Ông chủ tiết lộ cách chăm vườn hồng cổ bạc tỷ giữa lòng Sài Gòn
Phủ kín khuôn viên 2 căn biệt thự là những đóa hồng rực rỡ sắc màu, tỏa hương thơm ngát. Vẻ đẹp như thiên đường cùng giá trị của vườn hồng khiến du khách ngạc nhiên không muốn rời bước.
Vườn hồng cổ thụ rực rỡ sắc hoa khiến người xem không muốn rời bước. (Ảnh: Nguyễn Sơn).
Cảnh sắc thiên đường
Nằm trên con đường Liên Phường, (phường Phú Hữu, Quận 9, TP.HCM), vườn hồng cổ thụ của anh Đoàn Xuân Sơn khiến người xem choáng ngợp.
Tại đây, các gốc hồng cổ được anh Sơn trồng, tạo hình trong những chậu sành, sứ, bài trí trước sân và hai bên hông của hai căn biệt thự nằm ở mặt tiền đường.
Hoa hồng cổ thụ hiện diện khắp nơi trong 2 căn biệt thự sơn màu trắng muốt. (Ảnh: Nguyễn Sơn).
Thậm chí, hoa hồng cũng “án ngữ” trên các lan can, mái hiên 2 căn nhà khang trang có màu sơn trắng muốt. Ngay từ ngoài cổng, khách tham quan đã bị hấp dẫn bởi hương thơm ngào ngạt từ hoa hồng. Lạc vào vườn, người vãn cảnh say cùng sắc màu rực rỡ của những cây hồng Sa Pa, hồng cổ đào, bạch xếp, cổ Huế…
Anh Sơn cho biết, anh đang sở hữu hơn 2.000 chậu hồng. Trong số này, có nhiều loại hồng cổ, độc nhất Việt Nam và nhiều giống hồng ngoại. Cá biệt, có nhiều cây hoa hồng cổ giá trị cao hơn 100 triệu đồng.
Đang trong buổi giao mùa, thời tiết thay đổi nên vườn hoa xuống sức, cây cho ít hoa hơn nhưng vẫn đẹp rực rỡ. (Ảnh: Nguyễn Sơn).
Một trong số đó là cây Bạch hương trà cho hoa màu trắng ngà tuyệt đẹp. Anh Sơn chia sẻ: “Cây Bạch hương trà của tôi là một trong những cây hồng cổ có tuổi đời lớn và độc nhất Việt Nam. Cây này được tôi đưa từ Lào về”.
“Khi sung sức, cây ra hoa kết thành từng chùm trắng muốt, phủ kín cành khẳng khiu. Hoa của Bạch hương trà có thể dùng để hãm trà, ngâm rượu uống rất tốt cho sức khỏe”, anh Sơn chia sẻ thêm.
Ngoài ra, anh sở hữu những gốc hồng có tuổi đời cao đến nỗi gốc, thân cây xù xì, rêu xanh bao phủ.
Vườn chủ yếu là hồng cổ thụ. Có cây do tuổi đời quá cao nên gốc xù xì, rêu xanh phủ kín. (Ảnh: Nguyễn Sơn).
Có cây dù thuộc giống hồng leo nhưng đã hóa thân gỗ, được tạo hình bonsai vì có tuổi đời thuộc hàng cổ thụ. Nhân viên chăm sóc hoa tại vườn hồng này cho biết, lúc cây khỏe, sung sức, thời tiết thuận lợi, cây cho hoa rất sai. Vườn lúc đó tưởng như một tấm thảm hoa hồng với đủ loại sắc màu, hương thơm.
Anh Sơn cho biết, anh vốn yêu thích hoa hồng từ khi còn rất nhỏ và đặc biệt ấn tượng với hoa hồng cổ. Khi có điều kiện, anh mua hoa về trồng trong vườn nhà. Niềm đam mê của anh lớn theo thời gian. Phát hiện nhiều người cùng sở thích, anh lập nhóm để lan tỏa thú chơi này ra cộng đồng.
Đi dưới những tán hoa, người vãn cảnh cảm nhận được mùi hương thơm ngát đặc trưng của loài hoa được mệnh danh là sứ giả của tình yêu. (Ảnh: Nguyễn Sơn).
Sau đó, anh xây dựng vườn hồng tại Quận 9, bài trí các chậu hồng cổ, hồng quý trong khuôn viên 2 căn biệt thự thuê lại để làm nơi giao lưu của những người cùng sở thích. Đến vườn hoa, du khách không chỉ ngắm hoa miễn phí mà còn được anh hướng dẫn, chia sẻ bí quyết nuôi dưỡng loài hoa là sứ giả của tình yêu.
Hoa hồng bên mái hiên căn biệt thự. (Ảnh: Nguyễn Sơn).
Bí quyết nuôi dưỡng “sứ giả của tình yêu”
Anh Xuân Sơn khẳng định, cây hoa hồng không chỉ phát triển tốt ở nơi có khí hậu mát mẻ như miền Bắc, Đà Lạt… mà còn có thể phát triển tốt ở miền Nam.
Đây là loài khó tính nhưng nếu biết chăm sóc, cây có thể ra hoa quanh năm. Cụ thể, trước khi trồng, người chơi phải xác định mình sẽ trồng hoa ở đâu. Bởi, trồng hoa trong vườn, trong chậu, trên lan can, sân thượng… đều có những lưu ý, kỹ thuật riêng.
Một giống hồng lạ bung nở trên lan can căn biệt thự. (Ảnh: Nguyễn Sơn)
“Nếu trồng trong chậu, chúng ta phải chọn loại giá thể phù hợp, chủ động nước tưới, phân bón cho cây đủ dinh dưỡng. Người chơi hoa hồng nên chăm sóc hoa theo hướng hữu cơ, sạch, đất phải tơi xốp. Nếu đất cứng thì cây không phát triển được, lưu ý không tưới quá nhiều nước”, anh Sơn chia sẻ.
Anh cho biết, rễ hoa hồng rất yếu, đòi hỏi đất trồng phải tơi xốp, thành phần gồm vỏ trấu tươi, vỏ đậu phộng, xơ dừa. Nếu đất cứng quá, cây hoa hồng không phát triển được. Việc tưới nhiều nước sẽ khiến rễ cây bị úng dẫn đến sâu bệnh hoặc chết.
Tại đây, có nhiều gốc hồng cổ thụ thuộc loại hiếm, độc nhất Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Sơn).
Người chơi loài hoa này trước hết phải tìm hiểu, nắm rõ một số kỹ thuật cơ bản mới có thể thành công. Anh nói, trước vẻ đẹp của vườn hồng, nhiều người đã đến đặt vấn đề mua lại. Tuy nhiên, anh chỉ bán hồng quý cho người biết chơi, am hiểu loài cây này.
Anh nói: “Tôi thường không bán cho người không am hiểu hoa hồng. Bởi, nếu không biết chăm sóc, khi người mua đem về nhà, cây sẽ xuống sức, xơ xác, thậm chí chết. Điều đó khiến tôi rất đau lòng".
Cây Bạch hương trà này là một ví dụ. Anh Sơn cho biết, hiện cây đang trong giai đoạn dưỡng, khôi phục sau mùa hoa “rực rỡ” trước đó. Tuy nhiên, trị giá cây này trên 150 triệu đồng. (Ảnh: Nguyễn Sơn).
Trao đổi thêm về kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn hoa bạc tỉ của mình, anh Sơn chia sẻ, sau nhiều thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, anh đã thành công trong mô hình trồng hoa hồng hữu cơ. Để cây khỏe, hoa tươi lâu, ít sâu bệnh, anh đã bón cho cây loại dung dịch hữu cơ với thành phần cơ bản là chuối tiêu.
Vườn hồng cổ thụ này là nơi tham quan, giao lưu của những người yêu hoa hồng. (Ảnh: Nguyễn Sơn).
Anh Đoàn Xuân Sơn cho biết, vườn hồng của anh có hơn 10 loại hoa hồng cổ với mức giá trung bình từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng mỗi cây. Cá biệt, có nhiều gốc hồng cổ thụ, quý hiếm được định giá từ 150-180 triệu đồng/cây. Ngoài ra, vườn cũng có khoảng 150 - 170 loại hoa hồng ngoại nhập, chủ yếu là giống Thái Lan.