2/3 người trưởng thành Mỹ sợ gặp cảnh này khi về già hơn cái chết
Một nghiên cứu mới phát hiện gần 2/3 người trưởng thành tại Mỹ sợ gặp cảnh này khi về già hơn là sợ chết.
Người Mỹ sợ hết tiền hơn sợ chết
Khảo sát hưu trí thường niên 2025 của Allianz Life, tập đoàn bảo hiểm nhân thọ, hưu trí và quản lý tài sản Mỹ, với người lao động từ 25 tuổi trở lên, ghi nhận nỗi sợ hết tiền phổ biến ở hầu hết các thế hệ, ngoại trừ Gen Z.
Gen X (sinh năm 1965-1980), nhóm cận kề tuổi nghỉ hưu nhất, thể hiện sự lo lắng cao nhất với 70% sợ bất ổn tài chính cuối đời hơn cái chết. Tỷ lệ này ở Millennials (sinh năm 1981-1996) là 66%. Ngay cả Baby Boomer (sinh năm 1946-1964), thế hệ thường có nền tảng tài chính vững chắc, cũng có 61% sợ hết tiền.
Kelly LaVigne, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu người tiêu dùng tại Allianz Life Insurance Company of North America, chia sẻ với Newsweek rằng: "Nỗi sợ hết tiền là nỗi sợ chung của mọi người". "Bạn đang ở giai đoạn nào trong cuộc sống cũng không quan trọng".
Mark Turner, một chuyên gia tài chính chia sẻ rằng trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã tận mắt chứng kiến nỗi sợ hãi của những người lao động khi chuẩn bị tài chính cho cuộc sống sau này. Ông kể từng có khách hàng gọi điện đến văn phòng, họ khóc và nói rằng không sợ chết, chỉ sợ cảnh trắng tay lúc cuối đời.

Nghiên cứu chỉ ra lạm phát cao (54%), thuế cao và nghi ngờ An sinh xã hội không thể hỗ trợ (43%) là những lý do hàng đầu khiến người Mỹ lo ngại về tương lai.
Dữ liệu năm 2024 từ Cục An sinh xã hội cho thấy phúc lợi này chỉ chiếm khoảng 31% thu nhập người trên 65 tuổi vào năm 2015. 39% người khảo sát còn lo An sinh xã hội có thể không còn tồn tại trong tương lai.
Tom Buckingham, Giám đốc tăng trưởng tại Nassau Financial Group và chuyên gia lập kế hoạch hưu trí, giải thích Gen X lo ngại nhất vì thế hệ này không thể phụ thuộc nguồn thu nhập đảm bảo trọn đời như cha mẹ (lương hưu cố định).
Thêm vào đó, chi phí sinh hoạt hiện cao hơn nhiều trong khi thu nhập hộ gia đình không tăng tương xứng. Các gia đình ngày nay chi tiêu nhiều hơn so với vài thập kỷ trước, càng khó khăn khi nguồn thu nhập ổn định lúc nghỉ hưu ít đi.
Ông Turner nhấn mạnh Gen X đang chịu áp lực tài chính lớn nhất với sự hỗ trợ ít nhất. "Họ được bảo dạy tiết kiệm, đầu tư, mua nhà nhưng nay kẹp giữa chi phí học đại học cho con cái và chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ", ông nói. Họ gần đủ tuổi nghỉ hưu để cảm thấy áp lực, nhưng vẫn đủ xa để cần sự tăng trưởng tài sản, khiến việc cân bằng khó khăn.
"Mối quan tâm về tiền bạc không giới hạn ở một thế hệ nào", ông Turner nói thêm. "Millennials chìm trong nợ sinh viên, Gen X kẹp giữa cha mẹ già và con tuổi teen, còn Boomers dù đã làm mọi thứ 'đúng' vẫn cảm thấy tụt hậu vì lạm phát 'ăn mòn' khoản tiết kiệm".
Buckingham cho biết mặc dù có thể khó khăn nhưng nên nghĩ cách tạo ra nhiều thu nhập hơn và sống trong khả năng của mình.
Gen X nên tìm nguồn thu nhập thứ cấp để tiết kiệm nhiều hơn cho hưu trí, dùng một phần tạo thu nhập đảm bảo. Millennials cần tận dụng lợi thế thời gian và sức mạnh lãi kép để tích lũy.
Bà LaVigne từ Allianzx cho biết với kế hoạch phù hợp và tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính thích hợp, những người hiện tại và sắp nghỉ hưu có thể tránh được nỗi lo về tài chính khi về già.
"Ở mọi giai đoạn cuộc đời, bạn cần có chiến lược tài chính chi tiết mục tiêu, các bước đạt được và kế hoạch dự phòng rủi ro như lạm phát, biến động thị trường", bà khuyên.