Nữ nhà báo tâm sự cách giữ lửa gia đình khi những đêm khuya phải miệt mài gõ chữ
Khác với các nhà báo nam, chị em phụ nữ chọn nghề làm báo còn phải đối mặt với nhiều gian nan ngay từ chính trong việc giữ lửa gia đình.
Nữ nhà báo yêu nghề và biết cách giữ lửa cho gia đình
Nói về phụ nữ làm báo, Tổng Biên tập Tạp chí Thương gia Nguyễn Thùy Dương, từng chia sẻ: “Nếu các anh làm việc muộn, chắc chắn sẽ nhận được từ vợ một ly nước cam, một ly sinh tố. Nhưng nếu chúng tôi làm việc muộn, chắc không nhiều người nhận được sự quan tâm ấy”. Và đó cũng chỉ là một trong những vất vả nhỏ mà người phụ nữ phải đối mặt khi lựa chọn con đường nghề nghiệp lắm chông gai này.
Thiên chức phụ nữ
So với các đồng nghiệp khác giới, phụ nữ gặp nhiều áp lực hơn. Bởi bên cạnh niềm yêu nghề, sự xông pha, dấn thân thì họ còn gánh trên vai trách nhiệm làm vợ, làm mẹ. Chỉ đơn giản như chuyện giờ giấc, nếu các anh trực tin đến khuya, ở tòa soạn đến tận tối muộn, đi công tác cả tuần… thì chị em lại không dễ dàng như vậy. Ở nhà còn những bữa cơm, những đứa con đang chờ đợi họ. Đó cũng chính là thiên chức mà họ không thể phớt lờ.
Đối với Lê Thanh, mỗi ngày đi làm là một ngày thú vị
Với trải nghiệm gần 10 năm trong nghề, nhà báo Lê Thanh - Báo Bình Dương chia sẻ: "Phụ nữ làm báo sẽ thường gặp nhiều bất lợi hơn nam giới. Nhất là những phụ nữ đã có gia đình và phải chăm sóc con cái. Thời gian tập trung cho công việc sẽ bị phân tán bởi những lúc con cái ốm đau bệnh tật. Hơn thế, có những lĩnh vực cần có thời gian và sức khoẻ để đi cơ sở, nhưng phụ nữ khi có gia đình thì khó có thể đáp ứng điều kiện này. Như bản thân tôi, con còn nhỏ nên tôi không thể đi xa lâu, chỉ có thể đi về trong ngày".
Chị Nguyễn Dung - Phóng viên Báo Sức khỏe Cộng đồng, cũng cho biết khi theo đuổi nghề báo, chị phải đối mặt với nhiều áp lực mà nếu không có đam mê và yêu nghề thì đã sớm từ bỏ. "Tôi làm báo mạng, thường xuyên phải trực tin và ra ngoài tác nghiệp, bất kể giờ giấc. Có những hôm theo sự kiện, theo điều tra tới nửa đêm gần sáng mới về nhà. Nhớ thời gian đầu mới cưới, vợ chồng tôi không ít lần mâu thuẫn vì vấn đề này. Bố mẹ chồng cũng không hiểu, còn khuyên tôi nên tìm một công việc khác ổn định và nhàn nhã hơn để có thời gian chăm sóc gia đình, rồi còn sinh con. Nhưng tình yêu với nghề cuối cùng đã giúp tôi thuyết phục được mọi người. Và quan trọng nữa là phải có bí quyết để dung hòa giữa công việc và gia đình", chị Dung cho biết.
Chia sẻ là “giữ lửa”
"Giữ lửa" hạnh phúc là một khái niệm khó, đối với phụ nữ làm báo càng khó hơn. Bởi đặc trưng công việc của họ là thời gian thất thường. Họ cũng muốn trở về nhà sớm, tự tay chuẩn bị bữa cơm ngon cho chồng con; nhưng sự kiện xảy ra, lại phải tất tả đến hiện trường. Họ cũng muốn cùng chồng con thưởng thức một buổi tối ấm cúng, ngọt ngào bên nhau; nhưng bài chưa xong, phải làm kịp đến lên trang nên lại phải ngồi kì cạch trước máy tính đến khuya… Đó là vốn là tình trạng thường xuyên diễn ra với một nữ nhà báo mà nếu không biết cách dung hòa, xử lý, hạnh phúc gia đình rất dễ lung lay.
Nhà báo Lê Thanh tâm sự, công việc đặc trưng giờ giấc không cố định nên các thành viên khác trong gia đình chị cũng phải làm quen với giờ giấc của mẹ - vợ mình. Có những ngày lên kế hoạch đưa con đi chơi vào cuối tuần, vậy mà đùng một cái có sự kiện, mẹ phải đi công tác.
"Tôi nghĩ điều quan trọng nhất đối với chị em làm nghề báo đó chính là sự thấu hiểu và thông cảm từ phía gia đình. Đặc biệt là từ người chồng. Chấp nhận việc vợ đi làm giờ giấc không cố định, chấp nhận cho vợ đi làm xa... Và để có được điều đó thì bản thân mình cũng phải cố gắng dung hòa, sắp xếp thời gian sao cho hợp lý. Ví dụ như tận dụng mọi thời gian rảnh rỗi để chăm sóc chồng con, giải quyết việc gia đình.
Thường xuyên chia sẻ với người bạn đời về công việc của mình, điều đó không chỉ giúp anh ấy thêm hiểu và thông cảm với nghề của vợ mà còn giúp bản thân mình được giải tỏa căng thẳng, đỡ stress", chị Thanh chia sẻ.
Đặc biệt, theo chị Thanh, dù ở bất kỳ ngành nghề nào thì người phụ nữ cũng không được bỏ bê bản thân, điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhan sắc của mình mà còn khiến chồng dễ… chán.
Nữ nhà báo Lê Thanh trong một chuyến tác nghiệp
Đồng quan điểm với chị Thanh, chị Dung cũng cho rằng, việc thường xuyên chia sẻ công việc với chồng là điều quan trọng để "giữ lửa" hạnh phúc. Nghề báo nghe quen thuộc nhưng không phải ai cũng hiểu hết ngọn ngành về nó. Đôi khi, người ta chỉ nhìn thấy những bề nổi và vội vàng tin vào những cám dỗ mà nó mang lại. Còn những khổ cực, vất vả phía sau thì có lẽ chỉ những người làm nghề hoặc người thân của họ mới thấu.
"Có cô bạn đồng nghiệp của tôi làm điều tra, thường xuyên ra khỏi nhà lúc nửa đêm. Có hôm còn có cả đồng nghiệp nam đến đón tận cửa. Rồi hàng xóm xì xèo, bàn tán. Chồng không hiểu nên cũng nghĩ vợ kiếm cớ để ra ngoài bồ bịch lăng nhăng. Rồi hôn nhân tan vỡ… Đó là trường hợp không giữ được hạnh phúc vì nghề. Và cũng có rất nhiều trường hợp vì không chịu được áp lực mà phải từ bỏ niềm đam mê của mình", chị Dung kể.
Vất vả, gian nan là vậy nhưng với những người phụ nữ đam mê nghề báo, tình yêu của họ đối với công việc không có gì so sánh được. Bởi với họ, dù vất vả, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng thì nghề báo luôn đem tới cho họ nhiều điều. Đó là sự thỏa mãn đam mê, sự hiểu biết, sự trải nghiệm và những mối quan hệ mà nhiều nghề khác chẳng có được. Mỗi lần xách ba lô đi là một lần trải nghiệm với bao cung bậc cảm xúc, những nỗi trăn trở. Là sự vui mừng khi họ được thay mặt những người dân “thấp cổ bé họng”, những người nghèo khó được nói lên, phản ánh những khó khăn mà người dân đang phải gánh chịu.
"Nghề báo đối với tôi là một nghề đặc biệt! Vì công việc mỗi ngày không bao giờ lặp lại. Hơn nữa, nghề báo cho tôi cơ hội tiếp xúc với nhiều người, nhiều lĩnh vực...; cho tôi học hỏi và hiểu thêm rằng cuộc sống này có quá nhiều điều lý thú chào đón mỗi ngày. Cũng chính vì sự thú vị đó mà tôi có thêm động lực, vượt qua những khó khăn để gắn bó với nghề", nhà báo Lê Thanh tâm sự.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi từng nhận định về phụ nữ làm báo: Nghề báo nhiều vinh quang nhưng đôi khi phải đối mặt với những nguy hiểm, cạm bẫy. Vốn được coi là phái yếu, phụ nữ luôn được nhìn nhận sẽ có nhiều khó khăn để theo đuổi công việc vất vả, áp lực lớn này. Có khi, phụ nữ phải nỗ lực làm việc gấp đôi, gấp ba mới được thừa nhận năng lực so với nam giới... Không chỉ chịu áp lực trong công việc, những nhà báo nữ còn mang trên vai vô vàn trách nhiệm cũng như phải làm tròn những thiên chức của người phụ nữ.
-> Gặp gỡ nữ nhà báo nguyện hiến thân mình cho khoa học