UNESCO vinh danh 'Nghệ thuật Xoè Thái' là di sản nhân loại
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tối 24/9, tại sân vận động thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xoè Thái” vào Danh sách Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xoè Thái” vào Danh sách Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh: Báo chính phủ).
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng các cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên về niềm vinh dự, tự hào khi Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thủ tướng cho rằng, Nghệ thuật Xòe Thái đã vượt qua nét đẹp của loại hình múa truyền thống với thẩm mỹ sáng tạo, khát vọng vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc. Đó là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, sự sẻ chia, tình yêu thương sâu sắc giữa con người với con người, sự hài hòa giữa con người với văn hóa, bản sắc dân tộc và thiên nhiên hùng vĩ với những triết lý sống cao đẹp. Hơn thế nữa, nghệ thuật Xòe Thái còn là thông điệp về trách nhiệm, tình yêu của tất cả chúng ta phải giữ gìn truyền thống lịch sử các thế hệ đồng bào các tỉnh Tây Bắc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi lễ (Ảnh: Báo chính phủ).
Thủ tướng nhấn mạnh, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc với những đặc trưng riêng có của từng dân tộc, từng vùng miền. Di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc anh em, là sự hội tụ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, đồng thời là kinh nghiệm, thể hiện thái độ ứng xử của người Việt Nam.
Do đó, tôn vinh Nghệ thuật Xòe Thái là tôn vinh những giá trị cao đẹp của văn hóa nghệ thuật, của tinh thần đoàn kết, của lòng nhân ái, của tinh thần lạc quan, của tư duy bảo tồn và phát triển; của nét sống hòa hợp với thiên nhiên, của tinh thần trách nhiệm lịch sử không chỉ của các dân tộc Tây Bắc mà của tất cả những người dân Việt Nam...
Toàn cảnh Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xoè Thái” vào Danh sách Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại
“Chúng ta hãy làm bằng tâm huyết, bằng trái tim, bằng tấm lòng, bằng niềm tự hào, bằng nội lực để những lời ca, âm nhạc của các điệu Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe gậy, Xòe hoa... tiếp tục được nuôi dưỡng, phát triển và lan tỏa ra cộng đồng các dân tộc anh em”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chương trình nghệ thuật “Xòe Thái – Tinh hoa miền di sản” với sự tham gia của trên 3.000 nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân
Tại buổi lễ, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, đại diện cho UNESCO đã trao bằng công nhận Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và lãnh đạo UBND các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.
Bà Pauline Tamesis trao bằng của UNESCO công nhận Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Từ năm 2016, tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” đệ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngày 15/12/2021, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản Văn hoá phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Thủ đô Paris (Pháp), Di sản "Nghệ thuật Xòe Thái" của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các hoạt động trong khuôn khổ Lễ đón nhận và Lễ hội diễn ra từ ngày 22 đến 29/9/2022. Cùng với đó, các địa phương trên địa bàn Yên Bái đã và sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hoá, du lịch hưởng ứng diễn ra từ tháng 8 đến hết tháng 12/2022.
Tại buổi lễ đã diễn ra Chương trình nghệ thuật “Xòe Thái – Tinh hoa miền di sản” với sự tham gia của trên 3.000 nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân. Trong đó, màn đại xoè diễn ra với quy mô 2.022 người.
Xoè là một loại hình vũ đạo của Việt Nam với những động tác biểu tượng cho các hoạt động của con người và được thực hành trong nghi lễ, văn hóa, đời sống và công việc.
Xoè được trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội bản mường truyền thống và các hoạt động của cộng đồng. Có 3 loại hình Xòe: Xòe nghi lễ, Xòe vòng và Xòe trình diễn.
Xòe được thực hành tại các bản của người Thái chủ yếu ở 4 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Trung tâm của Xòe có thể được coi ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên), Thuận Châu (Sơn La).