24 năm mòn mỏi của người dân Cồn Hến - Bài 1: “Sống mòn” giữa thành phố
Suốt 24 năm qua kể từ ngày có quy hoạch lần đầu, hơn 1.000 hộ dân ở Cồn Hến (TP. Huế) phải sống trong cảnh chờ đợi khiến cuộc sống của họ gặp cảnh "đi không được ở không xong".
Tuy nhiên, cánh cửa cuộc sống mới đang dần mở ra với người dân Cồn Hến khi mới đây UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố việc quy hoạch lại khu vực quan trọng này.
Nhìn lại cuộc sống 24 năm qua của người dân Cồn Hến trong thấp thỏm, đợi chờ, Gia đình Việt Nam đăng tuyến bài: "24 năm mòn mỏi của người dân Cồn Hến" như những lát cắt qua những câu chuyện cuộc sống mà người dân nơi đây từng phải trải qua trong suốt chiều dài những năm qua.

24 năm quy hoạch "treo"
Từ khi xây dựng kinh thành Huế, cùng với cồn Dã Viên - “hữu Bạch Hổ”, vua Gia Long đã coi Cồn Hến là “tả Thanh Long” - biểu trưng cho quyền uy của vương quyền.
Cồn Hến là cồn đất nằm giữa sông Hương, hiện tại có hơn 1.000 hộ dân với hơn 4.500 nhân khẩu. Hơn 20 năm trước, Cồn Hến được tỉnh Thừa Thiên Huế quy hoạch làm khu du lịch sinh thái và dịch vụ cao cấp. Thế nhưng kể từ khi có quy hoạch đầu tiên, đến bây giờ Cồn Hến vẫn chỉ là “ốc đảo” nằm chính đạo sông Hương.

Quy hoạch đầu tiên của Cồn Hến (phường Vỹ Dạ, TP Huế, Thừa Thiên Huế) ra đời năm 1998 khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định quy hoạch tổng thể nơi này để xây dựng khu du lịch sinh thái và dịch vụ giải trí cao cấp. Khi đó Cồn Hến chỉ là một chấm nhỏ trong tấm bản đồ quy hoạch tổng thể thành phố Huế.
Năm 2015, để "hiện thực hóa" giấc mơ biến Cồn Hến thành khu du lịch đẳng cấp, tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành quy hoạch chi tiết xây dựng (tỉ lệ 1/500) khu du lịch dịch vụ cấp cao Cồn Hến.
Theo quy hoạch này, toàn bộ 26,4ha diện tích Cồn Hến (trong đó diện tích đất liền 23,8ha, diện tích mặt nước bao quanh chu vi cồn Hến khoảng 2,6ha) sẽ khoác lên mình bộ mặt khác với khu du lịch dịch vụ rộng hơn 7.884m2, khu nghỉ dưỡng cao cấp rộng hơn 74.367m2, khu bến thuyền du lịch rộng 10.700m2… Điều kỳ lạ quy hoạch không nhắc đến số phận của hàng trăm hộ dân sống bao đời ở đây.
Năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương. Lại một lần nữa, quy hoạch nhắc đến Cồn Hến - khu vực cảnh quan phát triển mới bao gồm cảnh quan tự nhiên và cảnh quan nhân tạo (khu du lịch, bến thuyền, quảng trường...).
Ở quy hoạch này, 3 cây cầu mới sẽ được xây dựng để nối Cồn Hến với đất liền. Trong đó, 1 cầu đường bộ nối Cồn Hến - Vỹ Dạ có chiều dài 190m, rộng 18,5m. 2 cầu đi bộ nối Cồn Hến với công viên Trịnh Công Sơn và phường Vỹ Dạ đều có bề rộng 10m.
Ở lần quy hoạch này người dân Cồn Hến được đưa vào diện giải tỏa, tái định cư trong khi khu đất này được đưa vào mục các dự án ưu tiên đầu tư.
Nhưng rồi đâu lại vào đấy, sau 2 năm được phê duyệt và kêu gọi, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào mặn mà tìm đến Huế để thực hiện dự án ưu tiên này. Khoảng cách từ bản vẽ đến thực tế thật sự quá dài đến mức đã 24 năm trôi qua người dân Cồn Hến vẫn trong tình trạng mòn mỏi đợi chờ.
Cuộc sống đối lập đôi bờ sông Hương
Đến Cồn Hến những ngày này không khó để nhận ra, dù nằm sát trung tâm TP Huế với cầu Phú Lưu nối khu dân cư ra bên ngoài nhưng đã phủ bóng thời gian với vẻ cũ kỹ cho thấy đã lâu không được sửa chữa. Những con đường, trung tâm văn hóa cũng đã xuống cấp sau nhiều năm trái ngược hoàn toàn với sự phát triển của thành phố Huế năng động, hiện đại.
Ông Nguyễn Tuấn Lộc (51 tuổi, trú Cồn Hến), một trong những hộ gia đình sống ở Cồn Hến lâu đời cho biết, căn nhà gia đình ông đang ở là một trong những ngôi nhà lâu đời nhất ở đây. Trải qua hàng chục năm, ngôi nhà của ông hiện đã xuống cấp trầm trọng.
“Quy hoạch quá lâu khiến cuộc sống của người dân ở đây bị ảnh hưởng. Ví dụ như gia đình tôi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không thể vay vốn ngân hàng để làm ăn vì nằm trong quy hoạch…” - ông Lộc buồn rầu chia sẻ.

Cũng sống tại Cồn Hến hàng chục năm nay giống như ông Lộc, ông Nguyễn Văn Quyết (77 tuổi) cho biết, do vướng quy hoạch của tỉnh nên thời gian qua gia đình ông không thể sửa chữa, chỉnh trang nhà cửa dù đã xuống cấp. Chưa kể, người dân sống ở Cồn Hến chủ yếu là lao động nghèo lại vướng quy hoạch nên không thể vay vốn để phát triển kinh tế, do đó đời sống nhiều người gặp rất nhiều khó khăn.

Nằm ngay ngoại ô thành phố năng động nhưng người dân Cồn Hến đã "sống mòn" trong suốt hơn 20 năm qua. Nhà ở xuống cấp không dám sửa chữa, xây mới vì ai biết họ sẽ bị dời đi lúc nào.
Ngóng đền bù, tái định cư thì vướng ngân sách khiến sự việc cứ thế trôi qua ngày này qua tháng khác còn người dân thì thấp thỏm, lo âu.
Đến cồn Hến, nhìn cảnh chen chúc trong những căn nhà lụp xụp chật kín mà xót xa. Chiều tà từ Cồn Hến nhìn ra dòng sông Hương đang tà tà chảy mà thấy lòng le lói buồn một cảm giác của sự tụt hậu, mỏi mòn thật khó diễn tả.
Mời độc giả đón đọc tiếp Bài 2: Sợi dây xích quấn chặt cuộc đời nhiều thế hệ