp xúc với màn hình điện thoại. Đó cũng là lý do mà thị lực của trẻ xem điện thoại kém hơn rất nhiều so với những trẻ không xem điện thoại thường xuyên.