Thông tin mới nhất vụ TMV Cát Tường và buôn bán trẻ em chùa Bồ Đề
14h chiều nay (5/8), Ban Tuyên giáo TP. Hà Nội tổ chức họp báo công bố về diễn biến mới trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường vứt xác bệnh nhân và nghi án mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề.
Theo đó, sau hơn 9 tháng tìm kiếm, tối 4/8, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an công bố đã tìm thấy hài cốt chị Lê Thị Thanh Huyền trên cơ sở giám định mẫu ADN của mẹ đẻ và con chị Huyền sau khi phát hiện xác chết nghi ngờ là thi thể chị Huyền trong vụ TMV Cát Tường phi tang xảy ra vào ngày 19/10/2013.
Hai đối tượng trong vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề
-> Luật sư nói gì về vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề
Đây được coi là căn cứ rất quan trọng trong việc điều tra và xử lý chính xác tội danh của chủ thẩm mỹ viện Cát Tường là bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường và bảo vệ Đào Quang Khánh.
Một vấn đề khác cũng được dư luận quan tâm trong những ngày qua liên quan đến chùa Bồ Đề sau khi cơ quan công an tiến hành bắt giữ Nguyễn Thị Thanh Trang (36 tuổi, nhân viên trong chùa) bán một em bé với giá 35 triệu đồng cho Phạm Thị Nguyệt (35 tuổi, Ninh Bình). Công an đã khởi tố vụ án, tạm giam hai người phụ nữ liên quan.
Nguyễn Thị Thanh Trang là bảo mẫu tại chùa Bồ Đề.
Lãnh đạo PC45 - Công an Hà Nội có mặt trong buổi họp báo tại Thành ủy chiều 5/8 để thông tin về những vụ việc gây bức xúc dư luận thời gian qua (Ảnh: VnExpress)
Những vấn đề mới nhất liên quan đến 2 sự việc chấn động nói trên sẽ được trả lời trong buổi họp báo do Ban Tuyên giáo TP. Hà Nội tổ chức vào chiều nay.
Tìm thấy xác chị Huyền từ ngày 18/7
Thượng tá Võ Hồng Phương (Phó phòng PC 45 Công an Hà Nội) cho biết, chiều 18/7, người dân phát hiện một thi thể có đặc điểm giống nạn nhân bị chủ thẩm mỹ viện Cát Tường vứt xác.
Mẫu vật đã được gửi đến Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để giám định. Qua phân tích mẫu xương, tế bào niêm mạc bố mẹ và mẫu tóc của bố cùng con trai chị Huyền, công an xác định thi thể đó chính là chị Lê Thị Thanh Huyền.
Trả lời câu hỏi về việc phát hiện thi thể chị Huyền có làm thay đổi tội danh các bị can và cách nào để tìm ra nguyên nhân cái chết, Đại tá Nguyễn Văn Viễn - Chánh văn phòng Công an Hà Nội cho biết: "Đây mới là bước đầu giám định, phải điều tra cụ thể bằng nhiều biện pháp nữa mới có thể kết luận".
Một câu hỏi khác: Xác chị Huyền được phát hiện như thế nào và bên trong có bê tông hay không?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Viễn cho biết: "Thời gian nạn nhân mất tích quá lâu, thi thể bị phân hủy nặng, cơ quan điều tra chỉ lấy được một mẫu gien để giám định chứ chưa trả lời được có bê tông bên trong hay không. Chúng tôi sẽ thông báo sớm, kịp thời diễn biến tiếp theo của vụ việc".
Quy trình nhận nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề lỏng lẻo
Báo Tuổi trẻ cho hay, tại cuộc họp báo Thượng tá Vũ Thái Hưng - Phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an Hà Nội cho biết anh Nguyễn Thành Long, ở phường Thịnh Quang, quận Đống Đa có đến chùa Bồ Đề nhận làm cha đỡ đầu một bé trai sinh tháng 10/2013, đang được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề, đặt tên là Cù Nguyên Công.
Tuy nhiên đến 5/1, khi anh Long tìm cháu thì không thấy cháu ở tại chùa. Sau đó anh Long làm đơn tố cáo đến cơ quan công an.
Qua điều tra, cơ quan công an xác định bé Cù Nguyên Công là con của Trần Thị Thu H và Vũ Xuân T.
Do không thể đi đến hôn nhân, sau khi có thai H và T đã tìm một nhà nghỉ ở quận Nam Từ Liêm làm nơi sinh cháu Công. Do sợ bị gia đình biết, họ đã mang cháu bé đến chùa Bồ Đề, quận Long Biên nhờ nuôi dưỡng.
Họp báo về TMV Cát Tường và vụ mau bán trẻ em ở chùa Bồ Đề (Ảnh: Tuổi trẻ)
Tại đây, sư trụ trì Thích Đàm Lan đã hướng dẫn người mẹ trẻ gặp Nguyễn Thị Thanh Trang, SN 1978, trú tại phố Mai Hắc Đế, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) là người quản lý “nhà mở” - nơi trông trẻ của chùa Bồ Đề, địa chỉ tại tổ 2, phường Bồ Đề, quận Long Biên.
Trang đã hướng dẫn mẹ cháu Công làm làm thủ tục gửi trẻ và khoảng một tuần sau, anh Nguyễn Thành Long đến chùa Bồ Đề làm từ thiện, đã nhận bé Công (lúc đó chưa được đặt tên) làm con đỡ đầu và đặt tên cháu là Cù Nguyên Công.
Sau lần đó, thỉnh thoảng anh Long vẫn sang chùa Bồ Đề thăm cháu và kể từ đầu năm 2014 đến nay thì không được gặp cháu nữa.
Tìm hiểu về vấn đề này, cơ quan điều tra nắm được cách đây 1 năm, một phụ nữ tên là Phạm Thị Nguyệt, SN 1979, ở phường thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã nhờ Nguyễn Thị Thanh Trang tìm cho một đứa trẻ khỏe mạnh để nhận làm con nuôi.
Trước đó, Nguyệt đã nhận nuôi 2 đứa trẻ khác và Nguyệt hứa bồi dưỡng cho Trang tiền.
Giữa tháng 12/2013, Trang nói với mẹ bé Công là có người bà con muốn nhận cháu về làm con nuôi và nhờ người quen tên là Minh, ở phường Bồ Đề, quận Long Biên nhập vai là chị dâu của Trang để gặp mẹ bé Công nói chuyện.
Sau khi chấp nhận cho đứa con trai ruột, mẹ bé Công được Trang chuyển cho 10 triệu đồng vào tài khoản.
Sau khi mẹ bé Công đồng ý, Trang yêu cầu Nguyệt phải chi 40 triệu đồng để trả cho mẹ cháu. Nguyệt chấp thuận và chuẩn bị trước 35 triệu đồng.
Ngày 2/1/2014, tại nhà mẹ đẻ Trang ở huyện Thanh Trì (Hà Nội), Nguyệt đã nhận bé Công và cùng Trang đưa cháu đi xét nghiệm HIV, rồi giao tiền cho đối tác như đã thỏa thuận.
Sau đó, cháu Công được Nguyệt đưa về quê ở tỉnh Ninh Bình làm giấy khai sinh với tên Phạm Gia Bảo, sinh ngày 10/10/2013.
Đến cuối tháng 6/2014, bé Công do bị bệnh đã được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị và đã không qua khỏi, tử vong vào ngày 27/6/2014.
Qua điều tra, cơ quan công an đã bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt để điều tra.
Trong quá trình điều tra, lực lượng công an đã phát hiện và thu giữ nhiều giấy khai sinh của các cháu bé không phải con đẻ của Nguyệt và giấy viết tay của người khác, có dấu hiệu làm giả để hợp thức hóa nguồn gốc các cháu bé Nguyệt đang nuôi.
Trong quá trình tiếp nhận, nuôi trẻ em tại chùa Bồ Đề tương đối lỏng lẻo, các cháu vào ra không có giấy tờ mang tính chất pháp lý để quản lý.
Đó là nguyên nhân điều kiện rất thuận lợi cho tội phạm mua bán người lợi dụng và sự việc vừa rồi đã bị lợi dụng.
Chúng tôi cũng muốn kiến nghị những nơi chăm nuôi, chăm sóc trẻ em phải có sổ sách đầy đủ, có khai báo chính quyền.
Về câu hỏi sư trụ trì chùa có bị điều tra không, Thượng tá Vũ Thái Hưng khẳng định cháu Cù Nguyên Công có danh sách tại chùa Bồ Đề khi vào và khi ra khỏi chùa, đều có giấy tờ đầy đủ.
Về dấu hiệu có đường dây buôn bán trẻ em hay không, thượng tá Hưng khẳng định trước đây không có, sau đó thì có nên cơ quan điều tra đã vào cuộc.
Trách nhiệm sư trụ trì sẽ có nhưng sẽ tiếp tục điều tra làm rõ. Còn có liên quan đến việc mua bán trẻ em hay không thì cho đến nay chưa có đủ tài liệu.
Các đơn thư đều xác minh và cho đến nay có 9 trường hợp thì có thì sẽ phải tiếp tục điều tra.
Đương nhiên hiện nay Thích Đàm Lan là đối tượng điều tra nhưng trách nhiệm làm rõ đến đâu sẽ xử lý đến đó.
"Việc trước đó lãnh đạo CA quận Long Biên trả lời không có chuyện mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề thì có thể đồng chí đó không có đủ thông tin, còn chúng tôi có đủ thông tin nên chúng tôi làm.", ông Vũ Thái Hưng nói.
-> Nghi vấn phòng khám tư tham gia vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề
Ban biên tập