Startup giải trí số: Từ mô hình nhỏ đến hệ sinh thái hàng ngàn nhân sự
Không còn là sân chơi phụ hay công cụ giải trí tức thời, livestream và video ngắn đang trở thành trục chính trong ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam. Nền tảng số không chỉ tạo ra thay đổi về thói quen tiêu dùng nội dung, mà còn mở ra cơ hội phát triển cho những startup giải trí số.
Ngành công nghiệp nội dung tại Việt Nam đang chứng kiến một cuộc tái định hình mạnh mẽ, khi các startup giải trí số vươn lên trở thành lực đẩy mới, thay thế dần vai trò của mô hình truyền thống.
Theo báo cáo Digital 2025: April Statshot của We Are Social và Meltwater, người dùng tại Đông Nam Á hiện dành trung bình 6 giờ 30 phút mỗi tuần để xem video ngắn, gần tương đương với thời lượng xem truyền hình truyền thống là 6 giờ 34 phút.
Tại Việt Nam, theo DataReportal 2024, người dùng Internet dành trung bình từ 6 giờ 18 đến 6 giờ 23 phút mỗi ngày để trực tuyến, trong đó hơn 40% thời gian được tiêu thụ cho nội dung dạng video, đặc biệt là video ngắn và livestream.
Trong bối cảnh đó, các công ty giải trí số khởi nghiệp, vốn từng chỉ là những nhóm nhỏ hỗ trợ livestream, nay đã mở rộng thành các hệ sinh thái đào tạo và sản xuất nội dung bài bản.
HP Media là một ví dụ tiêu biểu cho khả năng nắm bắt xu thế và chuyển mình nhanh chóng.
Thành lập vào năm 2021, công ty được hình thành từ tầm nhìn về một sân chơi chuyên nghiệp cho giới trẻ yêu thích nội dung số khi livestream vẫn còn là một thị trường mới mẻ.

Thay vì đi theo lối mòn, HP Media chọn phát triển hạ tầng đào tạo, quản lý và kỹ thuật chuyên sâu. Nhờ đó, chỉ sau vài năm, họ đã xây dựng được hệ thống hơn 1.500 idol chính thức, với hơn 8.000 lượt tuyển dụng, đồng thời mở rộng sang các mảng như tổ chức sự kiện, cố vấn thương hiệu cá nhân và phát triển phần mềm hỗ trợ kỹ thuật.
Sự phát triển nhanh chóng này không chỉ cho thấy tiềm năng của ngành, mà còn phản ánh rõ tầm quan sát và sự thích ứng của những người đi đầu.
Điểm nổi bật trong hành trình phát triển của HP Media là chuỗi thành tích ấn tượng trên nền tảng TikTok LIVE: Top 2 TCN xuất sắc nhất năm 2022, Top 1 Gala TikTok, Top 1 hạng mục "Nhà thám hiểm" TikTok World, tiếp tục duy trì phong độ với Top 3 LIVE Fest 2024, Top 4 TCN khu vực APAC, gần đây nhất là Top 2 SEA Đối đầu cùng Top 4 Giải đấu giữa năm 2025.
Những kết quả này không chỉ cho thấy năng lực đào tạo và phát triển nhân sự, mà còn khẳng định vị thế tiên phong của một startup Việt trong cuộc đua nội dung khu vực.

Sự phát triển của các doanh nghiệp như vậy không chỉ thể hiện ở quy mô nhân sự mà còn ở năng lực công nghệ và khả năng xây dựng chuỗi giá trị nội dung khép kín.
Từ hỗ trợ online như tư vấn nội dung, kỹ thuật, bảo hiểm xã hội cho đến đào tạo trực tiếp kỹ năng biểu diễn, make-up, team building và tổ chức sân khấu, các startup giải trí số đang dần đảm nhiệm vai trò của một “trường đào tạo nội dung sáng tạo” mới. Họ trở thành nơi ươm mầm, kết nối và lan tỏa các tài năng trẻ trên nền tảng số.
Tuy nhiên, tiềm năng đó cũng đặt ra không ít thách thức. Việc thiếu hành lang pháp lý cho livestreamer, chế độ phúc lợi chưa rõ ràng, sự cạnh tranh nội dung thiếu kiểm soát và các vấn đề về thuế vẫn còn là rào cản khiến nhiều tài năng trẻ bị “đuối sức” giữa cuộc đua nội dung.
Trong bối cảnh đó, các startup như HP Media đang dần chủ động xây dựng những hệ thống nội bộ để bảo vệ và phát triển nhân sự.
“Chúng tôi không chỉ hướng đến số lượng idol, mà đang cố gắng tạo ra một hệ sinh thái phát triển toàn diện, nơi mỗi người sáng tạo có thể bền vững với sự nghiệp, chứ không phải chỉ chơi một cuộc chơi ngắn hạn”, ông Nguyễn Hoàng Phụng, CEO HP Media chia sẻ.
Dù còn nhiều thách thức, nhưng những gì các công ty giải trí số tại Việt Nam đang làm được, từ mô hình nhỏ lẻ ban đầu đến hệ sinh thái hàng ngàn người, cho thấy một điều rõ ràng: cuộc cách mạng hóa ngành nội dung không còn nằm trong tay những “ông lớn” truyền thống, mà đang được thúc đẩy bởi chính những startup dám nghĩ, dám làm, dám đi đầu.