Thứ tư, 24/04/2024 08:33
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ hai, 20/06/2022 10:38

Phóng viên ảnh Việt Hùng: “Muốn khóc thì bấm máy xong hãy khóc”

“Cảm xúc, nó là cần thiết để có tính nhân bản trong ảnh nhưng phóng viên ảnh phải kiểm soát nó, kìm nén nó để làm việc. Nếu bạn có muốn khóc hay cười, bấm máy xong rồi hãy khóc” - anh Lê Việt Hùng - biên tập viên của trang điện tử Soha chia sẻ.

Người làm báo hiện đại ai cũng có thể viết, chụp ảnh và thậm chí là quay phim để đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, để có một bức ảnh báo chí "đẹp", chứa đựng nội dung, khoảnh khắc đắt giá thì cần phải có kỹ năng, tư duy và đánh đổi bằng không ít nhọc nhằn, gian khổ của phóng viên ảnh.

Nhân Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), cùng nghe anh Lê Việt Hùng - biên tập viên của chuyên trang Soha chia sẻ về câu chuyện tác nghiệp và những trải nghiệm của anh trong suốt hơn 10 năm làm nghề.

Empty

Lê Việt Hùng - biên tập viên của trang điện tử Soha.

Báo chí là một trong những nghề khó mà phóng viên ảnh lại là lĩnh vực vất vả nhất trong Báo chí. Vì sao anh lại chọn cái khó nhất trong một nghề khó nhất để theo đuổi?

Tôi nghĩ rằng mỗi lĩnh vực sẽ có một sự vất vả riêng. Nếu nói rằng phóng viên ảnh là vất vả nhất thì tôi e rằng sẽ có những người làm ở lĩnh vực khác cho là không công bằng.

Về phía phóng viên ảnh, tôi thấy nghề này vất vả ở 2 điểm chính. Một là họ buộc phải đến tận nơi, chứng kiến tận mắt để ghi lại sự kiện, vấn đề một cách chân thực. Hai là họ phải đầu tư máy móc, thiết bị hơn hầu hết các ngành khác, thường là khoảng vài trăm triệu đồng.

Empty

Phóng viên ảnh Lê Việt Hùng trèo lên cây keo chụp ảnh máy bay C17 chở xe của tổng thống Trump xuống sân bay Nội Bài.

2 yếu tố này khiến chi phí sản xuất ảnh tăng cao, gây khó khăn cho cả phóng viên ảnh và cơ quan của họ. Tuy vậy, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?

Tôi được làm quen máy ảnh từ năm 6 tuổi do bố tôi mua một chiếc máy ảnh du lịch. Sau đó, bố tôi làm nghề thợ ảnh nên tôi cũng có học hỏi được chút ít. Sau này, khi học đại học, tôi đã tiếp xúc, làm quen với nhiều thể loại báo chí khác nhau. Và cuối cùng, tôi cảm thấy mình thích chụp ảnh nhất, thích kể chuyện bằng ảnh nhất nên tôi đã lựa chọn con đường này. Lúc ấy, tôi chưa lường trước hết được 2 khó khăn trên. Nếu biết sớm, chắc tôi đã không làm phóng viên ảnh (cười).

Theo anh, máy ảnh quan trọng hay người chụp quan trọng hơn?

Đây là đề tài tranh cãi kinh điển của những người chụp ảnh. Theo tôi, điều này phụ thuộc nhiều vào thể loại. Nếu như ảnh đường phố, máy ảnh ít có vai trò quan trọng thì trong ảnh thể thao, thiết bị tốt là điều vô cùng cần thiết.

Empty

Phóng viên ảnh Lê Việt Hùng tác nghiệp trên sân cỏ.

Vì dù có giỏi cỡ nào nhưng máy ảnh lấy nét không đủ nhanh, khử nhiễu không đủ tốt, ống tele không đủ dài thì bạn cũng không thể chụp được một cuộc tranh chấp trong sân bóng. Khi ấy, ánh sáng yếu mà bạn lại không thể chiếu đèn hay đánh flash. Bạn cũng không thể chạy vào sân để chụp cho gần, càng không thể nói cầu thủ chạy chậm lại. Bạn chỉ có thể trông chờ vào kỹ năng của bản thân và khả năng của chiếc máy.

Nhưng trên hết, tôi vẫn nghĩ rằng con người là quan trọng nhất. Một bộ máy ảnh tốt chỉ cần vài trăm triệu là có. Còn một phóng viên ảnh tốt, cần 10 năm rèn luyện mới có. Và chi phí để làm nên 10 năm ấy thường đáng giá cả tỷ đồng.

Khi tác nghiệp: Thiết bị, kỹ năng và cảm xúc chiếm bao nhiêu % để có thể ra đời một bức ảnh báo chí có giá trị, đủ sức “thay vạn lời nói”, đi vào lòng độc giả?

Có một câu quen thuộc là “một bức ảnh hơn vạn lời nói”. Nhưng tôi nghĩ, điều đó thường không đúng. Chỉ những bức ảnh rất xuất sắc mới làm được như thế thôi. Đó là một bức ảnh đủ mạnh, đủ thông tin để không cần viết chú thích hoặc chú thích rất ít. Nhưng đa phần, các bức ảnh không làm được như thế.

Empty

Khoảnh khắc ăn mừng chiến thắng trên sân cỏ.

Tôi nghĩ rằng thiết bị, kỹ năng là điều kiện cần. Không có thiết bị và kỹ năng tốt thì dẫu phóng viên ảnh có đứng ở tâm điểm của sự kiện cũng khó có ảnh tử tế.

Còn cảm xúc, tôi nghĩ không chắc nó đã là tốt với một phóng viên ảnh. Nếu trong một đám tang, bạn khóc, nước mắt nhoè hết ống ngắm thì bạn chụp ảnh làm sao? Nếu trong một trận bóng đá, khi đội nhà ghi bàn mà bạn nhảy lên ăn mừng thì bạn bấm máy vào lúc nào? Cảm xúc, nó là cần thiết để có tính nhân bản trong ảnh nhưng phóng viên ảnh phải kiểm soát nó, kìm nén nó để làm việc. Nếu bạn có muốn khóc hay cười, bấm máy xong rồi hãy khóc.

Tháng 3/2022, trong vụ lật ca nô khiến 17 người chết ở Quảng Nam, anh là phóng viên ảnh đầu tiên tiếp cận được chiếc cano gặp nạn khi đó đang neo ở rất xa bờ. Để chụp được những bức ảnh đó, chắc hẳn anh đã phải vượt qua không ít khó khăn. Vì sao thời điểm đó anh lại “liều” như vậy?

Tôi đã làm nghề 11 năm và tôi nhận thức rất rõ rằng: Không có bức ảnh nào quý hơn mạng sống của mình. Vì thế, tôi không bao giờ liều nếu nó nguy hiểm đến tính mạng.

Lúc ấy, chiếc ca nô neo ở biển Cửa Đại, cách bờ khoảng 200 m. Trong suốt một ngày, tôi đi qua, đi lại ở bờ biển. Tôi rất muốn tiếp cận thật gần để xem nó ra sao? Nó gặp vấn đề gì mà nhiều người gặp nạn đến thế. Tôi đi hỏi thuê thuyền của ngư dân nhưng không ai dám chở. Còn thuyền của bộ đội biên phòng thì lớn nên không thể tiếp cận gần chiếc ca nô đang mắc cạn.

Empty

Phóng viên ảnh Lê Việt Hùng đi bộ 200m khi thuỷ triều lên để tiếp cận chiếc ca nô vỡ toác ở Hội An.

Nhưng sau một ngày, tôi bất ngờ thấy 2 người dân đang ở gần chiếc ca nô. Tôi quan sát đường đi khi họ vào bờ. Chỗ sâu nhất, nước ngập đến thắt lưng. Tôi hỏi thăm thì được biết thuỷ triều sẽ lên và tôi cần ra đó thật nhanh trước khi nước ngập sâu hơn.

Bỏ lại giày trên bờ, tôi đeo ba lô máy ảnh lội nước ra và dám chắc không gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Tôi cũng xác định rủi ro lớn nhất có thể gặp phải là ngã, máy ảnh bị ngấm nước biển. Tôi biết, một khi máy đã dính nước biển thì rất dễ hỏng, có thể trở thành sắt vụn và tôi sẽ mất vài chục triệu đồng. May mắn thay, sau 11 năm làm nghề, tôi đã tích cóp đủ tiền để có thể chịu đựng được thiệt hại ấy. Nếu máy hỏng, tôi sẽ chạy về Đà Nẵng sửa máy, cùng lắm là mua một bộ máy mới để quay lại chụp tiếp.

Còn nếu ra chụp ảnh được và trở về an toàn, tôi sẽ là người đầu tiên có ảnh cận cảnh của chiếc ca nô đang là tâm điểm chú ý. Và kết quả, tôi đã trở về an toàn. Những hình ảnh rất quý giá đó được đăng ngay. Bạn đọc phản hồi tốt. Các sếp khen và thưởng nóng rất nhanh. Vì thế, dẫu ai nói gì, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc.

Sau khi ảnh của tôi được đăng, nhiều phóng viên khác cũng lội ra chụp khi nước còn dâng cao hơn. Và tất nhiên là không ai gặp nguy hiểm gì cả.

Ngoài sự việc trên, trong hơn 10 năm theo đuổi nghề, anh có thể chia sẻ về lần tác nghiệp nguy hiểm nhất?

Trong 11 năm làm nghề, thực ra tôi đã gặp nhiều nguy hiểm lớn hơn, khi tôi còn trẻ và ít kinh nghiệm hơn. Ví dụ như năm 2016, khi đi vào vùng rốn lũ ở Minh Hoá (Quảng Bình), tôi đã lên một chiếc thuyền quá tải. Thuyền chỉ chở được 4-5 người nhưng có đến 8 người ngồi. Tôi không có sự lựa chọn khác khi thuyền lúc đó rất khan hiếm.

Đang đi thì trời mưa, nổi gió. Con thuyền tròng trành như chiếc lá ngoài khơi xa. Giữa một biển mênh mông, thỉnh thoảng nước lại tràn vào làm tôi chỉ có biết ngồi im cầu nguyện. May mắn là tôi chỉ bị hỏng máy tính do ngấm nước chứ người vẫn mặc áo phao và thuyền không lật nên cơ bản vẫn an toàn.

Empty

Phóng viên ảnh Lê Việt Hùng ghi lại hình ảnh thân nhân của người thiệt mạng vì lũ lụt ở Quảng Bình ngồi cùng trên chiếc thuyền quá tải.

Hay năm 2018, tôi cùng đồng nghiệp đi đến Noong Hẻo (Sìn Hồ, Lai Châu) để đưa tin về vụ sạt lở đất làm 5 người chết. Sau khi đi bộ 2 km đường rừng, tôi đến được bãi sạt lở đất dài hàng km. Khi vừa đến nơi, người dân vừa đào được xác một đứa trẻ và đang khiêng ra.

Empty

Hiện trường sạt lở đất tại Noong Hẻo (Sìn Hồ, Lai Châu).

Quá hấp tấp muốn có ảnh độc, tôi chạy cắt mặt để chụp ảnh. Nhưng đất đỏ ngấm nước nhão như bùn khiến tôi bị sụt xuống đến tận đùi. Sau khi chụp được kiểu ảnh đó, tôi mắc kẹt, không nhúc nhích được. Tôi càng cố rút chân ra thì lại lún sâu hơn. May mắn, tôi được một người dân giúp đỡ để thoát ra. Sau đó, tôi không dám chạy nữa mà chỉ dám đi theo bước chân của người đi trước.

Empty

Bị kẹt ở Noong Hẻo Sìn Hồ Lai Châu khi tác nghiệp.

Và lần tác nghiệp nào đáng nhớ, cảm xúc nhất đối với anh?

Tôi nghĩ đó là lần tác nghiệp tại ASIAD 2018 ở Indonesia. 5 tháng trước sự kiện ấy, một phóng viên kỳ cựu chuyên chụp thể thao nghỉ việc. Khi ấy, tôi là một phóng viên trẻ bỗng nhiên trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho việc đi tác nghiệp ASIAD 2018. Và để nắm bắt được cơ hội ấy, tôi đã viết một bản kế hoạch chuẩn bị gồm 4 điểm: Tiếng Anh, máy móc, kỹ năng chụp thể thao và sức khỏe.

Để có thể tác nghiệp mỗi ngày từ 8h sáng đến 8h tối, trong một tháng liên tục, tôi cần một cơ thể khỏe mạnh. Vì thế, tôi đi tập gym mỗi tuần 3 buổi.

Empty

Phóng viên ảnh Lê Việt Hùng hạy cùng đội Olympic Việt Nam trong một buổi tập tại ASIAD 2018.

Về kỹ năng, tôi tham gia chụp ảnh tại các giải đấu nhỏ, các buổi tập luyện chuẩn bị cho ASIAD. Ở đó, tôi làm quen vận động viên, huấn luyện viên và tập cách chụp cho từng môn.

Thiết bị quyết định đến 50% chất lượng ảnh thể thao. Tôi chụp giỏi mà cầm một cái máy rẻ tiền thì cũng coi như vứt đi. Nhưng một bộ máy ảnh tốt có giá hàng trăm triệu. Vì thế, tôi đã tìm cách đổi máy với đồng nghiệp, dốc hết tiền tiết kiệm, còn vay thêm để mua bằng được một cái ống fix 300 chuyên dùng cho thể thao.

Empty

Phóng viên ảnh Lê Việt Hùng ghi lại khoảnh khắc đắt giá trên sân cỏ.

Cái khó nhất là xử lý việc mất gốc tiếng Anh. Nếu không nói được, tôi không thể sống sót ở nước ngoài, và chắc chắn không thể tác nghiệp.

Tôi đăng ký học một kèm một với giáo viên. Mỗi tuần 3 buổi, tôi đến gặp cô ở quán cà phê. Cô sẽ hỏi How are you today? (Bạn thấy hôm nay thế nào?) Tôi sẽ trả lời và cô cứ thế hỏi tiếp. Sau khoảng 20 buổi, tôi bắt đầu hình thành phản xạ nói. Và sau 40 buổi thì tôi đã nói chuyện tiếng Anh với cô như 2 người bạn. Vài ngày trước khi lên đường, tôi “bắn" tiếng Anh trong mơ. Khi ấy, tôi biết mình đã thành công.

Năm đó, tôi đã đi hơn 20 ngày, theo dõi đội tuyển Olympic Việt nam từ khi chuẩn bị đến khi giành hạng 4 chung cuộc. Đó là những ngày không thể nào quên.

Không chỉ đam mê với nghề, thời gian gần đây anh còn quan tâm đến đào tạo. Anh có lời khuyên gì với các phóng viên ảnh có đam mê theo đuổi sự nghiệp này?

Đam mê khác với sở thích ở chỗ dẫu phải trả giá thì bạn vẫn theo đuổi. Nếu bạn có thể trả giá bằng việc không đi chơi, không mua quần áo mới để dành tiền mua máy ảnh; nếu bạn có thể chấp nhận vượt mưa gió, ngập lụt để đến hiện trường thì bạn xứng đáng được coi là có đam mê.

Empty

Chụp lễ khai mạc ASIAD 2018.

Điều bạn cần làm là tìm một môi trường tốt, với một người sếp tốt, có thể dẫn dắt, chỉ bảo bạn trong những năm tháng đầu tiên. Bạn đừng đặt nặng chuyện kiếm tiền trong thời gian này. Khi đã có đam mê và kỹ năng chụp ảnh tốt trong tay thì vứt ở đâu bạn cũng có thể sống được.

Thanh Hiền  
Hạ thân nhiệt 'hồi sinh' nữ bệnh nhân 26 tuổi bị ngừng tim đột ngột
Hành trình đến Korea Global School của một học sinh Hà Nội
Uống gì để xua tan căng thẳng mệt mỏi trước mùa thi?
 Nâng cao vai trò của hợp tác công tư để đẩy lùi bệnh dại
Acecook Việt Nam chung tay hỗ trợ trẻ em là con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn với dự án 'Thả lưới ước mơ'
Vì sao ngủ đủ 8 tiếng nhưng đi làm vẫn “gật gà gật gù”?
Hà Nội thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID từ ngày 22/4
2 cháu bé đạp xe từ Điện Biên xuống Hà Nội tìm mẹ đã được về với gia đình
5 lưu ý phòng chống cháy nổ khi sử dụng điện mùa nắng nóng
Hành trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Hậu Lộc - tỉnh Thanh Hoá
Vụ 2 cháu bé đạp xe xuống Hà Nội tìm mẹ: Thông tin bất ngờ
2 cháu bé người Mông đạp xe từ Điện Biên xuống Hà Nội tìm mẹ: Không nhớ tên tuổi, quê quán
Chọc dịch não tủy phát hiện mắc viêm màng não do liên cầu lợn vì món 'khoái khẩu'
Teo thận nhiều năm, bất ngờ vào viện phát hiện nang thận 'siêu to'
Điểm tham quan Hà Nội đông kín người trong ngày nghỉ lễ 10/3
“Chữa lành” hay đu trend để 'rách nát' hơn?
GS Hàn Quốc chia sẻ bí quyết để Việt Nam cạnh tranh trong ngành bán dẫn
Trang Đời sống & Pháp luật đổi tên miền
Bùng nổ “vũ điệu Yoga” dẫn lối vẻ đẹp Việt
Nguyễn Khắc Hưng: Từ trẻ tự kỷ nặng thành Kỷ lục gia thế giới
Xem thêm