Thanh Hóa: Nước giếng khoan sinh hoạt bất ngờ chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối
Hơn 1 tháng qua, nước giếng khoan của hàng chục hộ gia đình tại thị trấn Phong Sơn và xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) xuất hiện màu đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc, chỉ tiêu Coliform vượt đến 80.000 lần.
Nước từ giếng khoan có màu đen như nước từ cống rãnh. Ảnh: NDCC
Theo phản ánh của các hộ gia đình thuộc địa bàn tổ dân phố Đồng Chạ (thị trấn Phong Sơn) và thôn Cẩm Hoa (xã Cẩm Tú), huyện Cẩm Thủy, thời gian qua, nước bơm từ giếng khoan tại đây xuất hiện màu đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
“Mùi hôi tanh không thể chịu nổi. Tưới cây, cây còn chết nói gì đến sử dụng sinh hoạt.”, một người dân ở thị trấn Phong Sơn bày tỏ lo lắng.
Quan sát nước bơm từ giếng khoan tại hiệu rửa xe Thơm Nga tại tổ dân phố Đồng Chạ cho thấy, nước bơm lên chậu có màu đen, mùi hôi tanh. Chủ hiệu rửa xe cho hay, gia đình vẫn dùng nước máy để sinh hoạt, nước giếng khoan chỉ dùng để tưới cây, phục vụ hiệu rửa xe, tắm heo. Tuy nhiên, mỗi khi bơm nước rửa xe, mùi hôi thối bốc lên không thể chịu được.
“Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã đến kiểm tra, lập biên bản nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời. Hiện tại các hộ gia đình ở đây rất lo lắng”, ông Cao Văn Thơm, Tổ trưởng tổ dân phố Đồng Chạ cho biết.
Nhiều hộ gia đình lo lắng khi nước xuất hiện mùi hôi tanh nhưng chưa xác định được nguyên nhân. Ảnh: QD
Theo tìm hiểu, ngày 22/11, sau khi nhận được phản ánh của các hộ gia đình có nước giếng khoan bị ô nhiễm, đại diện UBND huyện Cẩm Thủy, thị trấn Phong Sơn và xã Cẩm Tú đã tiến hành kiểm tra thực tế, phát hiện 10 hộ gia đình tại 2 xã bị ảnh hưởng.
Theo biên bản kiểm tra, các giếng khoan nước có màu đen, bốc mùi hôi tanh được khoan ở độ sâu từ 25 - 40m. Xung quanh khu vực không có trang trại trăn nuôi, duy nhất chỉ có 1 hộ gia đình nuôi 1 con lợn. Đoàn kiểm tra khuyến cáo các hộ gia đình không sử dụng nước giếng khoan phục vụ sinh hoạt, thường xuyên thau rửa dụng cụ chứa nước.
UBND huyện Cẩm Thủy sau đó đã gửi báo cáo đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa kiểm tra, lấy mẫu đánh giá, xác định mức độ, thành phần trong nước làm cơ sở xác định nguyên nhân ô nhiễm tại các giếng khoan của các hộ gia đình trên địa bàn thị trấn Phong Sơn và xã Cẩm Tú.
Ngày 1/12/2022, Sở TN&MT Thanh Hóa phối hợp với chính quyền địa phương đã tiến hành lấy mẫu nước của hộ gia đình ông Phùng Văn Cường, thôn Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú và hộ gia đình ông Phạm Văn Quý và ông Hà Văn Nghị, tổ dân phố Đồng Chạ, thị trấn Phong Sơn.
Theo biên bản làm việc, giếng khoan của các hộ gia đình có từ năm 2007, nguồn nước dưới đất tại địa phương không xảy ra hiện tượng bất thường. Trên địa bàn xã Cẩm Tú và thị trấn Phong Sơn có 3 cơ sở sản xuất là Nhà máy sản xuất sợi gai An Phước, Nhà máy gia công in ấn giấy vàng mã thuộc Công ty TNHH Duyệt Cường và Nhà máy may – Chi nhánh Cẩm Thủy thuộc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm.
Kết quả phân tích chất lượng nước giếng khoan của các hộ gia đình của Đoàn Mỏ - Địa chất Thanh Hóa cho thấy các chỉ tiêu NH4+ vượt 12,1 đến 14 lần; chỉ số Pemanganat vượt 12,35 đến 18,6 lần; đặc biệt chỉ số Coliform vượt từ 7.666 đến 80.000 lần.
Nước giếng khoan rửa xe và tắm heo cũng không an toàn. Ảnh: QD
Kết quả phân tích xác định nước giếng khoan của các hộ gia đình trên địa bàn đang bị ô nhiễm, không thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Sở TN&MT Thanh Hóa đề nghị UBND huyện Cẩm Thủy chỉ đạo UBND xã Cẩm Tú và thị trấn Phong Sơn khuyến cáo các hộ gia đình tạm dừng khai thác nước tại giếng khoan phục vụ mục đích sinh hoạt; đồng thời kiểm tra, rà soát các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn có phát sinh chất thải; nếu các đơn vị có hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước thì xử lý và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân của hiện tượng nước giếng khoan tại huyện Cẩm Thủy có màu đen, bốc mùi hôi thối.
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường tại huyện Cẩm Thủy, tháng 9/ 2022, Nhà máy sản xuất sợi gai An Phước (xã Cẩm Tú) đã để xảy ra sự cố vỡ thùng chứa dung dịch NaOCL, làm đổ, tràn dung dịch với khối lượng khoảng 350kg vào hệ thống thoát nước mặt của nhà máy và chảy tràn kéo dài khoảng 1 km ra khu vực suối thuộc thị trấn Phong Sơn khiến gần 300 kg cá chết.
Sự việc đã được Tổng cục Môi trường kiểm tra, kết luận và đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động môi trường của nhà máy này.