Sáng mai tọa đàm “Giải pháp phân loại rác thải nhựa tại gia đình”
Sáng mai (27/9) tại Hà Nội sẽ diễn ra tọa đàm trực tuyến “Giải pháp phân loại rác thải nhựa tại gia đình” do Tạp chí Gia đình Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam tổ chức.
Tọa đàm chủ đề “Giải pháp phân loại rác thải nhựa tại gia đình” do Tạp chí Gia đình Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam tổ chức vào sáng 27/9
Rác thải nhựa được xem là hiện tượng báo động đỏ, trở thành vấn đề cấp bách tại Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung. Nhất là khi Việt Nam bị xếp vào một trong những nước có lượng rác thải cao hàng đầu thế giới.
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Trong đó có hơn 30 tỉ túi ni lông, hơn 80% số túi ni lông đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.
Việt Nam đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới.
Rác thải nhựa là những chất không được phân hủy trong môi trường bao gồm nhiều loại chai lọ, túi nilon, cốc nhựa, ống hút nhựa dùng một lần… Tuổi thọ của những vật dụng chất liệu nhựa có thể lên đến hàng trăm năm. Vậy nên, khi rác thải nhựa tồn tại ở ngoài môi trường, chúng rất có hại cho đời sống của con người.
Đáng nói, ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam đang ngày càng trở nên trầm trọng, nhưng tác hại và hậu quả đối với môi trường vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Việc phân loại, xử lý rác thải nhựa ở Việt Nam còn mang nhiều bất cập, hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11 - 12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
Do đó, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực và nặng nề tác động trực tiếp lên môi trường sống của sinh vật và con người.
Rác thải nhựa được xem là hiện tượng báo động đỏ, trở thành vấn đề cấp bách tại Việt Nam (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, để có thể tái chế rác thải nhựa thành những sản phẩm tái chế đem vào sử dụng hàng ngày thì việc phân loại rác thải nhựa hàng ngày ngay tại gia đình là điều quan trọng. Dù vậy trong sinh hoạt hàng ngày hiện nay ít có gia đình nào có giải pháp cụ thể và hiệu quả cho việc phân loại này cũng như ngay cả khi đã phân loại thì việc tái sử dụng những loại rác thải này cũng là vấn đề đang bỏ ngỏ.
Với ý nghĩa đó, vào sáng ngày mai (27/9) tại Hà Nội, Tạp chí Gia đình Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Giải pháp phân loại rác thải nhựa tại gia đình” để tư vấn, giải đáp và hướng dẫn cụ thể về các vấn đề liên quan.
Tọa đàm có sự tham gia bàn luận của TS. Hoàng Dương Tùng - Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cùng PGS. TS Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu quốc hội khoá XIII, Viện trưởng viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng.
Tại tọa đàm các chuyên gia sẽ thảo luận, đưa ra những giải pháp cụ thể để phân loại rác thải nhựa tại gia đình, từ đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường sống, tiết kiệm nguồn tài chính cho các gia đình.
Chương trình tọa đàm được phát trực tiếp trên Giadinhonline.vn và hệ thống Fanpage của Gia đình Việt Nam từ 09h30 phút. Kính mời quý độc giả chú ý theo dõi và đặt câu hỏi cho chuyên gia để được giải đáp.