Chủ nhật, 11/05/2025 20:06     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Chủ nhật, 11/05/2025 20:06

Tháo “điểm nghẽn” trong chuyển đổi số và triển khai bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế tư nhân

Thay đổi thói quen của các bác sỹ, nhân viên y tế lẫn người bệnh trong việc triển khai, sử dụng bệnh án điện tử là một thách thức không nhỏ. Cộng đồng y tế tư nhân Việt Nam đã tổ chức hội thảo chuyên đề tìm giải pháp tháo gỡ các “điểm nghẽn” không chỉ trong lĩnh vực công nghệ.

Tại Hòa Bình, Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam vừa tổ chức hội thảo chuyên đề: “Tăng tốc chuyển đổi số y tế - công nghệ và giải pháp cho bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế tư nhân”.

Các đại biểu dự hội thảo

GS.VS Nguyễn Văn Đệ, chủ tịch Hiệp hội nói, các cơ sở y tế tư nhân cần thống nhất nhận thức: chuyển đổi số, bệnh án điện tử là xu hướng tất yếu, không có sự lựa chọn nào khác, khả dĩ dơn, tối ưu hơn trong thời đại 4.0.

Theo ông Đệ, đây không chỉ là hiện thực hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, đề án chuyển đổi số của Bộ Y tế mà còn là vấn đề thiết thực, gắn với hoạt động thực tiễn của các bệnh viện, nhất là bệnh viện tư nhân, nơi luôn lấy người bệnh làm trung tâm, là “khách hàng đặc biệt” để chăm sóc, phục vụ. Vì vậy, việc tăng tốc chuyển đổi số, nhất là việc triển khai, sử dụng bệnh án điện tử trong các cơ sở y tế tư nhân hiện nay là vấn đề “chỉ bàn làm không bàn lùi”. Chủ đầu tư, lãnh đạo các cơ sở y tế tư nhân, cần tạo điều kiện tốt nhất, ưu tiên các nguồn lực cả về vốn, nhân sự, nhất là quan điểm đổi mới, quyết liệt để tìm các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy nhanh việc triển khai bệnh án điện tử.

Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam Nguyễn Văn Đệ: "chuyển đổi số, bệnh án điện tử là xu hướng tất yếu, chỉ bàn làm không bàn lùi"

Lợi thế và thách thức đan xen

Theo báo cáo tại hội thảo, tính đến đầu tháng 5/2025, cả nước mới chỉ có 174/1700 bệnh viện trên toàn quốc triển khai bệnh án điện tử (EMR), hoàn toàn không sử dụng bệnh án giấy. Đây là con số rất khiêm tốn nếu gắn với mục tiêu đầy thách thức: 100% bệnh viện hoàn thành triển khai EMR vào ngày 30/9/ 2025 theo Thông tư 446 của Bộ Y tế, phân cấp cho Bộ trưởng và các cơ sở y tế xây dựng kế hoạch. Trong khối y tế tư nhân, hiện cũng chưa có nhiều bệnh viện triển khai xong và đưa vào sử dụng bệnh án điện tử.

Hiện mới chỉ có 174/1700 bệnh viện trên toàn quốc triển khai bệnh án điện tử (EMR)

PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam bày tỏ băn khoăn khi tiến độ thời gian hoàn thành theo Thông tư 446 sẽ rất khó đảm bảo. Bên cạnh đó, một số cơ sở y tế khi triển khai thực hiện còn bộc lộ nhiều hạn chế.

“Một số bệnh viện đầu tư hạ tầng tốt nhưng phần mềm EMR chỉ ở mức trung bình, chưa tối ưu. Một số bệnh viện gặp trường hợp phần mềm không hỗ trợ in bệnh án giấy, dẫn đến bị xuất toán bảo hiểm y tế (BHYT) do không đáp ứng yêu cầu kiểm tra. Nhiều bệnh viện chưa tuân thủ quy định về mã định danh y tế, gây khó khăn trong liên thông dữ liệu. Hạ tầng công nghệ thông tin yếu kém, đặc biệt ở các bệnh viện tuyến dưới, nhân sự y tế thiếu kỹ năng sử dụng EMR, dẫn đến chậm trễ trong vận hành, thiếu liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế, gây khó khăn trong chia sẻ thông tin bệnh nhân, một số phần mềm EMR chưa tương thích với yêu cầu BHYT hoặc không đạt tiêu chuẩn thẩm định. Ngoài ra nguy cơ rò rỉ thông tin bệnh nhân nếu phần mềm chưa hoàn thiện hoặc quy trình quản trị không chặt chẽ”, PGS Trần Quý Tường nêu.

Đầu tư hạ tầng số là một thách thức đối với những bệnh viện quy mô nhỏ. PGS.TS Trần Quý Tường đề xuất nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các bệnh viện tuyến dưới

Theo ông Tường, bệnh án điện tử mang lại nhiều lợi ích thiết thực như tiết kiệm thời gian và công sức nhờ truy xuất bệnh án nhanh chóng, dễ dàng theo dõi diễn biến bệnh, minh bạch hóa thông tin khám chữa bệnh, giúp kiểm soát chi phí hiệu quả, giảm chi phí vận hành so với hồ sơ giấy truyền thống, nâng cao hiệu quả quản lý nhờ dữ liệu tập trung và liên thông, cung cấp dữ liệu chính xác về sức khỏe dân cư để hoạch định chính sách và giám sát hiệu quả…

Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia công nghệ y tế, các bệnh viện tư nhân trong cả nước

Về giải pháp chính sách, Chủ tịch Hội tin học Y tế Việt Nam đề xuất Chính phủ cần hỗ trợ tài chính cho bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tư nhân và tuyến dưới. Cùng với đó ban hành khung pháp lý rõ ràng để thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử. Nên học hỏi, áp dụng kinh nghiệm từ các nước phát triển (như Hàn Quốc, Singapore) về chuẩn hóa dữ liệu và quản lý bảo mật.

Hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp công nghệ và bệnh viện tư nhân sẽ giúp cho việc xây dựng hạ tầng, thiết kế giải pháp và tiếp nhiên liệu cho hành trình tăng tốc chuyển đổi số

Nhìn từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Thạc sỹ Trần Văn Tuyên, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế dẫn một số liệu cập nhật đáng chú ý. Theo đó, hiện chỉ 35/384 bệnh viện tư nhân ở Việt Nam đã triển khai EMR, chiếm khoảng 9% tổng số. Con số này phản ánh thách thức lớn về tài chính và hạ tầng mà các bệnh viện tư nhân đang đối mặt.

Thạc sỹ Trần Văn Tuyên khuyến cáo các bệnh viện cần tăng cường bảo mật dữ liệu khi triển khai bệnh án điện tử

Vị chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh đến chữ ký số và bảo mật dữ liệu khi sử dụng EMR. Cần khuyến khích bệnh nhân sử dụng chữ ký số hợp pháp, được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền, tích hợp EMR với hệ thống định danh điện tử quốc gia (như VNeID) để xác thực chữ ký, áp dụng công nghệ sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt) hoặc bảng ký điện tử, được công nhận theo quy định pháp luật.

Trong giai đoạn chuyển tiếp, theo ông Tuyên, cơ quan quản lý cần cho phép scan chữ ký giấy như một giải pháp tạm thời. Hiện Bộ Y tế đang xây dựng các hướng dẫn cụ thể để chuẩn hóa việc sử dụng chữ ký điện tử trong y tế, nhằm đảm bảo tính pháp lý và tạo thuận lợi cho bệnh nhân.

Hạ tầng số và nhân sự chuyên về CNTT phải được các cơ sở y tế quan tâm đầu tư hơn nữa

Đối với an toàn và bảo mật thông tin, vị chuyên gia đánh giá, đây là yếu tố cốt lõi trong chuyển đổi số y tế, đặc biệt khi dữ liệu bệnh án chứa thông tin nhạy cảm. “Đáng lo ngại, 30 cơ sở y tế ở Việt Nam đã bị tấn công mạng, với dữ liệu bị giữ làm con tin để đòi tiền chuộc”, ông Tuyên dẫn chứng.

Vấn đề này, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo, các bệnh viện cần áp dụng các biện pháp bảo mật tiên tiến, như mã hóa dữ liệu, sử dụng tường lửa, và xây dựng quy trình quản trị rủi ro chặt chẽ. Làm được như vậy, cần thu hút chuyên gia công nghệ thông tin và quản lý công nghệ để xây dựng hệ thống bảo mật mạnh mẽ, đầu tư vào hạ tầng an ninh mạng và đào tạo nhân sự về nhận thức bảo mật.

Chuyển đổi số không chỉ là chuyện công nghệ

Từ phía các bệnh viện đang triển khai, sử dụng bệnh án điện tử, TS Nguyễn Bảo Uyên, Giám đốc Hệ thống y tế Hợp Lực phân tích nhiều đến khía cạnh con người. Đó là quá trình thực hiện kéo dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và kiên trì giữa lãnh đạo, nhân viên y tế và đối tác công nghệ. Phải lập kế hoạch chi tiết cho từng bước: khảo sát, đào tạo, thử nghiệm, theo dõi, đánh giá, và đặc biệt là chuyển đổi dữ liệu. Từ lựa chọn nhà cung cấp phần mềm, tận dụng hạ tầng sẵn có để tiết kiệm chi phí, đào tạo kỹ cho cán bộ, nhân viên.

Để áp dụng bệnh án điện tử, theo bà Uyên phải trải qua nhiều bước như: khảo sát, đào tạo, thử nghiệm, theo dõi, đánh giá, và đặc biệt là chuyển đổi dữ liệu

Theo bà Uyên, làm thay đổi nhận thức cho nhân viên về tác dụng của chuyển đổi số và bệnh án điện tử thực sự là một thách thức. Thừa nhận quá trình chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử không phải là việc làm dễ, nhất là trong giai đoạn chuyển giao, nữ giám đốc chia sẻ, bản thân từng phải cúi đầu xin lỗi bệnh nhân vì hệ thống mới vận hành gặp sự cố khiến việc thanh toán viện phí bị gián đoạn.

Tập huấn, đào tạo liên tục là yếu tố quan trọng để đưa bệnh án điện tử vào áp dụng thay cho bệnh án giấy

“Có những người đã quen với cách vận hành cũ, ngại đổi mới. Vấn đề là người lãnh đạo phải làm cho nhân viên trong hệ thống y tế của mình thấy được tác dụng của bệnh án điện tử. Khi đã thông tư tưởng thì vấn đề đào tạo, giải quyết kịp thời các khúc mắc, động viên khen thưởng cho những người tiên phong, gương mẫu, nhiệt tình sẽ tạo ra chuyển biến tích cực và có kết quả tốt”, TS Uyên quả quyết.

Giám đốc điều hành hệ thống y tế Hợp Lực cho biết: yếu tố con người quyết định việc triển khai bệnh án điện tử, chuyển đổi số y tế thành công

Cũng theo vị Giám đốc điều hành hệ thống Y tế Hợp Lực, bệnh án điện tử chỉ là con đường sơ khai. Mục tiêu của chuyển đổi số y tế là tạo ra giá trị thực sự cho người bệnh. Xa hơn là hướng đến mô hình quản lý bệnh viện thông minh, chặt chẽ, tối ưu toàn bộ quy trình.

Bà Hoàng Mai Phương, đại diện Công ty cổ phần Hàng Kênh, doanh nghiệp sở hữu chuỗi Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng và đa khoa quốc tế Sản nhi Hải Phòng cho biết, Hệ thống y tế của đơn vị đã đạt giải nhất cấp thành phố nhờ ứng dụng mã điện tử và thanh toán viện phí bằng QR, cùng các giải pháp giảm sai sót chuyên môn (CSS). Theo bà Phương, sau 6 năm sử dụng bệnh án điện tử, hệ thống y tế quốc tế Hải Phòng đã tích hợp các tính năng: kết nối với hệ thống khác để tra cứu nhanh, hỗ trợ khám online, và thanh toán qua ví điện tử qua đó giảm chi phí vận hành (so với hồ sơ giấy), tăng tính minh bạch và cải thiện quản lý dữ liệu bệnh nhân.

Bà Hoàng Mai Phương, đại diện hệ thống y tế quốc tế Hải Phòng cho biết, bệnh án điện tử đã giảm chi phí vận hành (so với hồ sơ giấy), tăng tính minh bạch và cải thiện quản lý dữ liệu bệnh nhân.

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm tại hội thảo là sử dụng chữ ký số. Ông Nguyễn Thế Quất, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Anh Quất cho biết, ký số được thực hiện thông qua cổng RSHUB trên VNeID, do Bộ Công an quản lý. Giải pháp này đang chờ cấp phép để triển khai chính thức, đảm bảo tính pháp lý và bảo mật cho các giao dịch y tế. Ông Quất đề xuất đưa chi phí liên quan đến ký số vào cơ cấu giá dịch vụ y tế, đảm bảo tính minh bạch và khả năng duy trì lâu dài của hệ thống. Bên cạnh đó cần xây dựng một phần mềm ứng dụng chung cho các bệnh viện thuộc Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam. Giải pháp này giúp giảm chi phí triển khai, đồng bộ hóa hệ thống, và mang lại nhiều giá trị cho người dân thông qua trải nghiệm y tế liền mạch.

Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Anh Quất đề xuất đưa chi phí liên quan đến ký số vào cơ cấu giá dịch vụ y tế, đảm bảo tính minh bạch và khả năng duy trì lâu dài của hệ thống.

Không có giải pháp tốt nhất, chỉ có giải pháp phù hợp

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong cuộc đua chuyển đổi số y tế, nếu các cơ sở y tế là người cầm lái thì các doanh nghiệp công nghệ chính là những “kiến trúc sư” của hệ thống, là người xây dựng hạ tầng số, thiết kế giải pháp và tiếp nhiên liệu cho hành trình tăng tốc.

Tuy nhiên, công nghệ chỉ thật sự có giá trị khi được áp dụng vào thực tiễn, chạm tới hiệu quả vận hành, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Và điều đó chỉ có thể đạt được khi có sự kết hợp giữa hai yếu tố: giải pháp công nghệ tiên tiến, phù hợp và quyết tâm thay đổi từ chính các cơ sở y tế.

"Không có giải pháp tốt nhất, chỉ có giải pháp phù hợp" - ông Hoàng Ngọc Thanh, Chủ tịch Công ty TNHH Minh Lộ

Ông Hoàng Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Minh Lộ cho rằng không có giải pháp nào tốt nhất, chỉ có giải pháp phù hợp. Mỗi bệnh viện có đặc thù riêng (quy mô, nguồn lực, hạ tầng), do đó cần chọn đối tác dựa trên nhu cầu thực tế. Do đó, khi lựa chọn đối tác công nghệ, các cơ sở y tế cần nghiên cứu ký, rõ các điều khoản hợp đồng, đặc biệt về chi phí, thời gian triển khai, và trách nhiệm hỗ trợ. Ông Thanh nêu ví dụ một bệnh viện tuyến tỉnh đã thành công trong chuyển đổi số nhờ chọn đối tác có kinh nghiệm triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử (EMR) tại các cơ sở tương tự, giúp rút ngắn thời gian triển khai xuống còn 3 tháng. Ngược lại, một bệnh viện khác gặp khó khăn do chọn đối tác thiếu năng lực tích hợp dữ liệu, dẫn đến sai lệch thông tin bệnh nhân và phải thay đổi nhà cung cấp.

GS.TS Đỗ Tất Cường, Phó chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam đề nghị cần có lộ trình, giãn tiến độ để các bệnh viện tư nhân tuyến dưới chuẩn bị triển khai áp dụng bệnh án điện tử có hiệu quả hơn

GS.TS Đỗ Tất Cường, Phó chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, Phó tổng giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec nhận định, đối với các bệnh viên tư nhân có quy mô lớn, có nguồn lực đầu tư, nhân sự tốt, việc triển khai bệnh án điện tử có thể sớm hoàn thành vào 30/9/ 2025 theo Thông tư 446 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, đối với các bệnh viện nhỏ vấn đề này là một thách thức bởi hạ tầng công nghệ hiện có chưa đảm bảo, có thể phải đầu tư mới, chi phí lớn. Theo GS Cường cần phải có lộ trình phù hợp hơn để giúp cho các cơ sở y tế quy mô nhỏ có thời gian để chuẩn bị thực hiện có hiệu quả.

Quang Duy  
Bệnh viện tư nhân đầu tiên tại TP.HCM đạt Chứng nhận Vàng từ Hội Đột quỵ thế giới
300.000 trẻ bị hỏng thận vì sữa giả
6 loại rau nhiều người ăn nhưng dễ 'ngậm' thuốc trừ sâu
5 năm kết hôn, lần đầu được làm mẹ sau nhiều lần 'mất con'
Thoái hóa đốt sống cổ C3 C4 và những điều cần biết
Doanh nhân 42 tuổi bỏng dạ dày, thực quản sau khi uống 1 ngụm nước khoáng có gas
Lựa chọn và chế biến nội tạng động vật thế nào để an toàn?
Vì sao nam giới thường cao hơn nữ?
Phụ nữ TP. HCM sinh đủ hai con trước 35 tuổi được hỗ trợ 3 triệu đồng
Đại học Y tế Công cộng cùng Quỹ VinFuture phòng chống thuốc lá điện tử học đường
Người phụ nữ 48 tuổi mang khối u xơ tử cung nặng 1,2kg
Ghép gan thành công cho bệnh nhi 8 tháng tuổi từ người hiến chết não
Bé gái nặng hơn 3 kg được sinh ra trong bọc ối còn nguyên vẹn
Bí quyết giữ gìn hạnh phúc hôn nhân của phụ nữ hiện đại
Lãnh hậu quả sau 1 tuần trị mụn bằng nước cốt chanh
Giảm run tay chân bằng thảo dược: Giải pháp để sống khỏe
Tỉnh thành nào có mức chênh lệch giới tính cao nhất cả nước?
Gần 300 người cấp cứu khi tham gia Đại lễ Vesak: Làm gì để tránh say nắng khi tham gia sự kiện ngoài trời?
Mất cân bằng giới tính khi sinh: Thách thức nhân khẩu học, đe dọa ổn định xã hội
Rộ thông tin ho thật mạnh giúp cứu nguy khi đột quỵ: Chuyên gia tim mạch nói thế nào?
Xem thêm