Tân sinh viên tỉnh lẻ chật vật tìm nhà trọ đầu năm học mới
Vui mừng khi đỗ đại học, nhiều tân sinh viên tỉnh lẻ đang chật vật trong việc tìm nhà trọ gần trường, hợp túi tiền, điều không dễ ở Hà Nội thời điểm này.
Ký túc xá được coi là nơi lý tưởng với tân sinh viên “chân ướt chân ráo” lên thành phố, bởi vừa gần trường vừa có chi phí thấp. Tuy nhiên, ở đây chỉ dành cho sinh viên thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo... Vì vậy, nhiều tân sinh viên tỉnh lẻ lên Hà Nội học đang chật vật trong việc tìm nhà trọ ở bên ngoài.
Các quận như Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa... có nhiều khu nhà trọ do tập trung nhiều trường đại học. Tuy nhiên, do nhu cầu cao dịp đầu năm học mới nên tình trạng "cháy phòng" đang xảy ra trong khi giá phòng cũng không hề rẻ.
Đội nắng, cuốc bộ tìm phòng trọ đầu năm học mới
Sau khi biết mình đỗ vào trường Đại học Luật Hà Nội, Hạ Thị Ngọc Huyền (tỉnh Vĩnh Phúc) đã cùng bố “du hành” một chuyến để tìm phòng trọ trước thềm năm học mới.
Huyền chia sẻ, trước khi đi xuống Hà Nội, em đã dành nhiều thời gian để tham khảo giá phòng trong các nhóm tìm nhà trọ. Tuy nhiên phần lớn đó là thông tin không chuẩn, người thuê phòng phải liên hệ với bên môi giới và mất phí. Có những phòng trọ tìm người ở ghép, giá cả hợp lý, em cũng liên hệ nhưng đều nhận được kết quả hết phòng.
“Thấy phòng nào ưng ý là em nhắn, gọi hỏi luôn nhưng tất cả đều đã hết. Có chủ nhà khi em gọi điện còn thắc mắc là sao bây giờ mới tìm, các nhà đều “cháy phòng” hết rồi khiến em thực sự lo lắng”, Huyền bày tỏ.
Không tìm được phòng trọ qua mạng, Huyền đã đi tìm trực tiếp nhưng kết quả nhận được đều là hết phòng
Quá lo lắng vì tìm phòng online không được nên Huyền đã quyết định đi tìm trực tiếp dọc các con phố, ngõ ngách rồi gọi điện thoại theo tờ rơi được dán ở các cột điện, nhà dân nhằm tìm phòng vừa gần trường vừa phù hợp với túi tiền. Tuy nhiên, sau gần 4 tiếng đồng hồ “cuốc bộ” tìm nhà, hai bố con Huyền vẫn chưa thuê được phòng.
“Hai bố con đi từ quê xuống Hà Nội lúc 5h sáng, tuy nhiên đến bây giờ vẫn chưa tìm được phòng cho cháu. Công việc tìm trọ cũng vất vả vì chưa quen đường. Ưng được mấy phòng nhưng khi gọi điện để quyết định thuê thì chủ nhà thông báo phòng này vừa có người đặt cọc tiền”, anh Cương - phụ huynh của Huyền lau mồ hôi nhễ nhại trên mặt và nói.
Chung cảnh gian nan tìm trọ ở khu vực Xuân Thủy, Cầu Giấy, Nguyễn Tuấn Minh - tân sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã phải gọi khoảng 30 cuộc điện thoại cho các chủ nhà trọ để tìm phòng.
Minh cho biết, rất nhiều bài đăng cho thuê trọ trên các trang vẫn còn nhưng phòng thì đã hết từ lâu.
Bên cạnh đó, thông tin bài đăng chỉ ghi giá phòng từ 2 đến 2,5 triệu đồng/tháng, vệ sinh khép kín và có đầy đủ đồ đạc. Nhưng khi đến xem trực tiếp, chủ nhà lập tức tăng tiền phòng lên 3 triệu đồng cùng các khoản dịch vụ đắt đỏ như tiền điện 4.000 đồng/số, giá nước từ 30.000 - 40.000 đồng/khối hoặc 100.000đồng/người/tháng,... Tuy nhiên, điều khiến Minh vỡ mộng hơn khi đến xem phòng là hình ảnh thực tế không giống với quảng cáo.
“Trái ngược với những hình ảnh lung linh trên mạng là tình trạng xập xệ, ẩm thấp, chật chội của căn phòng này do lâu ngày không có người ở. Chưa nói đến việc nhà trọ được xây dựng trên khu đất tạm, cách khá xa khu dân cư, điện “câu” từ nhà dân nên khá phập phù, nước lấy từ giếng khoan. Vì vậy, dù cô chủ trọ rất niềm nở và nhiệt tình nhưng em vẫn phải bỏ của chạy lấy người”, Minh cho biết.
Gọi điện theo biển quảng cáo dán trên tường đều nhận được câu trả lời "đã có người thuê"
Thận trọng khi ký hợp đồng thuê nhà trọ
Trước nhu cầu nhiều tân sinh viên tỉnh lẻ lên Hà Nội thuê phòng trọ, anh Trần Ngọc Thanh - phụ trách một văn phòng môi giới bất động sản ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm để các sinh viên tránh mất tiền oan khi thuê phòng.
"Những tân sinh viên đi thuê nhà hầu hết đều lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội nên để tránh rủi ro cần tìm hiểu thông tin phòng trọ qua bạn bè, người thân hoặc trên các trang web về bất động sản trước khi đến xem. Sau khi tham khảo các thông tin về phòng trọ thấy hợp lý với nhu cầu của mình hãy gọi điện để liên hệ đến xem phòng.
Khi gọi điện phải hỏi rõ người đăng tin là họ là chủ nhà hay môi giới và đến xem phòng có mất phí không để tránh gặp phải “cò” lừa đảo", anh Trần Ngọc Thanh cho hay.
Cũng theo anh Thanh, khi đã chọn được phòng trọ, mỗi cá nhân cần đàm phán với chủ nhà về mức giá thuê, tiền đặt cọc, tiền điện, nước và các loại phí dịch vụ khác như Internet, truyền hình cáp, vệ sinh.
Sau khi thống nhất giá cả với chủ nhà hai bên sẽ làm hợp đồng thuê nhà. Điều quan trọng nhất trước khi đặt bút ký hợp đồng thuê nhà là bên thuê cần đọc kỹ nội dung, các điều khoản quan trọng về giá thuê, thời hạn, phương thức thanh toán đồng thời yêu cầu chủ nhà cam kết trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm không tăng tiền nhà. Bên cạnh đó cần kiểm tra kỹ môi trường sống tại khu trọ, vấn đề an ninh, an toàn.
Người thuê trọ cũng cần xem xét thật kỹ đồ đạc trước khi quyết định thuê phòng, nếu có hỏng hóc cần báo ngay cho chủ nhà trọ, tiến hành chốt số điện ngay từ ngày đầu tiên chuyển đến, tránh phải trả thêm lượng điện đã sử dụng của người ở trước đó.
Ngoài ra, các tân sinh viên cần tham khảo danh sách những “nhà trọ đen” được sinh viên đăng trên các diễn đàn để tránh xa. Bởi đó là những nhà trọ có chủ nhà khó tính, hay soi mói, thường tăng giá nhà vô tội vạ, thu tiền điện nước và các phí dịch vụ khác với giá "cắt cổ"…
"Đặc biệt các tân sinh viên nên cẩn trọng trong việc tìm người ở ghép. Không nên ở cùng người lạ, mới quen nhằm tránh tình trạng bạn cùng phòng lấy trộm đồ của nhau hoặc tính tình không hợp sẽ phát sinh mâu thuẫn phức tạp…", anh Thanh nhắn nhủ.