Thông tin thi đại học năm 2014: Người HN rộng lòng đón sĩ tử
Thông tin thi đại học năm 2014: Rất nhiều người sẵn sàng hỗ trợ, san sẻ chỗ ở, bát cơm cho các sĩ tử nghèo từ quê lên thi đại học.
Với họ, được giúp đỡ người khác vừa là niềm vui, vừa là sự khẳng định lòng nhân hậu vốn có của người Hà Nội
7 năm đón sĩ tử đến trọ miễn phí
Năm nay đã 71 tuổi, sức khỏe yếu nhưng bà Đào Thị Thanh Lâm vẫn bắt xe buýt từ nhà ở Cổ Nhuế lên các cụm thi ở đường Cầu Giấy để mời sĩ tử đến ở trọ miễn phí.
Bà còn liên tục liên lạc với các sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi của Thành Đoàn Hà Nội nhờ thông tin đến các sĩ tử.
Bà Đào Thị Thanh Lâm |
Bà Lâm chia sẻ: Vào đợt thi đại học, có rất nhiều cháu ở các tỉnh lên Hà Nội thi. Chân ướt chân ráo, lần đầu tiên đặt chân lên thành phố nên nhiều cháu “ngố” lắm; Đường sá không biết, chỗ thi không biết, đi xe ôm thì bị đắt mất chục lần, ở chen chúc trong những căn phòng chật chội mà mất cả đến triệu đồng.
“Ở một mình, nhà rộng nên cũng muốn có người ở cùng cho vui. Vào đợt thi, thấy các cháu ở chật chội nên thương quá. Cho các cháu ở cũng giúp các cháu tiết kiệm được một khoản tiền tương đối mang về giúp cho bố mẹ. Ở nông thôn, nhiều nhà nghèo lắm, dành dụm mãi mới được một số tiền cho con đi thi”.
Bắt đầu từ năm 2008, đến nay ngôi nhà của bà đã 7 lần đón nhận sĩ tử vào dự thi Đại học. Năm đông nhất, căn phòng của bà đón đến 20 thí sinh. Như thường lệ, kỳ thi Đại học năm nay bà Lâm lại tiếp tục chuẩn bị các vật dụng trong nhà, từ bàn chải đánh răng, dầu gội, bột giặt, giường chiếu… sẵn sàng phục vụ các thí sinh đến ở trọ
Bà Lâm tâm sự: “Tôi rất vui khi năm nào cũng có các cháu gọi điện xin tới ở. Có nhiều cháu đã đỗ đại học, nhiều đứa giờ đã học xong, ra trường đi làm, nhiều cháu đã thành đạt. Đó là động lực thôi thúc tôi tiếp tục đón các thế hệ sĩ tử tiếp theo”.
Năm đầu sợ còn nhiều bỡ ngỡ
Chị Nguyễn Thị Loan ở số 7 phố Hương Viên từ mấy hôm nay đã bắt đầu sửa sang nhà cửa để chuẩn bị đón tiếp các sĩ tử.
Đây là căn nhà tương đối rộng tại một mảnh đất vàng, giá thuê các phòng có thể lên đến chục triệu đồng/tháng và đã có rất nhiều người đến hỏi thuê.
Tuy nhiên, chị Loan đã lùi thời gian cho thuê nhà đến hết tháng Bảy để dành phòng miễn phí cho thí sinh trong 2 đợt thi đại học.
Toàn bộ 4 phòng ở tầng 2 và tầng 3 sẽ được chị miễn phí cho các thí sinh tỉnh xa đến trọ.
Bà Đào Thị Thanh Lâm |
Chị Loan cho biết, lần đầu tiên làm nên chắc chắn sẽ có rất nhiều bỡ ngỡ, chưa biết đón tiếp các cháu thế nào, sợ nhiều người thấy miễn phí nên ngại đến, rồi lo đến chuyện phục vụ bữa ăn cho các cháu, sao cho các cháu có chỗ ăn ngủ tốt, lại không bị mang tiếng là cho ở miễn phí để bán cho thứ khác đắt hơn…
Đã có nhiều phương án được chị Loan nghĩ ra như nhờ nhà bếp ở cơ quan nấu thêm cho chục suất ăn, rồi mua thêm vài thùng mì để ai có nhu cầu ăn thêm thì tự nấu.
Chị còn nghĩ đến việc mua thêm chăn, chiếu, hòm đựng đồ cho các thí sinh. Chị cho biết, do cơ quan có bếp ăn riêng, được trợ giá nên mỗi suất chỉ có giá 15.000 đồng, nếu đề nghị lên Ban Giám đốc chắc chắn sẽ được ủng hộ nhiệt tình và nhờ đó, các thí sinh lên ở nhà chị sẽ có bữa ăn giá rẻ, hợp vệ sinh.
“Tôi xem trên tivi, thấy các cháu tỉnh xa mỗi lần về Hà Nội thi đại học vất vả, tốn kém quá nên muốn góp sức trợ giúp cho các cháu. Cũng chỉ mong các cháu đạt kết quả tốt trong kì thi là tôi mừng lắm rồi” - Chị Loan tâm sự.
Người Hà Nội luôn có tấm lòng nhân hậu
Ngôi nhà 5 tầng tại số 57A phố Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm) của chị Trần Thị Bích từ nhiều năm nay đã trở thành điểm đến của nhiều thí sinh từ các tỉnh về thi.
Chị Bích cho biết: Năm 2009, cô con gái làm công tác Đoàn ở Học viện Ngoại giao xin phép bố mẹ được giúp đỡ các sĩ tử có chỗ ngủ nghỉ miễn phí trong những ngày thi.
Nghe con trình bày, chị thấy hợp lý nên đồng ý ngay. Thế là từ đó, căn phòng rộng hơn 40 m2 mà gia đình chị sinh hoạt thường ngày đã trở thành chỗ ở miễn phí cho hàng trăm sĩ tử.
Chị Trần Thị Bích |
Thủ tục để được đăng ký ở nhà chị khá đơn giản. Thí sinh chỉ cần có Thẻ dự thi Đại học với địa điểm thi ở gần nhà chị và mang theo chứng minh nhân dân để chị làm thủ tục khai báo tạm vắng, tạm trú.
Thời gian trước đây, có trường hợp sĩ tử do ăn cơm bụi bị đau bụng, ảnh hưởng đến việc thi cử, nên gần đây chị đã động viên phụ huynh đi chợ ở gần đó và nấu ăn cho các sĩ tử ngay tại nhà, không những thế chị còn cung cấp gạo, gia vị phục vụ cho việc nấu nướng.
Để động viên các em nhiều lúc chị còn mua hoa quả cho mọi người. Nếu thí sinh và người nhà muốn đi đâu hoặc tới các địa điểm thi, chị lại gọi “xe ôm” và mặc cả trước để họ không bắt chẹt thí sinh.
Chị Bích cho biết, việc các nhà trọ đồng loạt tăng giá, xe ôm vòi thêm tiền, các quán ăn đắt đỏ đã làm mọi người có cái nhìn không tốt, hiểu không đúng về người Hà Nội.
Vẫn có rất nhiều người thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của các thí sinh và mong được góp sức mình giúp các em vượt qua những khó khăn đó.
Với chị Bích, tình cảm mà mọi người dành cho chị luôn là một nguồn động viên vô cùng quý giá. Tuy nhiên điều khiến chị vui mừng hơn đó là sau mỗi mùa thi, chị nhận được điện thoại của các sĩ tử đã từng ở trọ nhà mình báo tin đã trúng tuyển. Chị coi đó là một niềm vui mà không dễ ai có được.