Quân khu Nam Đồng là địa danh nào?
Mới đây, “Quân khu Nam Đồng” - tên một cuốn tiểu thuyết bán chạy vào những ngày cuối tháng 4 đã thôi thúc người ta tò mò về cái địa danh nhuốm màu thời chiến. Vậy, quân khu Nam Đồng thực sự ở đâu, thời chiến ra sao, sau 40 năm kết thúc chiến tranh giờ thế nào?
Quân khu Nam Đồng, cuốn sách của tác giả bí ẩn Bình Ca vừa được ra mắt vào những ngày cuối tháng 4 đã thực sự gặt hái nhiều thành công vang dội.
Quân khu Nam Đồng là cuốn truyện đầu tay của tác giả có bút danh bí ẩn Bình Ca. Đây là một câu chuyện về chiến tranh, là hồi ức của những người đàn ông sinh ra và lớn lên trong thời chiến. Qua những mẩu truyện nhỏ về thời chiến, Quân khu Nam Đồng vẫn lấp lánh một vẻ hài hước lạ lùng của những con người trong sáng và lạc quan.
Vậy thực sự thì Quân khu Nam Đồng ở đâu trên bản đồ? “Quân khu Nam Ðồng” không có tên trên bản đồ quân sự nhưng trên bản đồ ký ức của một thế hệ thanh thiếu niên Hà Nội thập niên 1970 thì có thực một “quân khu” nổi tiếng và cả “tai tiếng”.
Cuốn sách Quân khu Nam Đồng
Quân khu Nam Đồng (nay là Khu tập thể Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) được Bộ Quốc phòng xây dựng từ khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, để phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt cho cán bộ chiến sỹ công tác trong quân đội. Cùng với thời gian, sự gia tăng dân số, sự xuống cấp của công trình nhà ở, khiến chất lượng sống, sinh hoạt của người dân ngày càng ảm đạm.
Đây là nơi ở của hơn 500 gia đình cán bộ quân đội trung, cao cấp, hơn 70 vị tướng đã từng sinh sống và trưởng thành từ Khu tập thể Nam Đồng, nhiều gia đình có cả hai thế hệ “tướng cha” và “tướng con”. Đây là một khu gia binh điển hình, một đại gia đình quân nhân thu nhỏ thời chiến và hậu chiến.
Khu tập thể Nam Đồng nay đã khác xưa với chợ cóc bao vây và nhà cửa cơi nới
Thuở ban đầu, Khu tập thể Nam Đồng chỉ có 8 toà nhà 4 tầng ấy thôi, chia thành hai dãy chẵn – lẻ, dành cho gia đình sĩ quan cấp uý và cấp tá. Cư dân lác đác đến ở từ năm 1962, đến năm 1964 thì hầu như phủ kín. Nhà được phân theo đơn vị làm việc của các quân nhân, ví dụ nhà 3 chủ yếu là cán bộ Tổng cục Chính trị, nhà 8 là Phòng không – Không quân...
Trong toà nhà ấy tất cả đều “tập thể”: bếp chung, nhà vệ sinh chung, nhà tắm chung. Chính những cái chung ấy đã gắn kết các gia đình thành một khối, chia sẻ mọi buồn vui của tình làng nghĩa xóm. Cao hơn nữa là hoàn cảnh, số phận, cuộc sống của những người vợ lính, con lính. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in những ký ức thanh bình với bọn trẻ con chúng tôi giữa thời chiến tranh ác liệt. Một con đường trải nhựa chạy giữa hai dãy nhà chẵn – lẻ, có hai hàng phi lao mát mắt.
Giữa các toà nhà là những khoảng sân rộng, tha hồ chạy nhảy, đá bóng, đá cầu, nhảy dây, đánh đáo... Sau này đặt thêm bàn bóng bàn, xà đơn, xà kép. Những đêm trăng sáng, chúng tôi trải chiếu nằm giữa sân, nhìn lên bầu trời đầy sao, mong lớn thật nhanh để được theo cha lên đường đánh Mỹ. Có lẽ chúng tôi còn quá nhỏ để hiểu thế nào là chiến tranh, chính vì vậy mà “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” như một lẽ đương nhiên, không thể khác với con nhà lính.
Hiện tại, quân khu Nam Đồng chính là Khu tập thể Nam Đồng, thuộc quận Đống Đa (Hà Nội). Khu Nam Đồng hiện nay đã được mở rộng với nhiều nhà cửa, hàng quán tập nập từ sang tới khuya. Nơi đây đã có tới gần 2000 hộ dân sinh sống, cơi nới khu tập thể. Nhà cửa nhô ra thụt vào, hàng quán tràn xuống lòng đường; lọt trong sự đông đúc đó không khó nhận ra 8 toà nhà chung cư 4 tầng – dấu vết của Quân khu Nam Đồng xưa.
Hồng Hạnh