Thất bại đã “cứu” đội tuyển Thái Lan
Nếu tối qua Thái Lan lên ngôi vô địch ASEAN CUP, hẳn Supachok và đồng đội sẽ hứng chịu một cơn bão chỉ trích của cộng đồng bóng đá khắp nơi trên thế giới chứ không riêng gì người hâm mộ túc cầu Đông Nam Á.
Phút thứ 64, tỷ số trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 đang là 1-1, Hoàng Đức của Việt Nam chấn thương nằm sân, thủ môn Đình Triệu ném bóng ra đường biên. Hết pha bóng, thay vì trả bóng lại cho Việt Nam đúng với tinh thần Fair Play, các cầu thủ Thái Lan lại tìm cách chuyền bóng cho Supachok. Tin tưởng đối phương chơi đẹp, sẽ trả bóng về cho mình nên đa số các cầu thủ phòng ngự Việt Nam đều không áp sát, kể cả thủ thành Đình Triệu cũng không sẵn sàng, dẫn đến cú sút xa thành bàn của cầu thủ số 7 bên phía Thái Lan.
Đó là một cú sút xa rất đẹp, một siêu phẩm đẳng cấp thế giới nếu không tính đến tình huống dẫn đến bàn thắng. Nhìn cái cách ăn mừng như cuồng nhiệt của các cầu thủ Thái Lan sau bàn thắng theo kiểu “ăn cắp” có thể thấy họ khát khao phục hận như thế nào đối với đội tuyển Việt Nam sau trận thua ở lượt đi.
Trọng tài đã phải dừng trận đấu khá lâu để giải thích cho cầu thủ và Ban huấn luyện 2 đội. Truyền hình nước chủ nhà thời điểm đó đã không chiếu lại tình huống dẫn đến bàn thắng khiến cho đa số khán giả không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tuy nhiên, nếu là những người xem bóng đá lâu năm, chỉ cần nhìn cách phản đối của cầu thủ Việt Nam và những cử chỉ của trọng tài qua truyền hình cũng có thể đoán được nguồn cơn của sự việc.
Không thể trách trọng tài trong trường hợp này bởi Fair Play là câu chuyện thuộc về đạo đức. Thái Lan đã ghi bàn không sai luật, bàn thắng phải được công nhận.
FIFA hay bất kỳ tổ chức thể thao nào trên thế giới đều hướng các đội bóng, các VĐV và cả cộng đồng thể thao hướng đến những giá trị cốt lõi của nó, trong đó “chơi đẹp” luôn được đặt lên hàng đầu bên cạnh các cụm từ khác như “chiến thắng, vinh quang, nỗ lực, vượt giới hạn”…
Khi các cầu thủ bước ra sân trước mỗi trận thi đấu bóng đá quốc tế, bên cạnh lá cờ tổ quốc của 2 đội bóng, bao giờ cũng có lá cờ Fair Play. Nhưng tối qua, vì quá say máu với “chiến thắng”, với “vô địch”, Supachok và đồng đội của anh đã cố tình quên mất thông điệp từ lá cờ ấy. Chưa kể, khi bạn chơi trên sân nhà, đang “tiếp khách” hàng xóm Đông Nam Á, đó là một ứng xử xấu xí. Thắng lợi như thế nếu có sẽ phải đối mặt với rất nhiều sự chỉ trích, chê trách, thậm chí lên án mạnh mẽ của những người hâm mộ bóng đá.
Sẽ có người cho rằng, bóng đá đã có luật và đó là cách sử dụng “tiểu xảo”, sự tinh quái để lừa đối thủ. Quả thật, đã có nhiều trường hợp cầu thủ không trả bóng khi đối phương đá ra đường biên sau một pha chấn thương. Nhưng thường thì đó là những pha bóng mà cầu thủ chấn thương cố tình câu giờ hoặc khi trận đấu đã sắp kết thúc. Nhưng đa số những tình huống như thế, cầu thủ không trả bóng sẽ chỉ ném biên về phía sân nhà, cho thủ môn hoặc hậu vệ chứ không phát triển bóng theo hướng tấn công rồi ghi bàn.
Trở lại với tình huống “đánh cắp” bàn thắng của tiền vệ số 7 Supachok. Đây cũng sẽ là bài học cho các tuyển thủ Việt Nam, đó là trong mọi tình huống phải luôn tập trung cao độ. Không thể chững lại để chờ đợi đối thủ chơi với tinh thần Fair Play. Chữ “ngờ” trong bóng đá đôi khi còn nghiệt ngã hơn cả trong cuộc sống đời thường là vậy.
Cuối cùng thì thẻ đỏ của Weerathep và bàn phản lưới nhà của Pansa đã trả lại công bằng cho các cầu thủ Việt Nam, trước khi Hai Long tạo nên một khoảnh khắc kỳ diệu. Đó là may mắn cho cả Việt Nam và Thái Lan và rộng hơn là cho cả AFF. Bóng đá xấu xí cuối cùng đã không có chỗ đứng trên bục vinh quang.