Tháng 7: Ngân hàng nào đang dẫn đầu cuộc đua lãi suất tiết kiệm?
Các ngân hàng có sự cạnh tranh gay gắt trong cuộc đua lãi suất, trong đó ngân hàng SCB ghi nhận mức lãi suất cao nhất đến 7,3% với kỳ hạn 12 tháng.
Các mức phổ biến gửi tại quầy
Trong tháng 7, nhóm kỳ gửi ngắn hạn từ 1-3 tháng được tăng phổ biến 0,1%/năm và không có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngân hàng. GPBank, PGBank, SCB, VIB hiện có mức lãi suất cao nhất 4%. Thấp nhất là ngân hàng MBBank với 2,9% cho kỳ hạn 1 tháng.
Kỳ hạn 6 tháng dao động ở mức lãi suất 4 – 6,5%. Trong đó, thấp nhất là các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và cao nhất là ngân hàng CBBank với 6,8%.
Với nhóm kỳ gửi dài hạn từ 12 tháng, dẫn đầu là ngân hàng SCB với mức lãi suất 7,3% ở các kỳ hạn 12, 18, 24 và 36 tháng. Ngoài ra, cũng có 21 ngân hàng đang có mức lãi suất tiền gửi 12 tháng trên 6%, giúp cho lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn này tăng nhẹ lên 6,16% trên toàn thị trường.
Gửi trực tuyến
Với kỳ hạn 1 – 3 tháng, mức lãi suất khi gửi tiết kiệm online (trực tuyến) dao động ở mức 3,85 – 4% với hầu hết các ngân hàng. Khách hàng có nhu cầu gửi ngắn hạn nên tham khảo các ngân hàng SCB, PVcomBank, VIB để hưởng mức lãi suất hấp dẫn nhất 4%.
SCB được ghi nhận đang có mức lãi suất cao nhất. (Ảnh: Nhadautu)
Kỳ hạn 6 tháng tiếp tục chứng kiến sự dẫn đầu của ngân hàng SCB với lãi suất 6,85%. Các ngân hàng cũng như CBBank, Nam Á Bank, SHB cũng đưa ra mức lãi suất tiết kiệm rất tốt từ 6,5 – 6,6%.
Với các kỳ hạn từ 12 – 36 tháng, vị trí quán quân vẫn thuộc về SCB với lãi suất cho tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng là 7,3%, kỳ hạn 18 – 36 tháng là 7,55%. Đây chính là mức lãi suất ngân hàng cao nhất trong đợt điều chỉnh tháng tháng 7.
“Đường đua” lãi suất ngày càng tăng nhiệt
Tháng 7 ghi nhận đợt điều chỉnh đồng loạt thứ 2 trong năm mà không ngân hàng nào giảm lãi suất. Trong đó, 10 ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất gửi tiết kiệm, mức điều chỉnh lớn nhất lên đến 0,9 – 1,2% thuộc về ngân hàng HDBank. Nhiều ngân hàng có vốn hóa vừa và nhỏ cũng liên tục tăng lãi tiền gửi tiết kiệm, qua đó góp phần đưa mặt bằng lãi suất trên thị trường lên cao.
Theo báo cáo gần đây của VnDirect, lãi suất tiền gửi bắt đầu tăng trở lại từ tháng 5/2022. Tính tới đầu tháng 6/2022, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã tăng đáng kể, đã có 10 ngân hàng đưa ra mức lãi suất trên 7%/năm. Giới chuyên gia dự báo, lãi suất tiền gửi trong năm nay sẽ khó duy trì ở mức thấp bởi ngân hàng cần huy động vốn lên cao trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng tích cực, áp lực cạnh tranh từ các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán, và nhất là lạm phát.
Tính đến ngày 27/5, theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đã đạt đỉnh trong 10 năm qua với mức 7,75%, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - Tiền tệ quốc gia, lãi suất huy động tăng chủ yếu do lạm phát. Người dân có dòng tiền nhàn rỗi vẫn muốn chuyển dịch kênh đầu tư, còn các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi từ người dân và doanh nghiệp.
VnDirect dự đoán, lãi suất sẽ đứng trước cơ hội tăng thêm 30 – 50 điểm cơ bản trong năm nay. Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tại các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên mức 5,9 – 6,1%/năm vào cuối năm, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 6,8%/năm giai đoạn trước dịch bệnh.
Ngoài ra, nếu Ngân hàng Nhà nước không gia hạn Thông tư 08/2021 thêm một năm, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay dài hạn sẽ giảm xuống mức 34% kể từ 1/10. Khi đó, các nhà băng sẽ phải giảm nguồn vốn ngắn hạn hoặc tăng cho vay trung và dài hạn.