Vụ bé trai rơi ống bê tông tử vong: Cần xem xét việc thực hiện an toàn lao động
Theo chuyên gia pháp lý, vụ cháu bé 10 tuổi tử vong khi lọt xuống ống bê tông sâu 35 mét tại Đồng Tháp có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về an toàn ở những nơi đông người.
Bé trai 10 tuổi rơi xuống ống bê tông sâu 35m tử vong
Tối 4/1, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thông tin sau khi trao đổi với cơ quan pháp y và gia đình, đơn vị cứu nạn kết luận bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) đã tử vong. Lực lượng cứu nạn cứu hộ đã thay đổi phương án cứu hộ để đưa thi thể bé trai lên khỏi lòng đất. Chính quyền đang bàn bạc hỗ trợ giúp gia đình chuẩn bị an táng.
Trước đó, khoảng 11h30 ngày 31/12, bé Thái Lý Hạo Nam (SN 2002) cùng ba bạn hàng xóm tới công trình cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) để nhặt sắt. Không may, Nam rơi xuống ống cọc bê tông rỗng, đường kính 25 cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m.
Clip: Khoảnh khắc bé trai 10 tuổi bị rơi xuống ống bê tông sâu 35m ở Đồng Tháp (Nguồn: TL)
Lực lượng cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp thuộc Công an tỉnh Đồng Tháp có mặt ở hiện trường, triển khai nhiều phương án cứu hộ, đồng thời bơm liên tiếp oxy và truyền nước xuống để cháu bé cầm cự. Tất cả các thiết bị chuyên dùng cũng đã được huy động để phá vỡ kết cấu chặt của lớp địa chất làm giảm ma sát xung quanh thành cọc để có thể rút cọc lên cứu cháu bé.
Nhận được thông tin, Ban chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu – Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp; Sở Giao thông vận tải; Ban Quản lý dự án; Tư vấn giám sát; Nhà thầu thi công; chính quyền địa phương, lực lượng y tế và các lực lượng cứu hộ khác đến hiện trường.
Lực lượng cứu hộ làm việc xuyên đêm để giải cứu cháu bé 10 tuổi rơi xuống ống bê tông sâu 35 mét ở Đồng Tháp.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện số 01/CĐ-TTg ngày 02/01/2023 về việc tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sự cố tai nạn tại công trường thi công dự án cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.
Tuy nhiên, do địa chất công trình phức tạp, cọc đóng khá sâu (35m), đồng thời hiện trường nằm sâu trong đồng ruộng nên việc di chuyển thiết bị máy móc gặp nhiều khó khăn nên sau 5 ngày công tác cứu hộ vẫn không đạt được kết quả như dự kiến.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, sự việc cháu bé 10 tuổi bị tử vong sau 5 ngày lọt xuống cọc bê tông của công trình xây dựng tại Đồng Tháp đã gây sự xót thương vô cùng lớn của mọi người trong xã hội.
"Các lực lượng chức năng đã nỗ lực hết mình, ngày đêm bằng các biện pháp kỹ thuật tốt nhất có thể để cứu cháu bé đang trong tình trạng rất nguy hiểm nhưng phép màu đã không xảy ra với cháu bé. Cái chết của cháu bé cũng cần xem trách nhiệm của đơn vị thi công công trình trong sự việc này để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật", Luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.
Nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét trách nhiệm của đơn vị thi công trong việc đảm bảo an toàn khi xảy ra sự việc.
Chuyên gia pháp lý này cho biết, Khoản 1 Điều 3 Thông tư 04/2017/TT-BXD về việc quản lý an toàn lao động trong xây dựng do Bộ trưởng Bộ xây dựng ban hành quy định như sau: “An toàn lao động trong thi công xây dựng công trình là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại nhằm bảo đảm không làm suy giảm sức khỏe, thương tật, tử vong đối với con người, ngăn ngừa sự cố gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng công trình”.
Bên cạnh đó, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 18 2014/BXD an toàn trong xây dựng (hay còn gọi là các tiêu chuẩn về an toàn trong xây dựng) quy định những yêu cầu kỹ thuật an toàn trong thi công xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng nêu rõ: "Xung quanh khu vực công trường phải được rào ngăn và bố trí trạm gác không cho người không có nhiệm vụ ra vào công trường; Mặt bằng công trường và các khu vực thi công phải có hệ thống thoát nước đảm bảo mặt bằng thi công khô ráo, sạch sẽ".
"Giếng, hầm, hố trên mặt bằng và những lỗ trống trên các sàn tầng công trình phải được đậy kín đảm bảo an toàn cho người đi lại hoặc rào ngăn chắc chắn xung quanh với chiều cao tối thiểu 1m; Các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn trong xây dựng đối với đường đi lại và vận chuyển, xếp đặt nguyên vật liệu, nhiên liệu, cấu kiện và thiết bị..."
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc cháu bé 10 tuổi tử vong khi rơi vào ống bê tông sâu 35 mét.
Trong vụ việc này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng cần làm rõ đơn vị thi công có thực hiện đúng các quy định về an toàn trong thi công công trình như phải có rào chắn và có bố trí trạm gác (bảo vệ) để không cho người không có nhiệm vụ đi vào công trình hay chưa, các hố trên mặt bằng có được đậy kín đảm bảo an toàn như quy chuẩn xây dựng hay không để không cho người đi vào (có thể là trẻ em, người có nhược điểm thể chất và tinh thần,..)...
"Trường hợp đơn vị thi công không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp đảm bảo an thi công công trình xây dựng để cho người đi vào tử vong thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự", Luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích.
Theo chuyên gia pháp lý này, vi phạm quy định về an toàn nơi đông người là hành vi vi phạm nội quy, quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn nơi đông người trong quá trình sản xuất, lao động. Hành vi vi phạm về an toàn ở những nơi đông người được thể hiện qua hành vi thi công công trình ở những nơi đông người đã không đặt rào chắn, biển báo hoặc các phương tiện cảnh báo khác nhằm đảm bảo an toàn lao động nơi đông người (ví dụ: Khi thi công đào đường nhưng không làm rào chắn, đặt biển báo, trạm gác bảo vệ...).
Điều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.
1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.