Sư thầy đập hộp iPhone 6: Cửa hàng điện thoại mời mua để mở hàng?
“Một cửa hàng điện thoại có 3 chiếc iPhone 6 mới nhập về Việt Nam nên mời sư thầy đến mua một chiếc mở hàng để cửa hàng buôn bán được phát lộc, vì vậy sư thầy đã đến mua”, bà Cản nói.
Bà Nguyễn Thị Cản - thân mẫu của sư thầy Thích Thanh Cường và cháu Phạm Ngọc Quân hơn 2 tuổi con nuôi của sư thầy (Ảnh: Xuân Hải)
Chỉ tay vào những cây cột trụ bằng gỗ vẫn còn thơm nồng, to khoảng một vòng tay người ôm và bốn bức tường xung quanh ngôi chùa Cương Xá được xây bằng đá nguyên khối, bà cụ có mái tóc bạc, khuôn mặt hiền hậu, cởi mở nói: Đây là thành quả của Đại đức Thích Thanh Cường, trụ trì ngôi chùa này phải mất nhiều năm đi vận động công đức để xây dựng lại chùa.
Bà là Nguyễn Thị Cản (68 tuổi, quê ở xã Đông Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương), thân mẫu của sư thầy Thích Thanh Cường, trụ trì chùa Cương Xá suốt 20 năm nay. Sư thầy Thích Thanh Cường tên thật là Phạm Ngọc Cường, sinh năm 1973, quê Đông Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương. Sư thầy là con lớn trong gia đình có ba anh em, hai trai, một gái.
“Do gần nhà tôi có ngôi chùa Toại nên từ nhỏ Cường thường xuyên ra chùa chơi, chỉ nghe các sư thầy đọc kinh mà Cường học thuộc hết, đến năm Cường 13 tuổi thì xin phép bố mẹ lên chùa Tông, xã Quang Khải, Tứ Kỳ, Hải Dương ở, rồi tu từ đó đến nay”, bà Cản cho hay.
"Có người công đức 21 tỷ đồng để xây dựng lại chùa Cương Xá", bà Nguyễn Thị Cản nói (Ảnh: Xuân Hải)
Bà Cản cho biết thêm, lớn lên Cường được nhà chùa Tông nuôi ăn học và từ năm 1994 thì chuyển về chùa Cương Xá làm trụ trì và ở từ đó đến nay. Đến năm 2002, do công việc chùa cần người giúp, nên bà Cản đã đến ở tại chùa Cương Xá để cơm nước giúp việc cho nhà chùa.
“Trước đây, chùa Cương Xá xuống cấp, hư hỏng nên sư thầy Thích Thanh Cường phải đi vận động công đức để xây dựng lại chùa, từ 2009 chùa bắt đầu được xây dựng, đến nay mới đang hoàn thiện ngôi nhà chính và khu vực nhà ăn, còn ngôi nhà thờ tổ và cổng chùa đang tiếp tục chờ công đức để xây dựng trong thời gian sắp tới. Khi vận động công đức có một sư thầy ở trong miền Nam đã ủng hộ công đức cho chùa 21 tỷ đồng để xây ngôi nhà chính được làm bằng đá Ninh Bình nguyên khối cùng loại gỗ tốt nhất”, bà Cản nói.
Trong lúc đang nghe bà Cản kể chuyện thì một thanh niên một bé trai khoảng hơn 2 tuổi đi học mẫu giáo về chùa, thấy bà Cản cậu bé lao đến quấn quýt đòi bà bế. Bế cậu vào lòng, bà Cản bảo: Đây là cậu bé bị mẹ mang đến nhờ nhà chùa trông giúp khi được hơn 15 tháng tuổi rồi để từ đó đến nay không thấy quay lại nhận con. Sư thầy đã phải đăng báo, truyền hình để thông báo cho bố mẹ em đến chùa đón con về, nhưng không thấy ai đến nhận nên sư thầy nhận nuôi và đặt tên là Phạm Minh Quân.
"Cổng chùa Cương Xá dự kiến sẽ được đập đi để xây mới bằng đá nguyên khối", bà Cản nói (Ảnh: Xuân Hải)
“Sư thầy khéo lắm, cứ đi đâu về là bế Quân, lấy điện thoại để chụp ảnh đăng facebook, hôm 24/9 sư thầy vừa mua chiếc điện thoại iPhon 6 mới tinh đấy. Có cửa hàng điện thoại bảo có ba cái iPhon 6 mới được nhập về Việt Nam, rồi thỉnh mời sư thầy đến mua mở hàng một cái trước tiên để cửa hàng buôn bán có nhiều lộc nên sư thầy đến mua”, bà Cản khoe.
Thấy bà Cản nói chuyện về điện thoại, cậu thanh niên Chu Văn Trung (21 tuổi, được thầy nhận nuôi từ năm 13 tuổi), con nuôi thầy cho biết: "Điện thoại iPhon 6 của sư thầy màu xám, chụp ảnh rất nét, nhưng to quá, như bàn tay lại dài nhìn như máy tính bảng, không đẹp".
Chiều muộn, vẫn chưa thấy sư thầy trở về mặc dù PV đã nhắn tin, gọi điện nhưng không nhận được hồi âm từ sư thầy Thích Thanh Cường, bà Cản nói: "Sư thầy dạo này nhiều việc lắm, liên hệ mua vật liệu xây dựng, vận động công đức xây dựng chùa... Ngoài ra, sư thầy thường xuyên đi chơi thể thao, nếu không hẹn trước, không quen thì sư thầy sẽ không nghe điện thoại".
Kỳ sau: Sư thầy sành điệu dùng iPhon 6: Vì sao lại đi tu?
Xuân Hải