Phụ nữ làng chài
Nếu như những người đàn ông ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) chủ yếu lênh đênh trên biển với nghề đánh bắt cá thì phụ nữ tại đây hầu hết ở nhà và gắn liền với công việc vá lưới, mang lại thu nhập ổn định.
Vá lưới là công việc rất phù hợp với lao động nữ ở xã Hoằng Trường
Chồng đi biển, vợ vá lưới là công việc phổ biến ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Toàn xã có khoảng hơn 700 lao động nữ làm nghề vá lưới thuê cho các chủ tàu cá. Người làm công việc này đa số là phụ nữ và là người địa phương.
Bà Lê Thị Thoa, 63 tuổi, mẹ của chủ tàu Lê Phạm Đức nói, trước đây, khi chỉ đánh cá bằng bè mảng, vá lưới là công việc của đàn ông. Bởi chỉ đàn ông, gắn với nghề đi biển mới biết đan lưới, vá lưới. Khoảng hai chục năm trở lại đây, ngư dân sắm nhiều tàu đánh bắt xa bờ, lượng lưới nhiều nên cần đến phụ nữ. Cũng từ đó, vá lưới dần trở thành một nghề gần như dành riêng cho phụ nữ. Nghề vá lưới công việc quanh năm, chỉ trừ các đợt mưa bão, biển động, tàu không thể ra khơi.
Vá lưới ban đầu là công việc của đàn ông đi biển nhưng giờ đây đã trở thành nghề của phụ nữ. Trong ảnh là chị Thu, 33 tuổi, có thâm niên vá lưới 15 năm.
Việc nhẹ, thu nhập ổn định
Sau mỗi chuyến tàu cập bến, lưới được vận chuyển về nhà các chủ tàu rửa sạch, để khô ráo, phân loại lưới rách nhiều, rách ít. Những người phụ nữ ngồi dùng một chiếc ghim bằng nhựa gắn một đoạn dây cước cùng màu, cùng chủng loại với lưới để vá lại những chỗ rách. Thông thường phải vài năm mới thay mới lưới một lần nên cứ sau một chuyến đi biển, công việc vá lưới lại tiếp tục. Ở 5 thôn ngư nghiệp xã Hoằng Trường, từ trẻ con đến người già đều quen với công việc vá lưới.
Để đảm bảo mỗi tàu cá vươn khơi cần 5 - 7 lao động nữ vá lưới
“Con gái vùng này học xong cấp 2, cấp 3, nếu không theo học tiếp, không thoát ly thì có ngay một nghề để lựa chọn, đó là vá lưới. Công việc không phức tạp, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu, lại gần nhà, có điều kiện chăm sóc gia đình, con cái nên được nhiều chị em lựa chọn”, bà Thoa chia sẻ.
Chồng đi biển, vợ ở nhà vá lưới là công việc phổ biến ở xã Hoằng Trường
Chỉ tay về phía người phụ nữ cao tuổi nhất trong số 15 lao động đang vá lưới tại nhà mình, bà Thoa nói: “Ở đây, bà Đức, 69 tuổi thuộc diện lão làng về vá lưới”. Bà Khương Thị Đức bảo mình vá lưới ngay từ khi về làm dâu ở Hoằng Trường. Ban đầu chỉ hỗ trợ chồng con nhưng nhiều năm nay, bà chính thức nhập đội quân vá lưới thuê cho chủ các tàu cá lớn.
Buổi sáng từ 7 giờ, bà cùng với hơn chục phụ nữ khác trong thôn đến nhà chị Trương Thị Hà, chủ tàu nhận việc. Theo thỏa thuận, chủ tàu khoán việc theo thời gian mỗi ngày 8 giờ, có sổ sách theo dõi, chấm công đầy đủ.
Bà Khương Thị Đức, 69 tuổi vẫn miệt mài với công việc vá lưới hằng ngày
Để tạo điều kiện cho chị em thu xếp công việc gia đình như đưa đón con đi học, cơm nước, chị Hà nói, thời gian làm việc không cố định, miễn là mỗi lao động đảm bảo 8h/ngày. Một ngày công vá lưới được trả công mức bình quân 170.000 người/8h. Tiền công lao động nhận vào cuối tháng hoặc sau mỗi kênh lưới. Do có hai tàu cá lớn nên nhà chị Hà luôn có khoảng trên chục lao động nữ làm việc thường xuyên.
Trước đây, nghề vá lưới có thể tranh thủ lúc nhàn dỗi hoặc thích thì làm không thích thì nghỉ nhưng những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh của nghề đánh bắt hải sản, phụ nữ ở Hoằng Trường ngày càng xem đó như một nghề chính thức, cho thu nhập ổn định.
Nghề vá lưới không vất vả như việc đồng áng của phụ nữ nông thôn
Bà Trương Thị Bốn, 60 tuổi, giờ đã tạm dừng công việc trông cháu. Bà nói, mình vá lưới cũng đã 20 năm. Trước đây, chỉ làm tranh thủ khi cháu đi học nhưng vài năm trở lại đây, công việc nhiều nên chuyển hẳn sang vá lưới hằng ngày. Trung bình mỗi tháng, nếu tàu vươn khơi đều đặn, theo bà Bốn, mỗi lao động sẽ làm từ 15 đến 20 ngày công, thu nhập khoảng từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng.
“Với những phụ nữ cao tuổi như chúng tôi, tháng kiếm thêm từ 2 – 3 triệu đồng cũng có thêm đồng ra đồng vào, không phải phụ thuộc nhiều vào con cháu”, bà Bốn vui vẻ nói.
Một treo lưới vừa hoàn thành
Vượt hơn 600 cây số đi vá lưới
Lê Thị Nhạn, 32 tuổi có chồng đi biển tận Đà Nẵng. Nhạn vừa thoăn thoắt đôi tay siết chặt các mắt lưới bị rách vừa khe khẽ hát: “Thuyền anh ra khơi, có ngại chi mưa nắng…”. Chị kể, cách đây 3 ngày vừa kết hợp đi thăm chồng vừa vá lưới thuê tại Đà Nẵng. Hơn một năm nay, tàu cá của chồng Nhạn thay đổi ngư trường đánh bắt. Dịp đầu năm và cuối năm, tàu đi đánh bắt cá hố tại ngư trường Nam Trung Bộ.
Chồng chị cứ 10 ngày lênh đênh trên biển lại cập bến để chủ tàu bán hải sản, tiếp nhiên liệu, lương thực nên vợ chồng xa nhau biền biệt. Là tay vá lưới điêu luyện, có sức khỏe tốt nên vừa rồi Nhạn được chủ tàu thuê từ Thanh Hóa và Đà Nẵng vá lưới. Đó cũng là lần đầu tiên, chị biết đến thành phố đáng sống - Đà Nẵng. Nhắc đến mức thu nhập… 500 nghìn đồng/ngày, cao gấp 3 lần ngày công vá lưới ở quê, Nhạn vui vẻ cho biết, tới đây lại tiếp tục bắt xe khách, vượt hơn 600 cây số vào Đà Nẵng vá lưới và thăm chồng.
Nghề vá lưới ở Hoằng Trường đã vào đến Đà Nẵng, với thu nhập lên tới 500 ngàn đồng một ngày công
Hiện nhiều phương tiện đánh bắt xa bờ ở Hoằng Trường chuyển vào Đà Nẵng đánh bắt cá hố. Cùng với đó là gần một trăm lao động nữ hành nghề vá lưới cũng đi theo đợt để hỗ trợ vá lưới.
Một chủ tàu ở Hoằng Trường cho biết, tại thành phố Đà Nẵng rất khó tìm người thạo nghề vá lưới, do đó, các chủ tàu phải thuê người từ quê, thuê xe, thuê phòng trọ và trả công 500.000 đồng/người/ngày để đảm bảo hoạt động liên tục của các tàu cá.
Vào dịp lễ cầu ngư hằng năm, xã Hoằng Trường tổ chức hội thi đan lưới, vá lưới
Ông Lê Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường cho biết, cả xã hiện có 103 phương tiện đánh bắt xa bờ và 404 bè mảng đánh bắt gần bờ với tổng số 2.000 lao động làm nghề đánh bắt hải sản. Cùng với đó là hàng ngàn người làm dịch vụ hậu cần, riêng vá lưới có hơn 700 lao động nữ. Xã có 5 thôn truyền thống ngư nghiệp, không có đất sản xuất nên người dân chủ yếu đi biển và làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Nghề vá lưới đã tạo ra công ăn việc làm, khá phù hợp với phụ nữ nông thôn.
“Vào dịp lễ hội cầu ngư hằng năm (giữa tháng 2 âm lịch), chúng tôi thường tổ chức thi đan lưới, vá lưới. Đây cũng là hình thức để khuyến khích chị em phụ nữ gắn bó hơn với nghề vá lưới, giúp chồng con yên tâm vươn khơi bám biển.”, ông Cảnh chia sẻ.
Toàn xã Hoằng Trường hiện có hơn 500 phương tiện đánh bắt hải sản
Nghề đi biển còn, vá lưới còn
Bà Đức, 69 tuổi được chị em phụ nữ ở thôn Linh Trường phong cho… danh hiệu “nghệ nhân vá lưới”. Tuổi cao, mắt đã kém nhưng bà vá lưới không cần phải nhìn vào tay. Các mắt lưới vẫn đều tăm tắp, không treo lưới nào bị lỗi. Bà bảo chừng nào còn nghề đi biển, chừng đó còn nghề vá lưới vì đan lưới có thể sử dụng máy móc còn vá lưới phải làm bằng phương pháp thủ công. Nghĩa là phải sử dụng đôi bàn tay, phải chịu khó, nhẫn nại.
“Trông đơn giản vậy thôi nhưng phải mất từ 1 đến 2 tháng mới có thể học thành thạo nghề vá lưới. Mỗi mắt lưới có 2 nút thắt, phải lựa sao cho đều, chặt, không bỏ sót các vị trí lưới rách. Những người khéo tay, mắt sáng, kiên nhẫn thì hiệu quả sẽ cao hơn. Vá lưới chỉ ngồi một chỗ nên người già có thể mắc các chứng bệnh tê mỏi lưng, gối. Thi thoảng cần di chuyển, đi lại, vận động nhiều tư thế để đảm bảo sức khỏe”, bà Đức nói.