Thắt chặt hầu bao "nuôi" điều hòa
Nắng nóng cao điểm, điều hòa trở thành vật không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, để "nuôi" điều hòa, nhiều bạn trẻ vừa đi làm ở Hà Nội đã buộc phải thắt chặt hầu bao các khoản chi tiêu khác trong tháng.
Việc liên tục trải qua cái nắng nóng gay gắt gần đây đã khiến cho nhu cầu sử dụng các thiết bị điện làm mát liên tục tăng. Đáng nói, đây cũng là thời điểm giá điện vừa tăng khiến nhiều người không khỏi lo lắng về khoản chi cho tiền điện hàng tháng.
Cụ thể, theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ ngày 4/5, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,37 đồng/kWh so với mức hiện nay là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương ứng mức tăng 3%.
Tuy giá điện tăng với tỉ lệ không cao nhưng với thời tiết “khắc nghiệt” như hiện nay, việc liên tục phải sử dụng điều hòa - vật dụng đứng đầu trong những thiết bị có mức tiêu thụ điện cao khiến nhiều người phải lo ngại.
Lao đao vì điều hòa
Gia đình chị Lan (ở Tây Hồ, Hà Nội) có 5 khu vực phòng tách biệt, vì gia đình đông người nên mỗi khu vực phòng đều bố trí điều hòa để tránh nóng mùa hè. Tuy nhiên, không phải điều hòa nào cũng là loại mới, tiết kiệm điện, mà còn có các dòng điều hòa cũ tốn nhiều điện hơn.
“Trung bình, hóa đơn tiền điện vào mùa hè rơi vào khoảng 2 triệu, thậm chí những đợt nắng nóng cao điểm còn có thể tăng lên gấp đôi”, chị Lan cho biết.
Với những người đi ở trọ như Phương Duyên - sinh viên Học viện Kỹ thuật mật mã, việc lắp đặt điều hòa giúp Duyên mỗi lần về phòng sẽ thoải mái, dễ chịu hơn. Nhưng khi nhìn vào hóa đơn tiền điện, cảm xúc dễ chịu ấy đã… mất đi khá nhiều.
“Hôm nào đi học về mở cửa phòng ra là như “cái lò hỏa thiêu”, lại không có cửa sổ nên quạt với điều hòa phải hoạt động hết công suất. Nhưng nhìn vào hóa đơn tiền điện mình rất sốc vì so với tháng trước không dùng điều hòa thì tháng này tăng gần 200 số điện”, Duyên ngậm ngùi.
Không chỉ tiền điện, chi phí bảo dưỡng và sửa chữa điều hòa cũng khiến nhiều người lo lắng. Hữu Duy (ở Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ trong đợt hè năm ngoái, bạn đã tốn gần 2 triệu đồng để sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa.
"Điều hòa này mình lắp hồi tháng 6 năm ngoái, tính đến giờ phải sửa ba lần rồi. Ngay đợt nóng vừa rồi lại hỏng nữa, thay sửa với bơm lại ga hết hơn 1 triệu. Ngoài ra thì mỗi đầu mùa với cuối mùa còn phải gọi thợ đến vệ sinh với kiểm tra”, Duy nói.
Hè năm ngoái, Duy đã tốn gần 2 triệu để sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa (Ảnh: Hải Vân)
Thắt lưng buộc bụng "nuôi" điều hòa
Trời nắng nóng kèm giá điện gia tăng nên người dân đã phải đưa ra nhiều giải pháp để cân bằng chi tiêu, “nuôi” điều hòa.
Chị Lan cho biết: “Buổi tối gia đình tôi sẽ tập trung ở phòng khách để chỉ phải bật một điều hòa. Còn đêm đi ngủ chỉ hẹn giờ chạy khoảng 3 - 4 tiếng chứ cũng không dám bật cả đêm. Những hôm nào không nóng quá thì sẽ cố gắng chỉ sử dụng quạt."
Gia đình chị Lan hạn chế thời gian sử dụng điều hòa để tiết kiệm điện (Ảnh: Minh Châu)
Dù tháng rồi chỉ bật điều hòa chưa đến mười ngày nhưng tiền điện đã có dấu hiệu tăng, Duyên lo lắng nếu vào thời gian nắng nóng cao điểm chi phí sẽ tăng thêm rất nhiều. Để có thể cân bằng chi tiêu trong mùa nóng, Duyên quyết định nói không ăn hàng và chủ động nấu cơm ở nhà.
"Mỗi ngày mình đều cố gắng dậy sớm đi chợ về nấu cơm để tiết kiệm. Ăn uống cũng đơn giản hơn, tiết kiệm được chút nào thì hay chút đó", Duyên cho hay.
Bữa cơm đơn giản để tiết kiệm tiền của Duyên (Ảnh: NVCC)
Giống như Duyên, Hữu Duy cũng phải điều tiết lại các khoản chi của mình sau khi dành tiền tu sửa điều hòa. Mặc dù phí “chữa” ngốn đến nửa tháng tiền cơm, Duy vẫn cho rằng việc có điều hòa giữa mùa nắng nóng vẫn là điều nên được ưu tiên.
“Người mới đi làm như mình chẳng dư dả gì, tháng nào điều hòa "dở chứng" thì coi như các khoản mua sắm, tụ tập bạn bè tháng đó phải cắt giảm vì phần lớn tiền tiêu trong tháng đã đổ vào điều hòa", Duy giãi bày.