Thứ bảy, 11/05/2024 05:56
|
Hà nội 21*C/61%
Emagazine
Mặc dù đã bước ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn (82 tuổi) vẫn dáng vẻ mẫn tuệ, hồ hởi kể về những ngày đầu “mở đường” trong phong trào “Nghìn việc tốt” trong sự nghiệp trồng người ở quê hương Kinh Bắc.

Nghị lực thép vượt lên số phận

Sinh năm 1940 tại Đình Bảng (Từ Sơn - Bắc Ninh) - một vùng hiếu học và giàu truyền thống yêu nước, năm 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Đức Thìn đã bắt đầu "bén duyên" với nghề giáo.

Năm 1978, đang ở độ tuổi chín muồi của sự nghiệp, mới ngoài 30 tuổi, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn dạy học tại Trường cấp II Liên Sơn nay gọi là Trường Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh) bất ngờ phát hiện mình bị mắc căn bệnh phong. Trước đây, căn bệnh này từng bị coi là "tứ chứng nan y".

avt 2

Xót cho phận mình, sau nhiều đêm đắn đo, suy nghĩ, gạt nước mắt để lại vợ dại con thơ nơi quê nhà, công việc còn dang dở và các em học sinh yêu quí, thầy Nguyễn Đức Thìn quyết định lên đường chữa bệnh.

Chuyến xe chở ông đến viện phong tại xã Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu, Nghệ An) vào một ngày cuối đông giá rét. Giống như bao người mang trong mình căn bệnh quái ác cùng về đây, ông nặng trĩu buồn đau bởi không biết còn cơ hội trở về quê nhà nữa không khi chứng kiến nhiều bệnh nhân không chịu được đau đớn mà chết, người khỏi bệnh cũng không dám quay trở về quê vì sợ dân làng xa lánh và kì thị.

Đến trại phong, nhìn những cảnh đời cô quạnh, cụt chân, cụt tay, dù bệnh tật đã đỡ nhưng cũng không dám về quê mà ở lại cho đến chết, thầy Thìn mới thấm thía hết nơi này đau thương và bất hạnh thế nào.

Vốn là thầy giáo dạy Văn - Sử, hành trang mang theo của thầy khi đó chỉ là những cuốn sách, tập vở, bút viết, chiếc máy ảnh và mấy bộ quần áo. Nhìn các cháu nhỏ không được học hành, phải theo bố mẹ sống trong trại phong mà ông không kìm được lòng. Thế rồi ông tự nhủ mình phải sống, sống để còn giúp đỡ các em được học hành và làm những việc có ý nghĩa.

Nghĩ là làm, ông đến gặp Giám đốc bệnh viện nói lên ý tưởng của mình và xin thành lập trường dạy chữ cho con em bệnh nhân phong. Trước nhiệt huyết và tấm lòng của thầy giáo Nguyễn Đức Thìn, Ban Giám đốc Bệnh viện đồng ý cho mở trường học Lê Văn Tám.

Trường được thành lập trong niềm vui sướng, hân hoan của biết bao người, đặc biệt là những đứa trẻ đáng thương và những gia đình đang điều trị bệnh phong nơi đây.

Ngoài việc trực tiếp tổ chức, lên kế hoạch và đứng lớp giảng dạy, thầy Nguyễn Đức Thìn còn tập hợp tất cả những người từng làm giáo viên, họa sĩ,... đang điều trị tại đây, bất cứ ai có thể dạy được điều gì hữu ích cho các em thì ông đều mời tham gia giảng dạy.

Nhớ lại những ngày tháng chống chọi với căn bệnh quái ác, thầy Nguyễn Đức Thìn kể: "Bệnh phong kéo theo đau thần kinh trụ, đau như khoan vào xương. Để vơi đi nỗi đau, những lúc ấy tôi phải hát lên để quên cơn đau". Hơn ai hết, ông biết rõ rằng những lúc đau đớn mà nằm gục một chỗ sẽ không thể gượng dậy được và cái chết sẽ chực chờ phía trước.

avt

Trong suốt thời gian điều trị, không ngày nào thầy Thìn không viết nhật ký và chụp những bức ảnh ghi lại cuộc sống của các bệnh nhân phong phải chịu những cơn đau đớn hành hạ hằng ngày. Xúc động nhất vẫn là những câu chuyện của các em nhỏ, con của bệnh nhân phong ở đây.

Khởi xướng phong trào "Nghìn việc tốt"

Sau bốn năm vất vả điều trị, sức khỏe của ông đã đủ điều kiện để có thể trở về quê nhà sinh hoạt và làm việc bình thường. Gắn bó với lớp với trường tại bệnh viện phong như không thể rời xa, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, một lần nữa ông đành phải gạt nước mắt trở về trường cũ để tiếp tục đứng lớp và cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người và phong trào "Nghìn việc tốt" do chính ông khởi xướng trước khi bị bệnh.

Hơn 30 năm đứng lớp, năm 1991, thầy Thìn nghỉ hưu theo chế độ và về tham gia công tác tại đền Đô với vai trò là thành viên Ban Quản lý Di tích. Thầy Thìn cũng là một trong những người viết đơn xin xây dựng lại đền Đô. Khi đền Đô được xây dựng lại, thầy Thìn lại kiêm thêm nhiệm vụ bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.

Mặc dù đã bước ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn (82 tuổi) vẫn dáng vẻ mẫn tuệ, chân bước nhanh nhẹn với giọng trầm bổng hồ hởi kể về những ngày đầu “mở đường” trong phong trào “Nghìn việc tốt” trong sự nghiệp trồng người ở quê hương.

Ngày 24/3/1963, sau buổi sinh hoạt toàn trường với nội dung "Làm nghìn việc tốt để thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy", thầy và trò Trường Tam Sơn khi đó đã cùng nhau đi trồng cây hai bên đường, lối vào nhà lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự, người chiến sĩ cách mạng kiên cường.

"Những năm sau đó, ngày 24/3 đã trở thành "Ngày hội nghìn việc tốt" của Trường Tam Sơn. Bác Hồ biết chuyện, đã rất hoan nghênh và Người đã nêu ra khẩu hiệu: "Làm nghìn việc tốt - chống Mỹ cứu nước". Thật vinh dự cho thầy, trò Trường Tam Sơn, đúng ngày mùng một Tết năm 1967, Bác Hồ đã về thăm trường, Bác căn dặn: "Các cháu hãy làm nhiều việc tốt hơn nữa, để xứng đáng là cháu ngoan của Bác", thầy Nguyễn Đức Thìn nhớ lại.

Từ ngôi trường Tam Sơn, phong trào "Nghìn việc tốt" được lan rộng khắp huyện rồi khắp tỉnh. Các tỉnh khác thấy Bắc Ninh có phong trào ý nghĩa thì đến học hỏi. Dần dần “Nghìn việc tốt” không chỉ nằm trong phạm vi một tỉnh mà có ở khắp các trường học trong nước.

Chưa dừng lại ở đó, những năm 1970, phong trào “Nghìn việc tốt” không chỉ được nhân rộng trên tất cả các trường học trong nước mà còn được nhiều quốc gia khác sang học hỏi kinh nghiệm. Nhiều nước Đông Âu dẫn đoàn học sinh sang Việt Nam tìm hiểu.

avt 3

Từ phong trào này, trường học trên khắp Đông Âu đã tích cực làm theo và đem lại những kết quả tốt đẹp. Nhiều lần thầy Nguyễn Đức Thìn đã dẫn đoàn học sinh Việt Nam sang các nước Đông Âu để thuyết trình về “Nghìn việc tốt” trong học đường.

Với những cống hiến lớn lao đối với sự nghiệp giáo dục, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn đã được Nhà nước tặng thưởng những phần thưởng và danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động (năm 1985); Nhà giáo Nhân dân (năm 1988), được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2019) cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Những tác phẩm tiêu biểu của ông là cuốn tự truyện "Chuyện cuộc đời" và tập thơ "Bình minh đến sớm" và đặc biệt là tuyển tập "Nghìn việc tốt - Chuyện kể ở Tam Sơn" được in nhân dịp kỷ niệm 50 năm phong trào "Nghìn việc tốt" (24/3/1963 – 24/3/2013).

Nam Anh  
Ăn trứng vịt lộn có thực sự giúp quý ông “sung mãn”?
Cùng Vietjet bay khắp thế giới - làm mới chính mình đón hè rực rỡ   
Mất 3,6 tỷ đồng sau cuộc điện thoại của người lạ
“Cái chết trắng” bên thảm cỏ xanh
Người Việt thích thưởng trà nhưng đa số mắc 3 sai lầm tai hại
Vì sao nhà giàu thích chơi tranh?
Mùa hè nóng nực ăn kem mỗi ngày có tốt không?
Vì sao đồ điện tử gặp lỗi chỉ cần
Bé gái 5 tuổi uống nhầm hoá chất thí nghiệm
Nàng wags Việt khi mang bầu: Doãn Hải My nhan sắc đỉnh chóp, Chu Thanh Huyền “đu trend” nhảy nhót
4 thứ tưởng vô hại nhưng tiềm ẩn rủi ro cho trẻ nhỏ
Nam giới ăn giò lợn, chân dê tăng cường
Xem thêm