200.000 người Việt bị đột quỵ mỗi năm
Số lượng các ca đột quỵ ở Việt Nam tăng gấp 3 - 4 lần so với 5 - 10 năm trước. Đột quỵ thường xảy ra với người trên 40 tuổi nhưng những năm gần đây xu hướng người trẻ bị đột quỵ gia tăng.
Trên thế giới, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư. Thậm chí tại Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người đột quỵ, tỷ lệ tử vong khoảng 40%. Đáng chú ý, số ca đột quỵ tăng gấp gấp 3 - 4 lần so với 5 - 10 năm trước.
Còn số liệu trên thế giới cũng cho thấy, mỗi năm có khoảng 15 triệu người bị đội quỵ, trong số này có 5 triệu người tử vong; 5 triệu người khác bị thương tật vĩnh viễn, tạo gánh nặng cho gia đình và cộng đồng.
Đột quỵ có xu hướng gia tăng ở người trẻ (Ảnh minh họa)
Đột quỵ thường xảy ra với người từ 40 tuổi trở lên do tăng huyết áp. Tuy nhiên, đột quỵ cũng xảy ra khoảng 8% trẻ em mắc bệnh hồng cầu hình liềm.
PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, chỉ trong 1 năm thành lập, Trung tâm tiếp nhận gần 4.000 bệnh nhân, trong đó có gần 2.200 ca đột quỵ (chiếm hơn 60%), gần 1.300 ca nhồi máu.
Tại bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều ca đột quỵ mà bệnh nhân còn trẻ dưới 40 tuổi, thậm chí dưới 30 tuổi.
Theo bác sĩ Tôn, số bệnh nhân trẻ chiếm gần 10% số bệnh nhân đột quỵ nói chung tại Trung tâm. Đây là con số không nhỏ và có xu hướng ngày càng gia tăng. Điều đáng nói, phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn và hệ lụy là mất đi cơ hội hồi phục trong giờ vàng.
Lý do của việc đến viện muộn là do người trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ tuổi. Khi đến viện muộn, họ đã làm mất đi cơ hội vàng để phục hồi và để lại hệ lụy đáng tiếc về sức khỏe, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội".
Về nguyên nhân đột quỵ có xu hướng gia tăng ở người trẻ, PGS. Mai Duy Tôn nhận định: "Có nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ: bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng…"
Cũng theo số liệu của Hội Tim mạch Việt Nam thì cứ 4 người từ 25 - 49 tuổi thì có một người tăng huyết áp và đây là nguyên nhân chính gây nên đột quỵ ở người trẻ.
Ngoài ra, bệnh nhân đột quỵ trẻ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu gia tăng.
TS.BS. Nguyễn Bá Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khuyến cáo, đột quỵ không có dấu hiệu nhận biết trước nên người bệnh không nên chủ quan mà phải chủ động trang bị kiến thức để tự bảo vệ chính mình và những người thân yêu khỏi nguy cơ bị đột quỵ với tinh thần “Đột quỵ - Phòng để không phải trị”.