Cháu nội “Vua Mèo” kể về kiến trúc của dinh thự họ Vương
“Chỉ có những người khách quan trọng thì ông nội tôi mới mời về dinh thự họ Vương ở Sà Phìn, còn khách buôn bán thì cụ tiếp ở văn phòng giao dịch tại Phó Bảng”, ông Vương Duy Bảo nói.
Vợ chồng ông Vương Duy Bảo cháu nội Vua Mèo
Khi kể về kiến trúc của dinh thự họ Vương ở thung lũng Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, giọng ông Vương Duy Bảo trở nên hào hứng, vui vẻ.
Ông Bảo cho biết: Ngôi nhà mà cụ tôi Vương Chính Đức - Vua Mèo xây dựng trước kia, hiện nay đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia và trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách khi về với Sà Phìn, Đồng Văn. Ngôi nhà này là do cụ tôi - Vương Chính Đức xây dựng khi còn sống, với trị giá 1,5 vạn đồng bạc xòe thời đó.
Dinh thự vua Mèo - ảnh tư liệu
Kiến trúc của ngôi nhà giống kiến trúc của đời nhà Thanh, Trung Quốc do một người thợ quê gốc Nam Định thiết kế và xây dựng suốt 8 năm ròng.
Ông Bảo tiết lộ : Để xây dựng ngôi nhà này trên diện tích 1.120m2, cụ tôi - Vương Chính Đức đã nhiều năm chuẩn bị nguyên vật liệu như đá xẻ, gỗ lim, gỗ nghiến, ngói âm dương. Ngày xưa, ông tôi trồng rất nhiều cây sa mộc có nguồn gốc từ Trung Quốc, ở phía ngoài cổng và xung quanh ngôi nhà nên khi vào trong dinh thự rất mát. Thời điểm xây dựng ngôi nhà bọn Nhật - Pháp đang xâm chiếm nước ta, nên cụ tôi cũng đã tính đến tình huống có thể biến thì ngôi nhà trở thành căn cứ quân sự để chiến đấu nên ông cho xây dựng 2 vòng tường đá dày cao khoảng 3 mét, có bố trí lỗ châu mai.
Ông Vương Duy Bảo: Cụ tôi xây 8 năm mới xong dinh thự họ Vương (Ảnh: Xuân Hải)
Ông Bảo kể, ngôi nhà có 4 nhà ngang, 6 nhà dọc, được chia thành tiền dinh, trung dinh và hậu dinh có 64 buồng được xây 2 tầng tường bằng đá xanh, mái vách bằng gỗ thông và ngói làm từ đất nung. Lối dẫn vào nhà được làm bằng những phiến đá có chạm khắc nhiều hoa văn, mái nhà cong, uống lượn, mái cổng được làm bằng gỗ lợp ngói, trạm khắc tinh xảo, nhiều hoa văn. Trước nhà được treo bức hoành phi gồm bốn chữ “Biên Chính Khả Phong” là do Vua triều Nguyễn phong tặng cho cụ Vương Chính Đức.
Lô cốt chắc chắn...
“Dinh thự họ Vương được cụ tôi xây dựng đầy đủ như một cái thành có khả năng phòng vệ chiến đấu, từ khu ăn ở, kho lương thực, kho thuốc phiện, kho vũ khí nhưng được ông trang trí rất nhiều hoa văn đặc trưng của người H’Mông”, ông Bảo cho hay.
Ông kể tiếp, dinh thực họ Vương được lợp ngói máng, ngói ống trang trí hoa văn hình chữ “Thọ”, cửa làm bằng gỗ thông có chạm khắc hoa văn độc đáo, trong đó được trang trí một bông hoa anh túc rất to, ngay cả chân cột nhà bằng đá cũng được làm giống hình quả của cây anh túc.
“Điều tôi thích nhất của dinh thự họ Vương là thời đó do thiếu nước sinh hoạt nên cụ tôi đã xây một bể chứa nước mưa với 300m3, khi đó với lượng nước này có thể phục vụ cho bà con Sà Phìn cùng dùng vào mùa khô thiếu nước”, ông Bảo cho hay.
Năm 1993, dinh thự họ Vương được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia, còn ngôi nhà 2 tầng có kiến trúc nửa Tàu nửa Pháp ở Phó Bảng sau đó đã bị bom đạn chiến tranh tàn phá, giờ đây chính quyền địa phương đã xây dựng Nhà văn hóa của thị trấn Phó Bảng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân.
Xuân Hải