24 năm mòn mỏi của người dân Cồn Hến – Bài 3: Phương án nào giải cứu “ốc đảo”?
Hơn 20 năm trôi qua với nhiều biến động trong cuộc sống cũng như quy hoạch của thành phố, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế dần nhận thấy có nhiều bất cập trong quy hoạch Cồn Hến. Vấn đề đặt ra, giải pháp nào để giải cứu "ốc đảo" vốn đã nhiều năm tụt hậu?
Để đánh giá một cách khách quan, phải nói từ khi tỉnh Thừa Thiên Huế đưa Cồn Hến vào quy hoạch để xây dựng khu du lịch sinh thái và dịch vụ giải trí cao cấp, đặc biệt sau những lời mời chào, đã từng có các nhà đầu tư về "ốc đảo" này để xem xét, đánh giá việc triển khai dự án. Nhưng điều đáng buồn, cứ đến rồi lại đi cuối cùng chẳng có nhà đầu tư nào chịu ở lại mà nguyên nhân trực tiếp lại liên quan chuyện di dời, giải tỏa dân cư.

Mà xem ra chuyện di dời cư dân Cồn Hến không phải là việc khó bây giờ mới được biết đến.
Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, việc di dời toàn bộ dân cư ở cồn Hến hiện hữu là điều bất khả thi.
Nhà nghiên cứu này cho rằng, không một nhà đầu tư nào dám bỏ tiền túi ra di dời hơn 1.000 hộ dân để đổi lấy hơn 23ha đất sạch chỉ để xây khu du lịch, nghỉ dưỡng như quy hoạch được.
Ông Nguyễn Xuân Hoa khẳng định, với tình trạng đó trước sau gì tỉnh Thừa Thiên Huế cũng phải có sự thay đổi về quy hoạch ở cồn Hến. Cốt lõi vấn đề là việc điều chỉnh quy hoạch đó có lợi cho người dân hay không.
Nhà nghiên cứu văn hóa này còn chỉ ra rằng, hiện có 3 phương án điều chỉnh quy hoạch Cồn Hến được đặt ra:
Một là di dời toàn bộ dân cư ở Cồn Hến để nhường đất sạch cho nhà đầu tư.
Hai là không di dời, giữ nguyên hiện trạng và bảo tồn, chỉnh trang cảnh quan.
Ba là di dời một phần dân cư và chỉnh trang cảnh quan, nhà cửa ở khu ốc đảo này.
Tuy nhiên, Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa cũng không quên khẳng định, phương án giữ nguyên hiện trạng và phương án di dời toàn bộ dân cư gần như là bất khả thi.
"Chỉ còn phương án di dời một phần dân cư theo tôi là khả thi nhất. Có thể di dời người dân đến một khu đất khác cũng nằm trên Cồn Hến bởi dư địa ở đây còn khá nhiều", ông Hoa nói.
Cũng theo ông Hoa, nếu chọn bất kỳ phương án nào cũng phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Sau khi di dời người dân cộng thêm chỉnh trang, xây dựng các thiết chế du lịch, văn hóa trên Cồn Hến, chính quyền TP. Huế cũng nên tập cho người dân ở đây làm du lịch, tạo sinh kế lâu dài.

Về phương án "giải phóng" Cồn Hến, ông Phan Ngọc Thọ - phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng cho biết, tỉnh đã nhận thấy nhiều điểm bất cập trong quy hoạch khu dân cư này.
Ông Phan Ngọc Thọ cũng chỉ ra rằng, để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trên Cồn Hến là do chính quyền sở tại không cương quyết.

"Theo số lượng kiểm đếm cách đây vài năm, để di dời toàn bộ dân cư ở cồn Hến phải tốn hơn 1.000 tỉ đồng. Số tiền này quá lớn, không thể lấy từ ngân sách nhà nước. Và cũng không có nhà đầu tư nào chịu bỏ số tiền lớn đến vậy để đổi lấy một khu đất có quy mô nhỏ, bị khống chế chiều cao như ở cồn Hến", ông Thọ thông tin.
Theo phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, tỉnh đã có đánh giá lại quy hoạch Cồn Hến và sắp tới sẽ thay đổi quy hoạch theo hướng giải tỏa một phần dân cư hiện hữu kết hợp với chỉnh trang, giãn thưa mật độ nhà ở trên cồn.
"Có thể tỉnh sẽ chọn giải pháp biến Cồn Hến trở thành một khu du lịch sinh thái đặc sắc và toàn bộ người dân xứ cồn này sẽ làm du lịch", ông Phan Ngọc Thọ nói.
24 năm trôi qua, người dân Cồn Hến vẫn chen chúc sống giữa dòng sông Hương trong cảnh ngày càng chật chội, đổ nát. Nhưng với những gì tỉnh Thừa Thiên Huế đang vạch ra có lẽ ngày đưa Cồn Hến hòa mình với cuộc sống hiện đại thành phố Huế sẽ không còn xa.
-> Bài 1: "Sống mòn" giữa thành phố
-> Bài 2: Sợi dây xích quấn chặt cuộc đời nhiều thế hệ
-> Mời độc giả đón đọc tiếp bài 4 (bài cuối): Ngày về tươi sáng