4 thói quen rửa bát của người Việt kéo bệnh tật sớm ghé thăm
Rửa bát không đúng cách có thể khiến vi khuẩn xâm nhập cơ thể, tăng khả năng mắc bệnh. Đáng tiếc, nhiều bà nội trợ Việt đang mắc phải những sai lầm này.
Việc rửa bát tưởng là công việc đơn giản, nhưng nếu thực hiện sai cách sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho sức khỏe. Dưới đây là những thói quen rửa bát xấu mà nhiều người đang mắc phải.
Ngâm bát quá lâu
Sau khi ăn xong, nhiều người có thói quen ngâm bát đĩa vào bồn rửa để tới bữa sau, thậm chí tới ngày hôm sau mới rửa. Trên thực tế đây không phải là một thói quen tốt. Hành động ngâm bát đĩa lâu ngày sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại sinh sôi nhanh chóng và gây ra mùi hôi cho bồn rửa bát.
Nếu khử trùng không triệt để, những vi khuẩn này sẽ vào dạ dày, người có sức đề kháng kém sẽ bị nhiễm trùng đường ruột.
Ngâm bát quá lâu trước khi rửa sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng.
Cho nước rửa chén trực tiếp vào bát
Một số người cho rằng cho trực tiếp nước rửa lên bát sẽ giúp loại bỏ dầu mỡ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, điều này không chỉ gây lãng phí nước rửa mà còn dễ khiến chất tẩy rửa tồn đọng lại trong bát đĩa. Một khi lượng nước rửa bát còn sót lại trên các vật dụng, cơ thể con người sau khi ăn phải chất tẩy rửa sẽ gây ra tiêu chảy và các chứng khó chịu về đường tiêu hóa khác.
Chính vì vậy, khi rửa bát, các gia đình cần lưu ý hòa nước rửa chén với nước sạch, dùng khăn rửa bát nhúng vào nước pha loãng để cọ rửa bát đĩa sau đó tráng lại bằng nước sạch, để ráo nước.
Không thay miếng rửa bát và khăn lau bát thường xuyên
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng số lượng vi khuẩn trong miếng rửa bát rất nhiều. Thông thường, trong miếng rửa bát lâu ngày chứa khoảng 19 loại vi khuẩn gây bệnh, trong đó có Escherichia coli và Staphylococcus aureus và nhiều vi khuẩn nguy hiểm khác.
Vì vậy, nếu miếng rửa bát không được khử trùng và thay thường xuyên, những vi khuẩn có hại có thể bám ngược lại vào bát đĩa và xâm nhập vào cơ thể con người. Để tránh vi khuẩn phát triển trong bếp và đảm bảo vệ sinh, hãy giặt miếng rửa và thay mới thường xuyên.
Theo chuyên trang Well + Good, việc thay miếng bọt biển tùy thuộc vào tần suất sử dụng nó, ví dụ người thường xuyên nấu bữa tối tại nhà và rửa nồi, bát bằng tay sẽ phải thay liên tục so với người dùng máy rửa bát và ít ăn ở nhà.
Để tránh vi khuẩn phát triển trong bếp, hãy giặt miếng rửa bát và thay mới thường xuyên.
Bên cạnh miếng rửa bát, khăn lau bát cũng là nơi trú ngụ của rất nhiều vi khuẩn gây bệnh. Chưa kể, nhiều gia đình còn có thói quen dùng chung khăn cho nhiều mục đích như vừa lau bát vừa lau các dụng cụ bếp khác. Hành động này lặp đi lặp lại sẽ khiến nguồn vi khuẩn lan rộng, khó đảm bảo vệ sinh bát đĩa.
Do đó, để đảm bảo an toàn vệ sinh cho cả gia đình, cần lưu ý lựa chọn khăn lau chén bát là loại chuyên dụng, tách biệt với các loại khăn lau khác và nên được thay mỗi tháng một lần.
Bộ đồ ăn không được khử trùng
Sau khi rửa bát, hầu hết các gia đình chỉ để bát ráo nước trong nhiệt độ thông thường. Tuy nhiên, thói quen này khiến bát đĩa chưa được sạch sẽ hoàn toàn.
Thay vào đó, sau khi rửa bát nên thực hiện thêm thao tác khử trùng bát đĩa. Có nhiều phương pháp khử trùng, trong đó phương pháp được sử dụng phổ biến nhất là khử trùng ở nhiệt độ cao, có thể tiêu diệt hầu hết vi khuẩn và vi rút sau khi đun dụng cụ trong nước sôi từ 5 đến 10 phút.
Nếu có điều kiện, các gia đình có thể mua máy tiệt trùng hoặc máy rửa bát có chức năng tiệt trùng rồi cho bát đĩa, đũa vào đó để khử trùng ở nhiệt độ cao, đây là cách diệt vi khuẩn, virus hiệu quả nhất.
Đặc biệt không nên sử dụng chất khử trùng vì dù có chứa clo hay chất khử trùng khác thì cũng khó rửa sạch hoàn toàn bằng nước sạch, nếu còn sót lại sẽ gây kích ứng đường tiêu hóa.