Quy định sinh con thứ 3 bị phạt không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay
Theo các chuyên gia, xu thế ngại sinh con khiến tỷ lệ giảm sinh ngày càng rõ ràng. Quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con, sinh con thứ 3 bị xử phạt không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Giới trẻ ngày càng… ngại sinh con
Chia sẻ tại hội thảo "Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, công tác dân số hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,96 con và tỷ lệ tăng dân số là 0,84% năm 2023), xuất hiện xu hướng mức sinh xuống thấp, chênh lệch về mức sinh giữa các vùng, đối tượng chưa được khắc phục.
Mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao (tỷ số giới tính khi sinh là 111,8 bé trai/100 bé gái năm 2023). Cùng đó, già hóa dân số tăng nhanh, chưa có các giải pháp đồng bộ để phát huy hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số.
"Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng (năm 2023 là 74,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh chưa tương xứng, phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập. Các yếu tố liên quan đến công tác dân số chưa được lồng ghép một cách hệ thống trong hoạch định, thực thi chính sách phát triển kinh tế-xã hội" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ đã phân tích tình hình dân số đáng báo động của các nước và rút ra những bài học cho Việt Nam.
Ông chia sẻ: "Khi đi ăn cưới các cặp vợ chồng trẻ, tôi thường khuyên các cháu hãy sinh 2 con trở lên, thì bọn trẻ chỉ cười. Điều này phần nào phản ánh thực trạng xu hướng ngại sinh con ở người trẻ, khiến tỉ lệ giảm sinh ngày càng rõ hơn".
GS Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tính đến tháng 12/2023, thế giới có 42 nước thu nhập cao. Các nước này có quy luật chung là càng giàu, GDP/người càng tăng thì tổng tỉ suất sinh càng giảm.
Trong đó, 38/42 nước có tổng tỉ suất sinh dưới 2,0 vào năm 2023, 4 nước còn lại có tổng tỉ suất sinh lớn hơn 2,0, song tổng tỉ suất sinh đều giảm dần liên tục, năm sau thấp hơn năm trước.
Từ kinh nghiệm quốc tế, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nếu không có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số, tổng tỉ suất sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu.
"Nếu 2 người kết hôn, già rồi tử vong, không để lại 2 công dân cho xã hội, lâu dài sẽ dẫn đến thiếu lao động, dân số giảm.
Để tái tạo lao động cho đất nước, đảm bảo tỷ suất sinh thay thế, cần đảm bảo gia đình sinh 2 con trở lên. Và nhiệm vụ này nếu chỉ là sự quan tâm của mỗi gia đình, không phải sự quan tâm của doanh nghiệp, chính quyền… thì tỷ suất sinh sẽ không tăng được", GS Nguyễn Thiện Nhân nói.
Sinh con thứ 3 có còn bị phạt?
Tại Hội thảo, Cục Dân số tiếp tục đưa ra đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con và trao quyền quyết định số con, thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh con cho các cặp vợ chồng.
Theo ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con đã áp dụng trong nhiều năm nay và mỗi giai đoạn lại có một chính sách khác nhau, trong đó có việc xử phạt do vi phạm các quy định về chính sách dân số như sinh con thứ 3…
Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc xử phạt đối với những đối tượng sinh con thứ 3 không còn phù hợp. Nước ta đang có xu thế mức sinh giảm, mặc dù chưa ở mức báo động nhưng sẽ trở thành một vấn đề quan trọng nếu chúng ta không có giải pháp can thiệp từ bây giờ. Vì vậy, việc nới lỏng quy định sinh 1-2 con là cần thiết.
Hiện, Cục Dân số đang xin ý kiến góp ý các chuyên gia, nhà nghiên cứu để có báo cáo chính thức với Bộ Y tế, sau đó báo cáo Chính phủ các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cặp vợ chồng – những đối tượng có mong muốn sinh con để đảm bảo chất lượng dân số, giống nòi tốt nhất.
Cũng theo lý giải của lãnh đạo Cục Dân số, thực tế hiện nay, nhiều người có mong muốn và điều kiện để sinh con thứ 3, nhất là cán bộ công chức. Tuy nhiên, khi sinh con thứ 3 thì họ gặp phải những chế tài xử phạt, nhất là đối với đảng viên, mà những chế tài này đều đã được xây dựng từ rất nhiều năm trước.
Trong khi, một bộ phận khác không vướng vào những chế tài này như những người nông dân, lao động ở vùng sâu vùng xa thì lại sinh nhiều con.
Vì vậy, với xu thế giảm sinh hiện nay ở nước ta, ông Lê Thanh Dũng cho rằng, nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, chúng ta phải thay đổi quy định này. Rất nhiều nước đã "đổ tiền" để khắc phục những vấn đề tương tự nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn vì các cặp vợ chồng ở nước họ không có nhu cầu sinh con.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu với các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện chính sách, phù hợp với thực tế hiện nay, để có những quy định, chế tài phù hợp với từng thời kỳ, từ đó chúng ta sẽ có cơ cấu và chất lượng dân số tốt nhất trong tương lai", ông Lê Thanh Dũng cho biết.
Dự kiến, Cục Dân số sẽ trình Chính phủ dự thảo Luật Dân số trong tháng 12/2024.
PGS. TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng hoàn toàn ủng hộ đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con.
"Thực tế hiện nay ở nước ta, dù nới lỏng quy định chỉ sinh từ 1-2 con thì cũng sẽ rất ít người muốn sinh nhiều hơn 2 con, do vậy chúng ta không cần quá lo lắng rằng các cặp vợ chồng sẽ sinh quá nhiều con", PGS Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để đảm bảo mức sinh thay thế trên toàn quốc, PGS Nguyễn Đức Vinh cho rằng, chúng ta cần có những biện pháp đối với những vùng có mức sinh cao để giảm sinh, vùng có mức sinh thấp cần có chính sách khuyến khích sinh.
Đồng thời, cần lưu ý rằng, Pháp lệnh dân số vẫn còn hiệu lực và các quy định nới lỏng mới chỉ là đề xuất, do vậy cần nhất quán thông tin quy định "mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định" vẫn còn hiệu lực.