Lào Cai: Xuất hơn 110 nghìn tấn quặng tồn kho nhiều nghi vấn
Vừa làm văn bản “kêu” bị tồn hơn 110 nghìn tấn quặng, Công ty TNHH xây dựng Lan Anh (Lào Cai) lại chi tiền tỷ đầu tư dây chuyền tuyển quặng với công suất “khủng” 250 tấn/giờ.
Năm 2013, trước sự khó khăn của doanh nghiệp khi Chính phủ ra quyết định dừng xuất khẩu quặng ra nước ngoài, các tỉnh như Lào Cai, Nghệ An, Phú Thọ … đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương cho phép các doanh nghiệp khai thác quặng trên địa bàn được xuất số lượng quặng bị tồn đọng.
Trụ sở Công ty TNHH Xây dựng Lan Anh tại Tp. Lào Cai.
Tuy nhiên, sau khi được chấp thuận xuất hàng trăm nghìn tấn quặng được gọi là "tồn kho", thì song song với điều đó, doanh nghiệp được cấp "quota" cũng đã chi tiền để thực hiện những hành vi khá “lạ đời”.
Riêng ở tỉnh Lào Cai, tài liệu có được của ANTT.VN có được cho thấy, Công ty TNHH xây dựng Lan Anh là một trong bốn doanh nghiệp nằm trong danh sách chấp thuận xuất khẩu quặng tồn, với số lượng cực “khủng”.
Theo đó, doanh nghiệp này có đến hơn 110 nghìn tấn “quặng tồn” cần phải “đẩy” ra nước ngoài với mức giá không được tiết lộ.
Theo "Phụ lục doanh nghiệp được xuất khẩu khoáng sản” đính kèm theo Công văn số 2912/BCT-CNNg (doanh nghiệp được xuất khẩu khoáng sản) ngày 04/04/2013 của Bộ Công Thương, thì Công ty TNHH Xây dựng Lan Anh (trụ sở tại phường Cốc Lếu, Tp. Lào Cai) đã “chiếm” tới 4 “suất” quặng tồn kho được xuất khẩu với tổng số 81.166 tấn tinh quặng sắt và 29.500 tấn tinh quặng magan.
Công ty TNHH xây dựng Lan Anh có số lượng "tồn kho" rất lớn được Bộ Công thương chấp thuận cho xuất khẩu sau lệnh cấm của Chính phủ.
Điều “lạ” là ngay khi số quặng gọi là “tồn kho” kia còn chưa được xuất đi (Mục 2b trong công văn số 5112/BTC-CST của Bộ Tài chính gửi các Cục Hải quan ghi rõ: việc xuất khẩu khoáng sản tồn kho được hướng dẫn tại công văn này được thực hiện kể từ ngày 09/06/2013), thì ngày 02/05/2013, Công ty TNHH xây dựng Lan Anh đã chi tiền, đưa vào lắp đặt và vận hành dây chuyền nghiền, tuyển quặng công suất “khủng” lên tới 250 tấn/giờ tại huyện Văn Bàn, tình Lào Cai. Nhà cung cấp dây chuyền trên là Tập đoàn Công nghiệp nặng Thiệu Thuỵ (Quảng Đông, Trung Quốc) thông qua nhà phân phối Việt Nam là Công ty TNHH Thương mại Lương Hà.
Trả lời phóng viên ANTT.VN, đơn vị lắp ráp dây chuyền tuyển quặng cho Công ty TNHH dựng Lan Anh cho biết, công suất khai thác của ở mỏ Văn Bàn của doanh nghiệp này là 1000 tấng quặng/ngày.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho hay, việc vừa xin xuất khẩu quặng tồn kho hơn 110 nghìn tấn để tháo gỡ khó khăn rồi lại ngay lập tức đưa vào vận hành một dây chuyền tuyển quặng công suất “khủng” của Công ty TNHH Xây dựng Lan Anh có vẻ rất “không bình thường”.
Sau khi được cấp "quota" xuất hơn 110 nghìn tấn quặng tồn, Công ty TNHH xây dựng Lan Anh lại đầu tư dây chuyền tuyển quặng mới công suất 250 tấn/giờ.
Trong khi đó, theo các số liệu được công bố, trong giai đoạn 2012-2013, lượng tồn kho quặng sắt cả nước rất lớn (khoảng 3 triệu tấn). Nhiều doanh nghiệp có dây chuyền, thiết bị khai khoáng đã đầu tư trước đó cũng phải nằm “đắp chiếu” do xuất phát từ nguyên nhân ngành luyện kim trong nước (sử dụng quặng sắt làm nguyên liệu đầu vào) không chịu nhập do gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm (đa số doanh nghiệp chỉ vận hành một nửa công suất).
Một chi tiết nữa rất đáng lưu ý trong hoạt động của Công ty TNHH Xây dựng Lan Anh, đó là, ngày 13/09/2012, doanh nghiệp này được UBND tỉnh Lào Cai cấp giấy phép đầu số 12 121 000 355 cho Dự án khai thác, chế biến quặng sắt tại khu vực Đông Nam Làng Lếch thuộc xã Sơn Thuỷ và xã Chiếng Ken thuộc huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai (nằm trong phạm vị mỏ Quý Xa, mỏ sắt lớn thứ nhì cả nước với trữ lượng khai thác dự báo lên tới 120 triệu tấn, có điều kiện khai thác lộ thiên tương đối thuận lợi) với tổng giá trị đầu tư lên đến 165 tỷ đồng.
Được biết, tại điều 7 Chỉ thị 02/CT-TTg ghi rõ: “Cho phép tiếp tục thẩm định, cấp phép hoạt động khoáng sản đã tiếp nhận trước ngày 01/07/2011 phù hợp với quy hoạch đã được quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương có cam kết về địa chỉ sử dụng hoặc gắn với dự án đầu tư chế biến sâu, đủ điều kiện pháp lý, không trái với các quy định đã nêu trên”.
Có nhiều dấu hỏi đặt ra xung quanh việc Công ty TNHH xây dựng Lan Anh được xuất khẩu số lượng quặng tồn rất lớn, trong khi bị “tồn” thì doanh nghiệp này vẫn tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, không loại trừ khả năng một số doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách của Chính phủ cho phép xuất khẩu một số loại khoáng sản tồn kho để dùng chiêu trò “biến tướng” tinh vi, "lách luật" qua mắt các cơ quan chức năng như khai báo khống số lượng quặng đang tồn kho để được tiếp tục xuất khẩu, nhưng thực chất là tiếp tục khai thác tại các mỏ đã được cấp phép trước đó.
Công ty TNHH xây dựng Lan Anh do ai làm chủ, thông tin về vụ việc này sẽ tiếp tục được cập nhật.
Quỳnh Hương