Thứ hai, 20/05/2024 15:12
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ bảy, 24/12/2022 16:07

Vụ Đội trưởng cảnh sát ở Hà Nội bị cấp dưới đâm tử vong: Nghi phạm đối diện mức án nào?

Theo chuyên gia pháp lý, vụ việc xảy ra ngay giữa trung tâm Thủ đô đã gây hoang mang trong dư luận xã hội bởi sự manh động của nghi phạm.

Thông tin từ Viện KSND TP. Hà Nội cho biết, cơ quan này đang phối hợp với Công an TP.Hà Nội điều tra vụ Trung tá Nguyễn Thiện Chiến - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Q.Hoàn Kiếm (TP. Hà Nội) bị đâm tử vong. Nghi phạm trong vụ án là Phạm Minh Cường, từng công tác tại Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Q.Hoàn Kiếm (TP. Hà Nội).

Trước đó, khoảng 10 giờ 30 phút cùng ngày 23/12, Phạm Minh Cường (SN 1991) điều khiển xe mang dao bầu đến trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm. Tại đây, Cường đi từ trong sân trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm ra ngoài và rút dao bầu giấu trong người ra đâm một nhát vào lưng Trung tá Nguyễn Thiện Chiến.

Giet-nguoi01

Hiện trường nơi xảy ra vụ án (Ảnh: TL)

Sau khi gây án, Phạm Minh Cường đã đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Hà Nội đầu thú. Nạn nhân được đưa đi Bệnh viện Việt Đức cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, vụ việc xảy ra ngay giữa trung tâm Thủ đô đã gây hoang mang trong dư luận xã hội bởi sự manh động của nghi phạm.

Theo chuyên gia pháp lý này, để có căn cứ xử lý hành vi phạm tội, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích của nghi phạm khi sử dụng hung khí đâm nạn nhân ngay trước cửa cơ quan làm việc.

"Dù có thể do mâu thuẫn, thù tức trong công việc hay trong cuộc sống mà nghi phạm đã chuẩn bị hung khí nguy hiểm đâm trọng thương bị hại là hành vi coi thường pháp luật, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe người khác được pháp luật bảo vệ", Luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm nhận định, hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm nếu đâm nạn nhân vào các vùng trọng yếu trên cơ thể gây thương tích nặng, kể cả nạn nhân không tử vong sẽ bị xử lý về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Xuân Mai  
Xem thêm