Sông Hồng bắt nguồn từ đâu?
Là dòng sông có tính biểu tượng của một nền văn minh lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ, Sông Hồng mang lại nhiều giá trị văn hóa đặc thù và đáng trân trọng của người Việt Nam.
Sông Hồng bắt nguồn từ đâu
Sông Hồng (hay còn có tên gọi khác là sông Cái, sông Cả, sông Thao, Nhị Hà, Nhĩ Hà) bắt nguồn từ dãy Ngụy Sơn thuộc huyện Nhị Đô, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ở độ cao 1.776 m. Chi lưu phía đông bắt nguồn từ vùng núi huyện Tường Vân. Sông chủ yếu chảy theo hướng tây bắc - đông nam, qua huyện tự trị Nguyên Giang của người Thái, Di, Cáp Nê.
Sông Hồng có tổng chiều dài 1.149km, trong đó đoạn dòng chảy trên đất Việt Nam dài 556km. Đây là dòng sông quan trọng của nền văn hóa lúa nước Việt Nam.
Điểm tiếp xúc đầu tiên của sông Hồng với lãnh thổ Việt Nam là huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, chính giữa sông là điểm phân chia lãnh thổ hai nước. Cột mốc biên giới 92 nằm ở xã Lũng Pô, huyện Bát Xát (Lào Cai) là điểm thiêng liêng đánh dấu nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Cột mốc này thuộc quản lý của đồn biên phòng Lũng Pô.
Từ thành phố Lào Cai, sông Hồng chảy qua các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình rồi đổ ra biển Đông. Theo thông tin từ Đài Phát - Truyền hình Lào Cai ngày 3/4/2022, sông Hồng bắt đầu chảy vào Việt Nam từ thôn Lũng Pô. Sông Hồng đoạn qua địa phận tỉnh Lào Cai có chiều dài 128 km.
Hệ thống sông Hồng gồm 3 nhánh sông lớn (sông Đà, sông Thao và sông Lô) hợp lưu tại Việt Trì và đổ ra biển tại cửa Ba Lạt, Trà Lý, Lạch Giang và cửa Đáy. Nước sông Hồng mang theo phù sa vào mùa lũ, giúp ruộng đồng thêm màu mỡ, bà con phát triển nông nghiệp. Sông cũng cấp nguồn nước tưới tiêu cho khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sông Hồng còn là đường giao thông thuỷ quan trọng, chảy từ bắc xuống nam hướng về đồng bằng, qua các đầu mối giao thông thuỷ bộ, mang sản vật ở vùng cao về xuôi.
Về khía cạnh năng lượng, sông Hồng có tiềm năng thủy điện to lớn với nhiều công trình như thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Huổi Quảng, Tuyên Quang, Chiêm Hóa, Thác Bà. Ngoài ra, sông Hồng còn là nguồn cấp nước cho các nhà máy xử lý nước sinh hoạt, từ đó cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân.