Thu nhập tiền triệu mỗi ngày nhờ làm đầu lân bán Trung thu
Sau thời gian dài ảnh hưởng dịch Covid-19, năm nay các cơ sở làm đầu lân ở Thừa Thiên Huế lại tất bật với công việc khi vào dịp Tết Trung thu mang lại thu nhập tiền triệu mỗi ngày.
Những ngày này khắp các ngõ hẻm tại Thừa Thiên Huế đâu đâu cũng rộn ràng bởi tiếng trống và những đoàn lân sặc sỡ sắc màu biểu diễn phục vụ du khách. Để làm ra được những đầu lân đẹp, hợp ý khách hàng cũng khá vất vả, qua nhiều công đoạn và đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận, tỷ mẩn của người làm đến từng chi tiết vẽ hoa văn.
Cơ sở kinh doanh đầu lân dịp Tết Trung thu ở Thùa Thiên Huế nhộn nhịp trở lại sau thời gian dài nghỉ dịch Covid-19
Lân Huế nổi tiếng bởi sự tỉ mỉ, tinh tế vì có thể kết hợp hài hòa màu sắc giữa các bộ phận, thể hiện sự dũng mãnh, uy vũ của lân. Ngoài ra, họa tiết trang trí ở đôi mắt cũng là nét khác biệt của đầu lân Huế so với các địa phương khác.
Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, năm nay cơ sở Bảo Anh Đường (địa chỉ 5/9 Lê Duẩn, TP Huế) - một trong những nơi làm đầu lân lớn nhất xứ Huế đã nhộn nhịp trở lại.
Người ra vào cơ sở này tìm mua đầu lân rất nhộn nhịp. Vì thế các nhân viên làm việc tại đây phải liền tay vừa làm ra sản phẩm mới để kịp cung ứng thị trường, vừa phục vụ khách đến tìm mua.
Dịp Tết Trung thu, cơ sở Bảo Anh Đường đưa ra thị trường khoảng 500 đầu lân loại lớn cùng hàng nghìn đầu lân các loại khác.
Anh Trương Như Rem (48 tuổi, chủ cơ sở Bảo Anh Đường) cho biết, để hoàn thành 1 đầu lân mất khoảng 7 ngày với rất nhiều công đoạn, trong đó khó nhất là đan sườn và vẽ. Khó là vì việc làm đầu lân thường không có một khuôn mẫu nào mà mình phải tự suy nghĩ, tạo ra hình thù sao cho bắt mắt nhất.
Theo anh Rem, cơ sở làm đầu lân của anh bắt tay vào làm từ sau Tết Nguyên đán. Năm nay, lượng khách đến tìm mua đầu lân đông dần từ thời điểm tháng 6 Âm lịch. Hiện tại, khi Tết Trung thu cận kề, đa số các cơ sở đã dần ngưng sản xuất để tập trung vào công việc phân phối hàng ra thị trường.
Để làm hoàn thành 1 đầu lân mất khoảng 7 ngày với rất nhiều công đoạn khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo
Tùy theo kích thường đầu lân lớn nhỏ mà giá thành khác nhau. Mỗi đầu lân lớn thường có giá khoảng 2 triệu đồng. Số lượng đầu lân được khách hàng ở Hà Nội và nhiều tỉnh khác như Phú Thọ, Hải Dương đến tận Đắk Lắk, Bình Thuận đặt hàng mua từ sớm. Với mức bán như hiện tại cơ sở này có thể thu nhập tiền triệu mỗi ngày.
“Dịp này, riêng cơ sở Bảo Anh Đường đã đưa ra thị trường khoảng 500 đầu lân loại lớn cùng hàng nghìn đầu lân các loại khác. Trước khi lân xuất xưởng và giao đến tay cho khách, mình sẽ là người kiểm tra cuối cùng để gọt tỉa những chi tiết thừa, cân chỉnh lại cho hoàn thiện”, anh Rem nói.
Các mặt hàng đạo cụ đi kèm như trống, đồ ông địa... phục vụ Trung thu được bày bán trên đường phố Huế
Cùng với các cơ sở sản xuất đầu lân, các địa điểm mua bán sản phẩm phục vụ Tết Trung thu trên đường Lê Duẩn (TP Huế) những ngày này cũng tấp nập hơn thường lệ. Ngoài làm đầu lân, các cơ sở sản xuất còn cung cấp các mặt hàng đạo cụ đi kèm như trống, chũm chọe, thanh la, bộ đồ ông địa, chú tễu...
Do sự thay đổi của đời sống, nghề làm đầu lân tại Thừa Thiên Huế ngày càng mai một dần, hiện số lượng gia đình còn giữ nghề truyền thống chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đáng chú ý với hầu hết những gia đình đang giữ nghề tại Thừa Thiên Huế họ không chỉ coi nghề làm đầu lân là công việc mưu sinh mà còn là nơi để gửi gắm những tình cảm, cảm xúc của thời thơ trẻ mỗi dịp Tết Trung thu.