Nứt cao tốc dài nhất VN: Ai phải chịu trách nhiệm?
Các chuyên gia xây dựng cho rằng, người chịu trách nhiệm trong việc để sự cố nứt mặt đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai sẽ nằm trong số các đơn vị khảo sát, thiết kế, thi công chứ không phải... thiên nhiên.
PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, trong xây dựng thường xảy ra sự cố, nhất là công trình lớn, phức tạp như đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai cũng có thể xảy ra sự cố.
“Tuy nhiên, để xảy ra sự cố nứt mặt đường sau 3 ngày thông xe ở con đường cao tốc có quy mô lớn nhất, tổng mức đầu tư 1,464 tỉ USD... là điều rất đáng tiếc”, ông Hùng bày tỏ.
Mặt đường cao tốc dài nhất Việt Nam nứt sau... 3 ngày thông xe
Theo ông Hùng, chủ đầu tư là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên và khắc phục các vết nứt này. Đồng thời, cần phải tìm nguyên nhân và quy trách nhiệm về người thực hiện các khâu bao gồm khảo sát, thiết kế, thi công.
Ông nói: “Con đường vừa đưa vào sử dụng nên không thể đổ lỗi cho vận hành, khai thác con đường. Lỗi nằm trong số các đơn vị khảo sát, thiết kế, thi công”.
Nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng phân tích, tại khu vực đường bị nứt có biển báo theo dõi lún. Điều này cho thấy, khâu khảo sát đã lường trước được nền đất yếu.
Nếu khâu khảo sát đã biết rõ nền đất, vậy khâu thiết kế phải khắc phục được hạn chế này. Nếu khâu thiết kế đúng, chứng tỏ lỗi thuộc về đơn vị thi công.
Ông Hùng cũng không loại trừ trường hợp, tất cả các khâu từ khảo sát, thiết kế, đến thi công đều “mỗi anh sai một tý”.
Thạc sỹ Vũ Đình Hiền – Giảng viên môn đường bộ (Đại học Giao thông vận tải Hà Nội) nhận định, khi lưu thông qua đoạn đường xấu này rất dễ xảy ra tai nạn. Chưa kể khi bị nứt như vậy, nước sẽ ngấm vào trong làm cho mặt đường ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.
Muốn tìm ra nguyên nhân dẫn tới vết nứt trên phải xem chiều sâu, sự phát triển, mức độ mở rộng của vết nứt ra sao. Kịch bản xấu nhất có thể xảy đến là nếu vết nứt ngày một kéo dài sẽ ngoạc ra, ăn sâu xuống dưới.
PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải cho rằng: “Nếu đổ cho nền đất yếu thì khi khảo sát, thiết kế phải có tính toán phù hợp chứ? Khi lún nứt như thế mặt đường sẽ không đảm bảo chất lượng, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông lưu thông qua đây”.
Ông Thụ nêu quan điểm, trước khi đưa ra phương án xử lý phải khảo sát, tính toán mức độ hư hỏng trước. Nếu do nền đất yếu thì có thể sử dụng cọc cát để cải thiện. Còn nếu do thi công hay do thiết kế chưa chuẩn thì buộc phải phá đi làm lại.
Ngày 25/9, Bộ Xây dựng có văn bản đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương kiểm tra, khảo sát, xác định rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời hiện tượng nứt mặt đường, đảm bảo chất lượng, an toàn và tuổi thọ công trình. Bộ Xây dựng cũng yêu cầu chủ đầu tư báo cáo thường xuyên quá trình thực hiện các công việc nêu trên cho Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng để theo dõi và quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng. |