'Ông Tây hiệp sĩ' cưu mang chó mèo
Một ngày của Leopold bắt đầu lúc 6 giờ sáng với đủ thứ công việc tất bật xoay quanh chó mèo: cho ăn, dọn dẹp, đưa đi khám bệnh, tiêm ngừa, triệt sản khi cần, chơi giỡn và cập nhật thông tin trên trang web của ông về chó mèo.
Ngôi nhà của Leopold Vincent (51 tuổi, người Pháp) nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Trãi, Q. 5, TP. HCM lúc nào cũng “kín cổng, cao tường”. Leopold Vincent - “ông Tây yêu động vật” - đã thuê căn nhà để thực hiện dự án giải cứu và cưu mang những con vật đang gặp nguy hiểm. Đây là nơi ở của ông cùng... một chú chó và 53 chú mèo lớn nhỏ.
Ra mở cửa đón tôi là một người đàn ông người Pháp cao, gầy, có thể khiến người đối diện… “hết hồn” với rất nhiều hình xăm phủ đầy hai cánh tay. “Xăm hình là nghề của tôi khi còn ở Pháp”, ông cho biết.
Quán bar trở thành… dự án cứu động vật
“Ông Tây” dẫn tôi dạo một vòng thăm thú gia đình mèo của ông trên tầng thượng của căn nhà, gần 50 thành viên mèo đi, đứng, nằm, ngồi đủ các tư thế trên bàn, trên tủ, dưới sàn. Thấy ông, các thành viên mèo chạy đến, con thì cạ đầu âu yếm vào chân ông, nghịch ngợm, nũng nịu, con thì nhìn ông như đang thầm thì điều gì đó…
Ông ngồi xuống nói chuyện, vuốt ve từng thành viên một. Chốc chốc, ông lại dừng tay dọn dẹp những khay chất thải. Tầng thượng được ông quét dọn sạch sẽ, đặt các kệ sắt có trải khăn để mèo ngủ không bị lạnh. Xung quanh tầng thượng, ông cho đặt lưới mắt nhỏ để những chú mèo nghịch ngợm không xổng ra ngoài. Ngoài ra, ông còn đặt những chiếc thang vắt ngang xà trên trần nhà để làm nơi cư ngụ của một số cô mèo còn nhát.
Một ngày của Leopold bắt đầu lúc 6 giờ sáng với đủ thứ công việc tất bật xoay quanh chó mèo: cho ăn, dọn dẹp, đưa đi khám bệnh, tiêm ngừa, triệt sản khi cần, chơi giỡn và cập nhật thông tin trên trang web của ông về chó mèo. Cách vài tiếng, ông phải quay lại để lau dọn tầng thượng, “Chính vì vậy tôi khó có thể kiếm được công việc phù hợp, dù là bán thời gian. Nếu ra ngoài, tôi phải bảo đảm chỉ vắng mặt trong khoảng thời gian từ 2-3 giờ đồng hồ chứ không dám đi lâu hơn”, ông chia sẻ.
Ông giới thiệu cho tôi ba chú mèo con bé choắt, nhỏ chừng một nắm tay đang loanh quanh chơi trong phòng riêng của ông. Leopold cho biết đây là 3 “bé con” mới được ông nhận về chăm sóc cách đây vài ngày. Dù cả ba đều có dấu hiệu thiếu dinh dưỡng trầm trọng như bụng to, lưng và chân gầy nhẵng, lông xác xơ, nhưng tất cả đều rất lanh lợi. Ông cười bảo chúng cứ theo ông suốt vì xem ông như… mẹ của chúng.
Gần đó là một cô mèo mẹ trắng phau tên Moon. Moon vừa bị mất hai đứa con của mình nhưng lại rất sẵn sàng chăm sóc những chú mèo con mất mẹ khác. Ông giải thích: “Những chú mèo mới về nhà thường được cho ở riêng để quen với không gian sống trước khi được đưa vào ở chung với bầy đàn. Riêng mèo con, tôi phải cho chúng ăn liên tục 2 giờ đồng hồ một lần vì chúng còn quá bé bỏng”.
Ông đặt tên cho tất cả những con vật ông đang nuôi, nào là Cam (vì lông mèo màu vàng cam), nào là Pepsi và Coca, rồi là Charlie, Nương, Ngân, Nguyên, Danger, Leia, Toby…
Từ ngày bắt đầu dự án (2011) đến nay, “ông Tây” đã đưa về nhà khoảng 80 con vật (gồm cả chó và mèo). Mỗi cây mỗi hoa, mỗi… “con” mỗi cảnh, điều đặc biệt là ông nhớ và kể lại vanh vách gần như tất cả thông tin về nguồn gốc, tình trạng lúc mới đến của tất cả các thành viên mèo.
“Con mèo này tên Đen được tôi tìm thấy ở một công trường xây dựng. Chú ta sợ hãi và căng thẳng đến mức không ai có thể đến gần chú khi còn nhỏ. Hay như cô mèo trong hộc bàn, chỉ cần thấy người lạ, nàng ta sẽ gầm ghè đe dọa dù rất hòa đồng với những con mèo khác. Giờ thì tôi có thể lại gần để đưa đồ ăn cho nó. Nhưng cô nàng vẫn còn căng thẳng lắm. Có lẽ vì từng bị đánh đập nhiều lần”, ông kể.
Câu chuyện thực hiện dự án cứu giúp động vật đến với ông một cách tình cờ. “10 năm trước, tôi đến Việt Nam với mong muốn mở một quán bar thật yên tĩnh, nơi mà mọi người có thể đến uống nước, nói chuyện và thưởng thức các loại nhạc jazz, blue… Tôi yêu thích âm nhạc và không gian yên tĩnh. Tuy nhiên khi thấy tình cảnh của những con vật này, tôi quyết định gác lại dự định mở quán bar để thực hiện dự án này”, “ông Tây” hào hứng kể lại.
“Ông Tây” và đại gia đình mèo
Trăn trở tìm… tương lai cho mèo
“Hôm rồi có 2 cô gái trẻ đến nhận nuôi 3 chú mèo con đấy”, ông hồ hởi khoe.
Thủ tục nhận nuôi mèo bao giờ cũng có bước “điều tra” người chủ mới. Leopold tiến hành lấy thông tin về an ninh khu vực ở của người chủ mới này. “Nếu không thì mọi việc tôi làm đổ sông đổ biển hết. Tôi luôn sợ rằng họ sẽ không trông chừng cẩn thận mà để chúng xổng ra ngoài và bị bắt”, ông nhún vai bảo: “Thế nên tôi đã đề nghị họ gửi ảnh nơi ở qua Facebook và lâu lâu lại nhờ họ cập nhật cho tôi tin tức về các con vật”.
Tuy nhiên số người đến nhận nuôi không phải là nhiều. Có trường hợp người nhận nuôi thay đổi quyết định vào phút cuối vì chủ nhà trọ không cho họ nuôi chó mèo. Nhất là từ ngày ông được lên báo, số người gọi điện và mang các con thú đến cho ông tăng đáng kể. Ông nói: “Số lượng quá nhiều thì tôi không thể chăm lo cho chúng tốt được”. Hiện nay, mỗi ngày ông tốn 150.000 đồng để chi trả tiền ăn uống cho chúng. “Thế nhưng khi có người gọi điện hỏi hoặc để chúng lại trước nhà tôi là tôi không thể làm ngơ”, ông thừa nhận.
Leopold đang dọn dẹp vệ sinh khu vực tầng thượng, nơi tập trung hơn 50 con mèo lớn nhỏ
Ông cũng trao đổi với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ xung quanh việc bảo vệ các con vật và mong ước về một đạo luật bảo vệ các con vật khỏi nguy cơ bị hành hạ, bị đánh cắp và giết hại để làm thịt tại Việt Nam. “Khi tôi nói chuyện với người khác về việc này, không phải ai cũng đồng tình với tôi, ngay cả người phương Tây vì một số người đến Việt Nam chỉ để được ăn món thịt chó. Tôi thật không hiểu nổi họ nghĩ gì”, Leopold không giấu nổi vẻ bất bình.
Dù vậy, ông vẫn hy vọng có thể làm thay đổi suy nghĩ của mọi người từng chút một. “Nếu có thể, hãy dạy những đứa trẻ yêu quý động vật. Khi lớn lên, chúng sẽ học được cách yêu thương con người”, ông nói.
Leopold Vincent, sinh ra ở Ouistreham, thuộc vùng Normandy, miền Bắc nước Pháp. Khi còn ở Pháp, ông từng làm nghề xăm hình, nhân viên pha chế trong các quán ruợu và làm việc ở trung tâm kinh doanh băng đĩa. Sau đó, ông rời Pháp để đến Campuchia làm ăn theo lời mời của một người quen. Tại đây ông đã gặp vợ mình - một phụ nữ Việt Nam nên quyết định chuyển sang Việt Nam sinh sống. Leopold quyết định lập đường dây nóng: 0907 348 214 dành cho người nói được tiếng Anh và Pháp; 0903 645 600 dành cho người nói tiếng Việt để giải cứu chó mèo gặp nguy hiểm. Bên cạnh đó, ông còn đăng thông tin và hình ảnh của những con vật mà ông đã đưa về nhà trên website http://www.vietnamanimalscruelty.com do ông lập nên. |