Thứ năm, 16/01/2025 12:09     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ sáu, 16/06/2023 07:00

Vất vả nhưng ba vẫn sống một cuộc đời trọn vẹn

Tôi sinh ra trong một gia đình thuộc “TOP” nghèo nhất xóm đường ray của thành phố Đà Nẵng vào những năm chín mươi. Má tôi bán ve chai, ba tôi chạy xe thồ.

Nếu nói đến nhọc nhằn, chúng tôi thực sự rất vất vả. Nhưng, để nói về hạnh phúc, có lẽ trong cái nghèo thời ấy, rất nhiều người phải ngưỡng mộ chúng tôi.

Tôi nhớ rất rõ, từ khi còn nhỏ xíu, tôi đã quen với mùi mồ hôi ướt đẫm lưng áo mỗi khi ba má về nhà sau một ngày lao động mệt nhọc.

Nhà tôi ba mươi năm trước chỉ là căn phòng trọ bé tí, vừa đủ một chiếc giường cho bốn người nằm. Xe thồ của ba và quang gánh của má luôn để bên ngoài, phơi gió phơi sương.

Má là phụ nữ, sự tảo tần là điều không tránh khỏi. Hầu như phụ nữ thời nào cũng vậy. Còn ba, người đàn ông vừa chạm tuổi bốn mươi, còn trai tráng lắm, vẫn ngày ngày lao ra đường giữa lúc trời vừa điểm sương mai để kiếm từng đồng nuôi con ăn học.

Ba tôi dáng gầy guộc, cao chưa được 1m60. Thời đó, chiếc xe đạp thồ của ba luôn là phương tiện nổi bật nhất xóm nghèo. Mỗi khi xe ba về đầu ngõ, trong nhà đã nghe tiếng lách cách phát ra từ những vật dụng trên xe. Cái xe nặng nề, không cao lắm, nhưng ba phải cố gắng thật nhiều.

Những chuyến trái cây nặng trĩu với đủ thứ cam, táo, dưa hấu,…. từ trung tâm Thương nghiệp Chợ Cồn lúc bấy giờ đi về các chợ nhỏ. Ba thường để xe ngoài cổng, đi bộ vào chợ và khệ nệ khiêng ra những thùng trái cây đủ loại. Sau khi chất đầy số ký vượt quá trọng lượng cơ thể, ba mới nhoài người đạp xe lăn bánh.

ba

Bố trong một lần ra chợ

Những con đường mới mở, xe cộ dần qua lại nhiều hơn. Tôi từng đi phía sau ba, chứng kiến từng cái nhón chân, từng nhịp nghiêng người để di chuyển cả một xe hàng nặng trĩu qua ngã tư tấp nập. Cứ mỗi cái nhích người của ba, tim tôi lại đập thình thịch.

Tôi sợ người ta chạy ẩu, sẽ va trúng ba.

Tôi sợ xe hàng nặng quá, trái cây sẽ chao nghiêng mà rơi xuống đất.

Tôi sợ ba mệt.

Tôi sợ chiều nay ba sẽ về nhà với những nhọc nhằn còn hằn rõ trên khóe mắt vì không đủ tiền đền trái cây cho người ta.

Cứ thế, tôi lầm lũi theo sau cho đến khi phải rẽ hướng đến trường, bỏ lại ba tiếp tục chặng đường mưu sinh mà không hề biết đứa con gái nhỏ đã khóc suốt đoạn đường dài ngay sau bóng lưng lam lũ ấy.

Ba miệt mài với công việc chở trái cây ngày này qua ngày khác. Cứ mỗi chuyến, người ta trả cho ba dăm ba nghìn. Một tháng ròng rã, ba chỉ dám ăn sáng hai, ba bữa vào những khi đói quá, không thể gắng gượng thêm. Hầu như có đồng nào, ba đều chắt chiu mang về đồng ấy.

Nhà tôi có một chiếc tủ nhỏ để cất giữ giấy tờ quan trọng. Ba đặt vào đó hai cuốn Kiến thức Ngày nay đã cũ mèm. Trong mỗi cuốn, ba chia ra hai ngăn cách biệt.

Những dòng chữ nắn nót, bạc màu mực, ghi rành mạch các khoản “Tiền trọ, điện, nước”, “Tiền học cu Huy”, “Tiền học bé Châu”, “Tiền cúng kiếng, cưới hỏi”.

Mỗi ngày đi làm về, ba đều chia nhỏ thu nhập và bỏ vào từng khoản. Có mục, ba bỏ vào năm nghìn đồng. Mục khác, ba chắt chiu chỉ hai nghìn. Những ngày chợ ế ẩm, ba thường ghi chú lại, để hôm sau nhiều chuyến hàng hơn, ba sẽ bỏ bù vào.

Cứ thế, anh em chúng tôi chưa bao giờ thấy ba má lời qua tiếng lại mỗi khi đến hạn cần đóng tiền hay những dịp đột xuất, thăm nom ốm đau, lễ nghĩa.

Vất vả là vậy, nhưng ba vẫn sống một cuộc đời trọn vẹn.

Những năm anh em tôi còn tiểu học, ban ngày ba đi làm, đêm về lại chong đèn, đọc chính tả. Có bao nhiêu thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dường như ba đều thuộc và đọc cho chúng tôi từng câu, từng chữ. Hễ đứa nào viết nguệch ngoạc, ba liền khẽ nhẹ lên tay bằng thanh roi mây đã được tuốt nhẵn bóng.

Đời ba vốn thiếu thốn con chữ vì ông bà nội đông con, nhà lại nghèo khó. Ba khao khát được đến trường nhưng ước mơ chẳng tròn vẹn. Vậy nên ba gửi gắm hết vào chúng tôi, không tránh khỏi có những lúc hai anh em bị đòn đau vì điểm xấu hay quên mất chuyện bài vở. Dù thế, chúng tôi vẫn hiểu và thương ba nhiều hơn.

Có những lời dạy của ba, đã hơn ba mươi năm, nhưng anh em tôi vẫn đang từng ngày thực hiện:

- Ăn cơm phải mời ba má và người lớn, ăn xong trước phải biết xin phép.

- Không được khuấy đũa cá nhân vào tô canh chung.

- Gặp xe tang, không được vượt qua mà phải nhường đường, dừng xe và ngã mũ chào. Nếu con trễ học, bị thầy cô la mắng vì lý do đó, ba cũng hạnh phúc và hãnh diện.

- Đi ra đi vào trong xóm, gặp người lớn phải biết chào.

- Luôn đi sau lưng người lớn nếu muốn băng qua, trường hợp phải đi ngang trước mặt, cần xin phép và cúi đầu.

- Khi gặp nhà có tang, nếu không phải đường lớn gây bất tiện giao thông thì phải dừng xe, tắt máy và dắt bộ.

Còn nhiều nhiều nữa! Những bài học của ba đã nhiều lần bị người này, người kia giễu cợt. Họ nói, ba lạc hậu quá. Nhưng, ba chỉ im lặng và dặn dò chúng tôi giữ trọn vì đó là truyền thống. Mà truyền thống thì nên giữ gìn và phát huy tùy hoàn cảnh chứ không thể xóa bỏ. Đến hôm nay, ba đã có hai cháu và những lời dạy trên vẫn đang được tiếp nối.

Năm nay ba đã hơn 70 tuổi – ngưỡng tuổi mà người ta thường an dưỡng tuổi già bên con cháu. Thế nhưng, chiếc bửng xe thồ vẫn trĩu nặng từng chuyến hàng của ba từ tờ mờ sáng. Tuy ba đã chuyển sang đi xe máy nhưng sự vất vả vẫn nhân lên từng ngày theo độ tuổi ngày một nhiều hơn.

Có hôm, ba về nhà với hai cánh tay trầy xướt, dính đầy cát đất li ti và những vệt máu đã ngã màu đỏ thẫm.

Dù rất lo lắng nhưng tôi ghìm lòng mình lại, không hốt hoảng chạy ào ra để xuýt xoa nức nở. Tôi chỉ mở vội cửa nhà, hỏi lớn:

- Răng rứa ba, răng mà máu me tùm lum rứa ba, rồi ba có đau chỗ mô nữa không?

- Bị sơ sơ thôi, may ba phanh kịp, cái thằng chạy ẩu quá - Ba vừa đáp, vừa nhíu hai chân mày vì cảm giác xót buốt nơi vết thương.

- Rồi họ có bị chi không ba? Họ có dừng lại không hay chạy luôn rứa ba?

- Có, cái thằng cũng đàng hoàng. Mà ba kêu đi đi, không có chi.

Ba là vậy. Có nhiều khi, ba nóng nảy như một tính cách cố hữu của hầu hết đàn ông trên đời. Nhưng, khi một người biết lỗi sai, ba đều hoan hỷ bỏ qua. Những chuyện hợp tan, đến đi trong đời cũng được ba đối diện và vượt qua một cách thong dong nhẹ nhàng. Nhờ vậy, đời ba dù vất vả trăm bề vẫn có thể hoan hỷ sống vui.

Chỉ vài tháng nữa, ba tròn 73 tuổi, một hành trình tiếp nối tiếp tục mở ra. Vẫn những cuốc xe sớm khi trời lạnh sương giăng. Vẫn những buổi sáng bụng rỗng mệt nhoài, khệ nệ khom lưng để ôm những thùng trái cây trĩu nặng. Vẫn những vòng xe lăn bánh khắp các nẻo đường Đà Nẵng đông đúc xe cộ lại qua.

Ba vẫn ném mình vào guồng xoay cuộc sống bởi anh em tôi chưa thật sự trưởng thành, chưa giúp được nhiều cho ba má. Thương ba, nhưng tôi chưa từng một lần đủ bản lĩnh dẹp bỏ những e ngại để đến bên cạnh và nói lên điều ấy. Nhọc nhằn của ba chính là cuộc đời của anh em chúng tôi. Tôi thương ba đến vô cùng!

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn biên tập

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"

Tác giả: Tịnh Vũ

Địa chỉ: K615/29 Tôn Đản, P. Hòa Phát, Q. Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng

Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"

Yêu cầu

- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi

- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam

Thời gian nhận bài thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.

Địa chỉ nhận bài thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Thông tin liên hệ

Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).

Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.

Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!

Ban tổ chức  
Bí quyết '5 chữ' dạy 3 con gái thành CEO và giáo sư đại học nổi tiếng thế giới
'Ngược dòng' dư luận dạy 3 con gái thành thiên tài cờ vua
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: 'Cuộc thi 'Cha và con gái' mang ý nghĩa nhân văn, thấu cảm nhiều người'
NSND Hoàng Cúc: 'Cha sẵn sàng viết đơn cắt hộ khẩu để tôi thoát ly gia đình theo đuổi nghệ thuật'
'Cuộc thi 'Cha và con gái' là cầu nối để tôi được nói tiếng lòng với cha'
“Cuộc thi Cha và con gái giúp tôi nói lời tri ân sâu sắc tới hậu phương”
“Học sinh ngoan, chăm chỉ hơn sau bài viết về cha”
Cuộc thi 'Cha và con gái': Khi tâm tư được viết ra mà không sợ phán xét
PGS.TS Lưu Khánh Thơ: “Cha và con gái” là cơ hội để tôi trải lòng những hồi ức về cha'
Nhà báo Lê Quốc Minh: “Suốt 10 năm tôi đằng đẵng đưa con gái đi học đàn”
Trao giải cuộc thi viết 'Cha và con gái': Lan tỏa những điều tử tế, tốt đẹp cho cộng đồng
Nhà văn Nguyễn Một: Sự chân thật là yếu tố đặc biệt của cuộc thi 'Cha và con gái'
Sáng ngày mai tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái”
MC Chiến Thắng dẫn chương trình Lễ trao giải “Cha và con gái”
Những lá thư tay trong thời đại số
Phát hành sách Cha và con gái: 'Có những câu chuyện làm mình bật khóc ngay từ những dòng đầu tiên'
Ba là 'đôi chân' cho con
Tổng kết và trao giải cuộc thi “Cha và con gái” vào ngày 12/7
Nơi cha và con gái được thành thật với nhau để sẵn sàng tha thứ
Lùi thời gian trao giải cuộc thi viết “Cha và con gái”
Xem thêm